Thêm nhiều luật mới được công bố
Chiều 11-7, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ chín.
Chủ trì họp báo có đại diện các ban, bộ, ngành và Văn phòng Chủ tịch nước. Về phía Bộ Quốc phòng, chủ trì họp báo có Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Đồng chí Phạm Thanh Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật, pháp lệnh.
Tại họp báo, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố: Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Năng lượng nguyên tử; Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Luật Đường sắt.
Tại họp báo, đại diện bộ, ngành, cơ quan chức năng đã giải thích, làm rõ chi tiết từng luật được công bố; những bổ sung, sửa đổi đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
* Đối với Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, thay mặt Bộ Quốc phòng-cơ quan chủ trì soạn thảo Luật, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã giới thiệu Luật.

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng giới thiệu Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Theo đó, Luật gồm 5 chương với 27 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2026. Việc ban hành Luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, chính sách và pháp luật của Nhà nước, bảo đảm đồng bộ trong hệ thống pháp luật, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tạo hành lang pháp lý đầy đủ, vững chắc, lâu dài, ổn định cho việc triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Nội dung của Luật gồm: Về vị trí, chức năng, nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền hạn: Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là lực lượng được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cử tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Chức năng của lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là duy trì, bảo vệ hòa bình khu vực và thế giới, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước; thực hiện nhất quán đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là về đối ngoại, hội nhập quốc tế; tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, pháp luật quốc tế, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; thực hiện tham mưu về quy mô, lĩnh vực, hình thức và địa bàn tham gia; tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Về hình thức, lĩnh vực tham gia: Hình thức tham gia bao gồm cá nhân và đơn vị. Lĩnh vực tham gia bao gồm: Tham mưu, hậu cần, kỹ thuật; công binh, bộ binh, trinh sát, bảo vệ, vận tải, quân y, kiểm soát quân sự; quan sát viên quân sự; thông tin, liên lạc, truyền thông; cảnh sát; quan sát và giám sát bầu cử; hoạch định chính sách, y tế, luật pháp và các lĩnh vực dân sự khác.
Luật quy định lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc gồm: Lực lượng vũ trang; Lực lượng dân sự (là cán bộ, công chức, viên chức). Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Bộ Quốc phòng và Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc được tuyển chọn từ các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và bộ, ban, ngành, địa phương theo quy định điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn đối với lực lượng thuộc phạm vi quản lý của mình, đáp ứng yêu cầu của Liên hợp quốc. Chính sách của Nhà nước về xây dựng lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đáp ứng yêu cầu hiện đại, chuyên nghiệp và phù hợp với tiêu chuẩn của Liên hợp quốc. Lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong thời gian làm nhiệm vụ ở nước ngoài được hưởng chế độ tiền lương, phụ cấp và các chế độ, chính sách ưu đãi khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và quy định của Liên hợp quốc.
Ngày 27-5 hằng năm là ngày truyền thống của lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
*Đối với Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2026.

Thượng tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an giới thiệu Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Luật gồm 5 chương, 39 điều, quy định về dữ liệu cá nhân, bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong đó: Chương I gồm 8 điều, quy định các vấn đề chung, như: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền và nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu cá nhân, hành vi bị nghiêm cấm, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Chương II gồm 24 điều, quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình xử lý dữ liệu và bảo vệ dữ liệu cá nhân trong một số hoạt động, lĩnh vực cụ thể. Chương III gồm 3 điều, quy định về lực lượng bảo vệ dữ liệu cá nhân, điều bảo đảm bảo vệ dữ liệu cá nhân. Chương IV gồm 2 điều, quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Chương V gồm 2 điều, quy định hiệu lực thi hành, điều khoản chuyển tiếp.
Luật quy định rõ về phân cấp trong quản lý nhà nước; trách nhiệm của các bên kiểm soát, xử lý dữ liệu cá nhân, bên thứ ba, lực lượng bảo vệ dữ liệu cá nhân. Luật quy định rõ các hành vi bị cấm như: Xử lý dữ liệu cá nhân nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gây ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Cản trở hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân; Lợi dụng hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; Xử lý dữ liệu cá nhân trái quy định của pháp luật…

Quang cảnh buổi họp báo.
*Đối với Luật Công nghiệp Công nghệ số, Luật có hiệu lực từ ngày 1-1-2026, một số nội dung có hiệu lực ngay từ ngày 1-7-2025.
Luật đã điều chỉnh toàn diện các lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và tài sản số, tạo nền tảng pháp lý đồng bộ để phát triển các ngành công nghệ số mũi nhọn. Theo đó, luật quy định rõ các nội dung cốt lõi liên quan đến tài sản số, bao gồm: Tạo lập, phát hành, lưu trữ, chuyển giao, xác lập quyền sở hữu, giao dịch, bảo mật, phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ tài sản mã hóa... Sản phẩm công nghệ số AI phải có dấu hiệu nhận dạng, tăng cường trách nhiệm của các chủ thể phát triển, cung cấp và sử dụng AI, thúc đẩy ứng dụng AI trong kinh tế, xã hội. Phát triển dữ liệu số trong hoạt động công nghiệp công nghệ số được Luật quy định trở thành tài nguyên, tư liệu sản xuất quan trọng và đưa trí tuệ nhân tạo trở thành phương thức sản xuất mới. Nhà nước có chính sách ưu đãi cao nhất để thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, triển khai, sử dụng trí tuệ nhân tạo. Luật Công nghiệp Công nghệ số đã định hình địa vị pháp lý cho tài sản số và quản lý tài sản số, bao gồm tài sản ảo và tài sản mã hóa, đảm bảo quyền sở hữu, giao dịch và bảo mật. Luật cũng ưu tiên đầu tư hạ tầng số thiết yếu như trung tâm dữ liệu AI, khu công nghệ số tập trung, và phòng thí nghiệm quốc gia… Những quy định mới vừa bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và thông lệ quốc tế, đồng thời thiết lập cơ chế quản lý, giám sát, phòng ngừa rủi ro.
* Đối với Luật Năng lượng nguyên tử, Luật có hiệu lực từ ngày 1-1-2026 đã tạo lập khung pháp lý toàn diện, phù hợp với hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Luật xác định điện hạt nhân là chiến lược quốc gia, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, giảm phát thải carbon. Một điểm mới quan trọng là quản lý an toàn, an ninh hạt nhân được thống nhất bởi một cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo tiêu chuẩn quốc tế và quản lý toàn bộ vòng đời nhà máy. Luật cũng quy định rõ về an toàn cơ sở hạt nhân và thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử trong y tế, nông nghiệp, công nghiệp, hướng tới làm chủ công nghệ và chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực này.
* Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 15-10-2025.
Phạm vi, bố cục của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các Tổ chức tín dụng gồm 3 điều, trong đó, Điều 1 gồm 5 khoản, tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 và bãi bỏ một số cụm từ, bãi bỏ một số điều khoản nhằm đảm bảo sự áp dụng thống nhất. Điều 2 quy định điều khoản thi hành và Điều 3 quy định chuyển tiếp đối với khoản vay đặc biệt của tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành. Luật quy định, Ngân hàng Nhà nước quyết định cho vay đặc biệt có tài sản bảo đảm, không có tài sản bảo đảm đối với tổ chức tín dụng trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 192 của Luật này.
Về quyền thu giữ tài sản bảo đảm, Luật quy định, bên bảo đảm, người đang giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm kèm theo giấy tờ, hồ sơ pháp lý của tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ để xử lý theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm hoặc trong văn bản khác và quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Luật cũng quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan khác.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/them-nhieu-luat-moi-duoc-cong-bo-836451