Thêm nhiều cú hích để trẻ yêu trang sách

Sách được ví là người bạn, người thầy bồi đắp tri thức và nuôi dưỡng nhân cách, tâm hồn con người. Đối với thiếu nhi, vai trò của sách càng trở nên cấp thiết. Nhằm nâng cao văn hóa đọc cho các em trong thời đại 4.0, vài năm trở lại đây, nhiều hoạt động khuyến đọc được nhân rộng với hình thức gần gũi, bài bản và thu hút.

Lần đầu tiên độc giả nhí có một hội sách dành cho riêng mình. Trong hai ngày 28 và 29-9, hàng ngàn bạn đọc nhỏ tuổi thỏa thích chọn lựa những cuốn sách hấp dẫn và tham gia nhiều hoạt động thú vị tại Hội sách Thiếu nhi TP Hồ Chí Minh năm 2019.

Theo ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh, Trưởng ban tổ chức, với chủ đề “Mở trang sách – Sáng tương lai”, hội sách nhằm khuyến khích và giới thiệu những tựa sách nên đọc và phù hợp với từng lứa tuổi thiếu nhi.

Bên cạnh đó, hàng loạt hoạt động sôi nổi và tương tác với bạn nhỏ diễn ra như: Triển lãm bìa sách và nhân vật từ sách; Hóa thân cùng sách; Kể và bình luận sách; Talkshow chuyên đề “Sống xanh”; cuộc thi vẽ chủ đề “Vẽ ước mơ”; các trò chơi trí tuệ....

Các em thiếu nhi lựa chọn sách tại Hội sách Thiếu nhi TP Hồ Chí Minh 2019.

Các em thiếu nhi lựa chọn sách tại Hội sách Thiếu nhi TP Hồ Chí Minh 2019.

Hoạt động “Sách đổi sách” trao đổi những cuốn sách cũ đã đọc để lấy cuốn sách mới. Nhìn cảnh các em háo hức lật giở từng trang sách, tham gia các hoạt động liên quan đến những kiến thức, câu chuyện bước ra từ sách mới hiểu rằng thiếu nhi ngày nay không hề thờ ơ với người bạn bổ ích này nếu xã hội có những hoạt động thiết thực, hấp dẫn.

Trong cuộc khảo sát về thói quen đọc sách của học sinh do Đường Sách TP Hồ Chí Minh thực hiện vừa qua, thể loại được trẻ chọn đọc nhiều nhất là truyện tranh, văn học, kỹ năng, khoa học, lịch sử. Các tựa sách được yêu thích cho thấy học sinh đã có cái nhìn tốt hơn về sách, cũng như hiểu được phần nào ý nghĩa và lợi ích của sách đối với cá nhân và cuộc sống. Khi được hỏi “Em có thích đọc sách không?” và “Em có thường xuyên đọc sách không?”, câu trả lời nhận được ở cấp độ tích cực (tức rất thích và thường xuyên) chiếm khoảng 40%.

Tuy nhiên, hơn 50% các em vẫn giữ thái độ lưng chừng, chỉ thỉnh thoảng đọc sách vì không thích lắm. Điều này đòi hỏi những động thái mạnh mẽ hơn nữa từ gia đình, nhà trường và cả xã hội để tạo dựng niềm đam mê đọc sách cho các em.

Lâu nay, nhiều người lý giải: chính sự cạnh tranh của các loại hình giải trí thời đại số như game, phim ảnh hay ca nhạc trên các thiết bị di động... đã khiến sách tụt hậu và trở nên kém hấp dẫn trong mắt trẻ thơ. Thế nhưng, theo em Lê Ngọc Phương Trinh, học sinh lớp 8, trường THCS Nguyễn Hiền, TP Hồ Chí Minh, nhiều bạn bè không thích đọc sách không phải hoàn toàn do lỗi của công nghệ. Em chỉ ra chính nội dung và hình thức nhiều cuốn sách quá khô khan, đơn điệu, không bắt mắt khiến các em không có hứng thú, chán ngán. Trong khi đó, người lớn lại hối thúc, ép buộc các em phải đọc khiến không ít em coi sách như kẻ thù.

Phương Trinh phân tích: “Hiện tại, chúng em muốn đọc sách cũng không hề dễ dàng. Sách khá đắt đỏ trong khi tụi em là học sinh nên không có nhiều tiền để mua. Sáng 6 giờ, chúng em đã dậy đi học đến 5 giờ chiều. Sau đó, chúng em còn phải học thêm, đến 8- 9 giờ tối mới về nhà, rồi làm bài tập đến tận 10 – 11 giờ khuya. Còn địa điểm đọc sách thì chưa có nhiều. Một không gian đọc sách tuyệt vời cũng là một trong những yếu tố thôi thúc chúng em yêu sách”.

Việc khơi nguồn cảm hứng cho các em cũng rất quan trọng. Để làm được điều đó, người lớn cần phải làm gương, dành thời gian cùng đọc và bàn luận với con em. Tại tọa đàm “Thói quen đọc sách góp phần hình thành nhân cách cho học sinh như thế nào?”, nhiều mô hình khuyến đọc thú vị được các thầy cô giáo chia sẻ.

Cô Nguyễn Thu Hà, giáo viên trường THPT Võ Trường Toản, quận 12 cho biết, bằng cách dụ học sinh đọc một cuốn sách sẽ được thưởng một món ăn hấp dẫn như bánh tráng trộn, trà sữa..., rất nhiều học sinh dần dần thích thú khi khám phá bao điều hay, ý đẹp từ trang sách. Mô hình của cô Hà cho thấy sự cần thiết phải xây dựng tiết đọc sách trong khung giờ chính thức của nhà trường để hình thành và duy trì thói quen đọc sách cho học sinh, nhất là khi lịch học quá dày đặc.

Riêng về các đơn vị làm sách, ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam đánh giá: “Ngành xuất bản Việt Nam trong những năm gần đây có sự chuyển mình tích cực, nhiều xuất bản phẩm được cho ra đời với sự đầu tư công phu không chỉ về chất lượng nội dung, tư tưởng, học thuật mà cả về hình thức, kỹ - mỹ thuật sách. Đặc biệt ngày càng có nhiều dòng sách phong phú về nội dung, đa dạng về đề tài, góp phần phát triển tri thức, giáo dục nhân cách, lối sống cho trẻ em, học sinh”. Nhiều đơn vị như NXB Kim Đồng, NXB Trẻ... còn năng nổ tổ chức nhiều buổi giao lưu, giới thiệu tác giả, tác phẩm đến trẻ thơ vùng sâu, vùng xa.

Những hoạt động, không gian khuyến đọc như Hội sách Thiếu nhi TP Hồ Chí Minh 2019 là điểm sáng của phong trào thúc đẩy văn hóa đọc trong thiếu nhi. “Sau lần tổ chức đầu tiên này, Hội sách Thiếu nhi TP Hồ Chí Minh sẽ trở thành một hoạt động thường niên dành cho độc giả nhỏ tuổi. Qua đó tìm kiếm và phát triển những ý tưởng hay về mô hình đọc sách để cùng chia sẻ rộng rãi cho các địa phương”, ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cho biết thêm.

Quỳnh Nga

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/xa-hoi/them-nhieu-cu-hich-de-tre-yeu-trang-sach-563762/