Thêm nhiều địa phương ban hành quyết định tách thửa mới, diện tích tối thiểu là điểm đáng chú ý

Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 đã quy định rõ các điều kiện được tách thửa, hợp thửa. Thanh Hóa, Bình Định, Hải Dương cũng đã tiến hành tách thửa và diện tích tối thiểu giữa các địa phương có sự khác nhau.

Theo Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8, người dân muốn tách thửa đất phải đảm bảo đất không tranh chấp, có lối đi, kết nối giao thông công cộng, cấp, thoát nước hợp lý.

Cụ thể, Điều 220 Luật Đất đai 2024 quy định về việc tách thửa, hợp thửa đất. Theo đó, người dân có thể tách, hợp thửa đất khi đảm bảo các điều kiện. Nhiều địa phương đã ban hành quyết định tách thửa theo Luật Đất đai mới.

Tại Thừa Thiên Huế: UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành quy định về việc tách thửa đất với nhiều điểm mới đáng chú ý.

Theo đó, điểm mới nổi bật trong quy định cụ thể diện tích tối thiểu thửa đất sau khi tách thửa đối với các phường của TP Huế là 60 m2. Riêng các phường mới sáp nhập vào thành phố Huế là 80 m2; các xã sáp nhập vào TP Huế là 100 m2.

Các thị trấn thuộc huyện, các phường thuộc thị xã và các xã đồng bằng là 100 m2 (riêng các xã Phú Thuận, Phú Hải của huyện Phú Vang và thị trấn Sịa của huyện Quảng Điền là 80 m2).

Riêng các xã trung du, miền núi diện tích tối thiểu sau khi tách thửa là 150 m2; trong đó, kích thước cạnh mặt tiền được quy định phải lớn hơn hoặc bằng 4 m theo hướng song song với đường giao thông; Kích thước chiều sâu thửa đất phải lớn hơn hoặc bằng 5 m.

Với đất trồng cây hàng năm (trừ đất lúa), đất nuôi trồng thủy sản, việc tách thửa đất mới hình thành từ việc tách thửa và thửa đất còn lại phải đảm bảo diện tích tối thiểu như sau: các xã, phường thuộc thành phố Huế là 200m2; các thị trấn thuộc huyện và các phường thuộc thị xã là 300 m2; các xã đồng bằng là 400 m2; các xã trung du, miền núi là 500 m2 .

 Nhiều địa phương phân lô, tách thửa đất theo Luật Đất đai 2024 vừa có hiệu lực từ 1/8. Ảnh Nhật Di.

Nhiều địa phương phân lô, tách thửa đất theo Luật Đất đai 2024 vừa có hiệu lực từ 1/8. Ảnh Nhật Di.

Với đất trồng cây lâu năm, đất nông nghiệp khác, các xã, phường thuộc thành phố Huế là 400 m2; các thị trấn thuộc huyện và các phường thuộc thị xã là 600 m2; các xã đồng bằng là 800 m2; các xã trung du, miền núi là 1.000 m2. Đối với đất lâm nghiệp, diện tích tối thiểu sau khi tách thửa 5.000 m2…

Quy định mới của tỉnh Thừa Thiên Huế cũng nêu rõ, trường hợp tách thửa đối với thửa đất có diện tích lớn hơn hoặc bằng 5.000 m2 thì UBND cấp huyện thực hiện phê duyệt phương án tổng mặt bằng sau khi lấy ý kiến thống nhất của Sở Xây dựng theo quy định.

Nếu tách thửa đất ở có hình thành lối đi chung thì việc tách thửa đất được thực hiện sau khi có bản vẽ tổng thể sơ đồ mặt bằng phân lô được UBND cấp huyện chấp thuận.

8 nguyên tắc, điều kiện về tách thửa, hợp thửa theo luật mới:

Thứ nhất, thửa đất đã được cấp một trong các loại giấy chứng nhận: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Thứ hai, thửa đất còn trong thời hạn sử dụng đất.

Thứ ba, đất không có tranh chấp, không bị kê biên để bảo đảm thi hành án; không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thứ tư, việc tách thửa đất phải bảo đảm có lối đi; được kết nối với đường giao thông công cộng hiện có; bảo đảm cấp, thoát nước và nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý. Trường hợp người sử dụng đất dành một phần diện tích của thửa đất ở hoặc thửa đất có đất ở và đất khác trong cùng thửa đất để làm lối đi, khi thực hiện việc tách thửa đất thì không phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất đối với phần diện tích đất để làm lối đi đó.

Thứ năm, trường hợp tách thửa đất mà có tranh chấp nhưng xác định được phạm vi diện tích, ranh giới đang tranh chấp thì phần diện tích, ranh giới còn lại không tranh chấp của thửa đất đó được phép tách thửa đất.

Thứ sáu, các thửa đất sau khi tách thửa phải bảo đảm diện tích tối thiểu với loại đất đang sử dụng theo quy định của UBND cấp tỉnh. Trường hợp thửa đất được tách có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu được phép tách thửa thì phải thực hiện đồng thời việc hợp thửa với thửa đất liền kề.

Thứ bảy, trường hợp chuyển mục đích sử dụng một phần thửa đất thì thực hiện tách thửa, diện tích tối thiểu của thửa đất sau khi tách ra phải bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu của loại đất sau khi chuyển mục đích sử dụng. Đối với thửa đất có đất ở và đất khác thì không bắt buộc thực hiện tách thửa khi chuyển mục đích sử dụng một phần thửa đất, trừ trường hợp người sử dụng đất có nhu cầu tách thửa.

Thứ tám, trường hợp phân chia quyền sử dụng đất theo bản án, quyết định của tòa án mà việc phân chia không bảo đảm các điều kiện, diện tích, kích thước tách thửa theo quy định thì không thực hiện tách thửa.

Tại Hải Dương: UBND tỉnh Hải Dương cũng đã ban hành Quyết định 37/2024 quy định hạn mức giao đất, hạn mức công nhận đất ở, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp; điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất; diện tích tối thiểu được phép tách thửa đất, hợp thửa đất trên địa bàn. Quy định này có hiệu lực từ ngày 12/9.

Theo quy định, hạn mức giao đất ở cho cá nhân tại khu vực đô thị có vị trí tiếp giáp quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường phố, đường trong khu đô thị, khu dân cư, mức tối thiểu là 40 m2, tối đa là 80 m2; các vị trí đất còn lại, mức tối thiểu giao 40 m2, tối đa 120 m2.

Ở khu vực nông thôn, vị trí tiếp giáp quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường phố, đường trong khu đô thị, khu dân cư, mức giao tối thiểu 40 m2, tối đa 120 m2; vị trí đất còn lại, mức giao tối thiểu là 60 m2, tối đa 200 m2.

Ở khu vực nông thôn miền núi, vị trí tiếp giáp quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện và tại các khu, điểm dân cư quy hoạch mới, mức giao tối thiểu là 100m2, mức tối đa 180 m2; các vị trí đất còn lại, mức giao tối thiểu 150 m2, tối đa 300 m2.

Đối với hạn mức giao đất chưa sử dụng cho cá nhân đưa vào sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để sử dụng vào mục đích trồng cây hằng năm, nuôi thủy sản không quá 1 ha cho mỗi loại đất; mục đích trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất là rừng trồng, đất rừng phòng hộ không quá 5 ha cho mỗi loại đất...

Đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở được hình thành và sử dụng trước ngày 18/12/1980, vị trí tiếp giáp quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường phố, đường trong khu đô thị, khu dân cư thuộc khu vực đô thị thì hạn mức công nhận đất ở là 400 m2, các vị trí đất còn lại hạn mức công nhận đất ở là 600 m2.

Tại khu vực nông thôn, vị trí tiếp giáp quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường liên thôn, liên xã, hạn mức công nhận đất ở là 600 m2, các vị trí đất còn lại là 1.000 m2.

Tại khu vực nông thôn miền núi, vị trí tiếp giáp quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường liên thôn, liên xã, hạn mức công nhận đất ở là 900 m2, các vị trí đất còn lại là 1.500 m2.

Trường hợp gia đình, cá nhân đang sử dụng thửa đất được hình thành và sử dụng từ ngày 18/12/1980 đến trước ngày 15/10/1993 thì hạn mức công nhận đất ở tại khu vực đô thị có vị trí tiếp giáp quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường phố, đường trong khu đô thị, khu dân cư, hạn mức công nhận đất ở là 350 m2, vị trí đất còn lại là 550 m2.

Khu vực nông thôn, vị trí tiếp giáp quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường liên thôn, liên xã, hạn mức công nhận đất ở là 500 m2, các vị trí đất còn lại là 900 m2.

Khu vực nông thôn miền núi, tại vị trí tiếp giáp quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường liên thôn, liên xã, hạn mức công nhận đất ở là 800 m2, vị trí đất còn lại là 1.400 m2.

Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng cây hằng năm, đất nuôi thủy sản không quá 20 ha đối với mỗi loại đất; đất trồng cây lâu năm không quá 100 ha; đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng trồng không quá 150 ha.

Ngoài ra, quyết định cũng quy định cụ thể về diện tích tối thiểu được phép tách thửa đất.

Cụ thể, đất ở thuộc khu vực đô thị có diện tích tối thiểu là 30 m2 và có kích thước cạnh tiếp giáp mặt đường hoặc lối đi chung tối thiểu là 3 m; chiều sâu vào phía trong của thửa đất vuông góc với đường hoặc lối đi chung tối thiểu là 5m.

Đất ở thuộc khu vực nông thôn có diện tích tối thiểu là 60 m2 và có kích thước cạnh tiếp giáp mặt đường chính tối thiểu là 4m, chiều sâu vào phía trong của thửa đất vuông góc với đường chính tối thiểu là 5 m.

Tại Thanh Hóa: UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành quyết định số 56/2024 về quy định điều kiện, diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất, hợp thửa đất đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10.

Theo quyết định, đối với đất ở đô thị, diện tích thửa đất được tách thửa phải đảm bảo thửa đất còn lại và các thửa đất được hình thành sau khi tách thửa có diện tích 40 m2 và kích thước cạnh tối thiểu là 3 m. Riêng địa bàn phường Hải Thanh thuộc Thị xã Nghi Sơn diện tích tối thiểu sau khi tách thửa là 30 m2, kích thước cạnh 3 m.

Đối với đất ở nông thôn, diện tích thửa đất được tách thửa phải đảm bảo thửa đất còn lại và các thửa đất được hình thành sau khi tách thửa có diện tích 50 m2 và kích thước cạnh tối thiểu là 4 m. Riêng địa bàn xã Nghi Sơn thuộc Thị xã Nghi Sơn, xã Ngư Lộc thuộc huyện Hậu Lộc, xã Quảng Nham thuộc huyện Quảng Xương diện tích tối thiểu sau tách thửa là 30 m2, kích thước cạnh 3 m…

Đối với các loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp, diện tích thửa đất được tách thửa phải đảm bảo thửa đất còn lại và các thửa đất hình thành sau khi tách thửa có diện tích tối thiểu. Cụ thể, Đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối diện tích tối thiểu là 500 m2. Còn đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất diện tích tối thiểu là 3.000 m2.

Bình Định: UBND tỉnh Bình Định cũng ban hành Quyết định số 31/2024 quy định điều kiện, diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất, hợp thửa đất đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8.

Theo quy định mới thửa đất ở tại đô thị sau khi được tách thửa phải đảm bảo diện tích tối thiểu là 40 m2, kích thước chiều rộng (mặt tiền) và chiều dài (chiều sâu) thửa đất tối thiểu 3 m. Đất ở tại nông thôn sau khi được tách thửa phải đảm bảo diện tích tối thiểu là 50m2, kích thước chiều rộng (mặt tiền) và chiều dài (chiều sâu) thửa đất tối thiểu 4 m.

Đối với đất phi nông nghiệp, diện tích tối thiểu tách thửa đối với đất phi nông nghiệp không phải là đất ở (không thuộc dự án đầu tư được Nhà nước giao, cho thuê) là 100 m2, kích thước chiều rộng (mặt tiền) và chiều dài từ 05m trở lên.

Ngoài ra, UBND tỉnh còn quy định diện tích, kích thước tối thiểu sau khi được tách thửa đối với đất nông nghiệp như: Đất trồng cây hàng năm, đất làm muối là 500 m2, kích thước chiều rộng và chiều dài từ 5 m trở lên; Đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản là 1.000 m2, kích thước chiều rộng và chiều dài từ 10 m trở lên;

Đất rừng sản xuất là 5.000 m2, kích thước chiều rộng và chiều dài từ 50 m trở lên. Đối với đất nông nghiệp khác, người đang sử dụng đất có nguồn gốc đất không thuộc dự án đầu tư được Nhà nước giao, cho thuê là 500 m2, kích thước chiều rộng và chiều dài từ 5 m trở lên.

Đông Bắc

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/them-nhieu-dia-phuong-ban-hanh-quyet-dinh-tach-thua-moi-dien-tich-toi-thieu-la-diem-dang-chu-y.html