Khám phá Tam Giang - Đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á

Ngoài đền đài, lăng tẩm..., xứ Huế còn có sản phẩm du lịch mang tên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Nhiều năm qua, địa phương này đã và đang khai thác tiềm năng, thế mạnh của nguồn tài nguyên hệ đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á để thu hút du khách thập phương.

Đạp trìa, đổ nò...

Một ngày đầu hè, tôi có dịp gặp hướng dẫn viên du lịch dẫn các du khách tham quan, khám phá vẻ đẹp “Sóng nước Tam Giang”. Giữa mênh mông sóng nước, cô hướng dẫn viên xinh đẹp người Huế nhẹ nhàng giới thiệu cho du khách biết thêm về vẻ đẹp chốn đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Vẻ đẹp yên bình bên phá Tam Giang.

Vẻ đẹp yên bình bên phá Tam Giang.

Ngồi trên chiếc thuyền, các du khách lênh đênh trên con nước Tam Giang đoạn qua làng Ngư Mỹ Thạnh (xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế), ai cũng trầm trồ trước vẻ đẹp thiên nhiên trong lành, yên bình.

Hòa mình vào bức tranh thiên nhiên hoang sơ, tuyệt đẹp ở phá Tam Giang, du khách có dịp được tham quan cánh rừng ngập mặn với nhiều cây bần chua mọc san sát nhau tạo nên khung cảnh tràn ngập màu xanh, tạo bóng râm cho họ dừng chân nghỉ mát.

Trong không gian xanh mát giữa ngày hè oi bức, mọi người được thưởng thức món bánh lọc và những món trái cây thơm ngon. Sau đó tiếp tục di chuyển đến khu vực nhà chồ để trải nghiệm đạp trìa. Ngâm mình dưới dòng nước mát mẻ, sau đó được trực tiếp trải nghiệm hoạt động thú vị này. Đưa chân rà xuống đáy nước xung quanh, một vài người tìm kiếm những chú trìa nằm bên dưới. Khoảnh khắc đạp trúng chú trìa rồi dùng chân gắp lấy đưa lên tay khiến du khách sung sướng vô cùng.

Thành quả sau thời gian đạp trìa.

Thành quả sau thời gian đạp trìa.

Lên thuyền, du khách cùng ngư dân đổ nò. Kết quả thu được với nhiều con cá tươi ngon của vùng đầm phá. Mọi người cùng nhóm bếp, nướng các chú cá và thưởng thức hải sản trên thuyền.

Chiều tà, ông mặt trời đỏ rực xuất hiện ở chân trời. Du khách chèo SUP ngắm khoảnh khắc hoàng hôn tuyệt đẹp về trên phá Tam Giang. Khung cảnh hoàng hôn hòa mình vào cảnh nước non tạo nên bức tranh thiên nhiên đắm say lòng người.

Có dịp khám phá vẻ đẹp phá Tam Giang, du khách còn được chứng kiến phiên chợ nổi cùng cuộc sống sinh hoạt của người dân ven phá. Được trò chuyện, trao đổi với người dân, du khách có thêm những hiểu biết về văn hóa, cuộc sống người dân địa phương...

“Khoảng thời gian ở phá Tam Giang đã giúp mình có thêm trải nghiệm hoàn toàn mới lạ ở mảnh đất xứ Huế. Mình cảm nhận được bức tranh thiên nhiên bình dị về cuộc sống thanh bình, yên ả chốn đầm phá với những con người chất phác. Chị em mình được trải nghiệm nhiều điều không phải nơi đâu cũng có được. Phá Tam Giang quá đẹp”, chị Ngọc Tiên bày tỏ.

Với chiều dài 68km và tổng diện tích mặt nước 216km2, hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trải dài trên địa bàn nhiều huyện, TP Huế. Hệ đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á này được nhiều du khách yêu thích, tìm đến khám phá, nhất là đầm Chuồn, Rú Chá, làng Ngư Mỹ Thạnh...

Bữa tiệc BBQ ngay trên phá.

Bữa tiệc BBQ ngay trên phá.

Theo Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện nay, khoảng 7.000ha ở phá Tam Giang - Cầu Hai được khai thác, bước đầu hình thành các tour du lịch sinh thái, loại hình du lịch cộng đồng và sản phẩm dịch vụ du lịch. Một số địa phương ở vùng đầm phá đã tận dụng tốt tiềm năng để phát triển du lịch dịch vụ.

Những năm gần đây, HTX dịch vụ du lịch cộng đồng Tam Giang Quảng Lợi đã tổ chức nhiều tour, tuyến du lịch như trải nghiệm hoạt động đổ nò, bủa lưới, đạp trìa, thưởng thức hải sản đầm phá, tham quan làng rau, làng nghề đan lát... Qua đó, mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm đáng nhớ trên hành trình khám phá vẻ đẹp cố đô.

Tìm hiểu về cuộc sống đời thường của người dân.

Tìm hiểu về cuộc sống đời thường của người dân.

Ngoài làng Ngư Mỹ Thạnh, còn có đầm Chuồn (huyện Phú Vang) với dịch vụ chèo thuyền khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, thưởng thức những món ăn từ cá, tôm nước lợ đặc trưng... Du khách còn có thể đến Rú Chá (TP Huế) để hòa mình vào bức tranh thiên nhiên rộng lớn, lưu lại những khoảnh khắc đẹp bên rừng chá. Dừng chân bên khu rừng nguyên sinh duy nhất còn lại trên phá Tam Giang, du khách có những giây phút thư thái tâm hồn, an nhiên. Vừa chiêm ngưỡng hệ sinh thái phong phú, du khách còn được xem các chú còng bò trên mặt đất như có cảm giác đi du lịch miền Tây sông nước...

Phát huy lợi thế vùng đầm phá

Được thiên nhiên ban tặng cho vẻ đẹp độc đáo, để phát huy giá trị vùng đầm phá, chính quyền địa phương đã và đang đề ra nhiều giải pháp. Hiện nay, vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đang phát huy các lợi thế của vùng đầm phá và ven biển, kết nối với du lịch Cố đô Huế để phát triển tổng hợp du lịch sinh thái, văn hóa, du lịch biển; tạo ra các sản phẩm du lịch và dịch vụ có chất lượng cao như hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa...

Du khách tham quan phá Tam Giang.

Du khách tham quan phá Tam Giang.

Với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng đầm phá và biển, ở đây đang hình thành khu du lịch nghỉ dưỡng đặc trưng ở Quảng Ngạn, Thuận An, các điểm du lịch sinh thái rừng núi phía Tây đầm Lập An, Khu bảo tồn sinh thái biển đảo Sơn Chà - Hải Vân... gắn với cảnh quan đầm phá, văn hóa truyền thống của cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, hình thành tuyến du lịch, điểm du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập Tam Giang - Cầu Hai, chú trọng đến các phân vùng Ô Lâu, phân vùng Cồn Tè - Rú Chá.

Với du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề, ở vùng đầm phá đang đẩy mạnh phát triển loại hình sản phẩm du lịch lễ hội như vật Thủ Lễ, vật làng Sình, hò Bả trạo... và tổ chức hiệu quả lễ hội mới như Chợ quê ngày hội, Sóng nước Tam Giang... Các loại hình du lịch tín ngưỡng, tôn giáo, du lịch tâm linh dựa trên các giá trị về văn hóa, kiến trúc, tín ngưỡng ngày càng thu hút nhiều khách tham quan.

Ngoài ra, các loại hình sản phẩm du lịch gắn với làng nghề đang dần phát triển và hoàn thiện như hoa giấy Thanh Tiên, đan lát Bao La, làng rau Thành Trung, làng rau Mỹ Thạnh...

Xem ngư dân đổ nò.

Xem ngư dân đổ nò.

“Dù là điểm đến độc đáo, có tính cạnh tranh cao của tỉnh Thừa Thiên Huế nhưng vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh sẵn có của mình. Hệ thống đầm phá trải dài nhiều địa phương, do đó phải có sự đồng bộ trong quản lý, phát triển du lịch. Môi trường du lịch vùng đầm phá được cải thiện đáng kể nhưng còn một số hạn chế. Hoạt động tuyên truyền, quảng bá, tính liên kết trong hoạt động du lịch chưa mạnh. Các sản phẩm du lịch chưa đa dạng, khai thác du lịch manh mún, nhỏ lẻ...”, ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, thông tin.

Nhằm “đánh thức” tiềm năng này, Thừa Thiên Huế đã ban hành quyết định phê duyệt đề cương Đề án phát triển kinh tế xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2030 với nhiều mục tiêu, trong đó đưa du lịch thành ngành kinh tế chủ lực.

Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai gồm phá Tam Giang, đầm Thủy Tú và đầm Cầu Hai.

Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai gồm phá Tam Giang, đầm Thủy Tú và đầm Cầu Hai.

Chiêm ngưỡng khoảnh khắc của đất trời trên phá Tam Giang.

Chiêm ngưỡng khoảnh khắc của đất trời trên phá Tam Giang.

Có dịp về phá Tam Giang, câu chuyện cổ tích về Nàng Tiên Cá xinh đẹp với giọng hát du dương quyến rũ bao thủy thủ có lẽ không còn lạ với bao người. Nếu ví phong cảnh bình dị vùng đầm phá Tam Giang đẹp như Nàng Tiên Cá, còn với du khách thì vẻ đẹp đầm phá như Nàng Tiên Cá... chưa hát. Dù rất đẹp nhưng còn tiềm năng, cần lắm sự đầu tư mạnh mẽ, quy mô hơn để Nàng Tiên Cá cất lên giọng hát du dương của mình...

Hải Vân

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/du-khao/kham-pha-tam-giang-dam-pha-nuoc-lo-lon-nhat-dong-nam-a-c14a77522.html