Thêm nhiều đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp

Ngày 9/5, Thủ tướng ban hành Quyết định 13/2022/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.

Quyết định 13/2022/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 24/6/2022 đến hết ngày 31/12/2025 và thay thế Quyết định 22/2019/QĐ-TTg ngày 26/6/2019, Quyết định 03/2021/QĐ-TTg ngày 25/01/2021.

Bổ sung đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp

So với quy định hiện hành, Quyết định 13/2022/QĐ-TTg đã bổ sung đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp.

Theo đó, có 3 đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp bao gồm:

Cây trồng: Cây lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê (bổ sung cao su, hồ tiêu, điều, cà phê).

Vật nuôi: Trâu, bò, lợn (bổ sung lợn).

Nuôi trồng thủy sản: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra (bổ sung cá tra).

Bên cạnh đó, Quyết định 13/2022/QĐ-TTg quy định địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp.

Đối với cây lúa, tại các tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp.

Đối với cây cao su, tại các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Bình Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai.

Đối với cây cà phê, tại các tỉnh: Sơn La, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước.

Đối với cây hồ tiêu, tại các tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đối với cây điều, tại các tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai.

Đối với trâu, bò, tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương.

Đối với lợn, tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Bắc Giang, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đắk Lắk, Đồng Nai.

Đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, tại các tỉnh: Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Mức hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp

Theo Điều 4 Quyết định 13/2022/QĐ-TTg, cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/1/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có) được hỗ trợ tối đa theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định 58/2018/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có). Theo đó, mức hỗ trợ tối đa là 90% phí bảo hiểm nông nghiệp.

Cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo quy định nêu trên được hỗ trợ tối đa theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định 58/2018/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có). Theo đó, mức hỗ trợ tối đa là 20% phí bảo hiểm nông nghiệp.

Tổ chức sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ tối đa theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Nghị định 58/2018/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (20% phí bảo hiểm nông nghiệp) khi đáp ứng đầy đủ quy định sau:

Thứ nhất, doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã được thành lập theo Luật Hợp tác xã.

Thứ hai, có hợp đồng liên kết gắn với sản phẩm nông nghiệp là các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, đảm bảo quy định tại Điều 4 và Điều 5 Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Thứ ba, có sản phẩm nông nghiệp là các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp được chứng nhận đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm của cơ quan có thẩm quyền hoặc được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định pháp luật về tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Quyết định cũng quy định rủi ro được bảo hiểm được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp.

Cụ thể, rủi ro được bảo hiểm được hỗ trợ đối với cây lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê; trâu, bò, lợn; tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra như: Thiên tai (bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất...); dịch bệnh đối với cây lúa (bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen, đạo ôn...); dịch bệnh đối với trâu, bò, lợn (bệnh lở mồm long móng, tai xanh, nhiệt thán, xoắn khuẩn).

Quyết định nêu rõ không hỗ trợ cho các rủi ro dịch bệnh đối với cây cao su, hồ tiêu, điều, cà phê, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra.

Đối với rủi ro được bảo hiểm hỗ trợ đối với trâu, bò, lợn, thiên tai bao gồm: Bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần. Thiên tai phải được công bố hoặc xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Dịch bệnh bao gồm: Bệnh lở mồm long móng, tai xanh ở lợn (hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn), nhiệt thán, xoắn khuẩn. Dịch bệnh phải được công bố hoặc xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Đối với rủi ro được bảo hiểm được hỗ trợ đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra: Thiên tai bao gồm: Bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, mưa đá, động đất, sóng thần. Thiên tai phải được công bố hoặc xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Không hỗ trợ cho các rủi ro dịch bệnh đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra.

Tuệ Minh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/them-nhieu-doi-tuong-bao-hiem-duoc-ho-tro-phi-bao-hiem-nong-nghiep-a552887.html