Thêm nhiều ngân hàng giảm lãi vay để hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do siêu bão

Để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, thiệt hại do bão số 3, nhiều ngân hàng bắt đầu triển khai các gói hỗ trợ.

Các ngân hàng đồng loạt thực hiện hỗ trợ khách hàng

Theo thống kê sơ bộ, tổng thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra ước tính trên 50.000 tỉ đồng, dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15% so với kế hoạch tăng trưởng đạt 6,8 - 7%.

Để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3, nhiều ngân hàng bắt đầu triển khai các gói hỗ trợ.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) ngày 20.9 thông báo giảm 1% lãi suất vay VNĐ và 0,5% lãi suất vay USD đối với khách hàng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng xấu do bão số 3.

Chương trình áp dụng từ nay đến ngày 31.12.2024 với quy mô gói tín dụng 1.000 tỉ đồng.

Theo MSB, thời gian áp dụng lãi suất ưu đãi của chương trình đối với khách hàng được quy định như sau: từ thời điểm áp dụng tới hết thời hạn khoản vay đối với khoản vay ngắn hạn và tối đa 12 tháng kể từ thời điểm áp dụng đối với khoản vay trung và dài hạn.

Cùng ngày, Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) thông báo sẽ giảm bình quân 50% lãi suất phải trả trong thời gian từ tháng 9 - 12.2024 cho khách hàng bị bão lũ. Đặc biệt với những khách hàng chịu thiệt hại nặng, khó khăn trong việc khôi phục sản xuất, tùy theo mức độ, SHB có thể hỗ trợ 100% lãi suất phải trả trong 4 tháng cuối năm.

SHB cũng cung cấp gói tín dụng lãi suất chỉ 4,5%/năm với khoản vay mới cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân bị tác động, giúp ổn định đời sống và hồi phục sản xuất sau thiên tai.

Ngân hàng giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng

Ngân hàng giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng

Tương tự, tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), từ nay đến cuối năm 2024, lãi suất cho vay cũng được giảm đến 2%/năm đối với dư nợ hiện hữu hoặc dư nợ mới, đồng thời, ngân hàng giảm thêm 50% phí dịch vụ và miễn phí tất toán trước hạn.

Với các ngân hàng “big 4”, đại điện Agribank cho biết căn cứ mức độ thiệt hại của khách hàng, Agribank điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,5 - 2%/năm và miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ ngày 6.9 đến hết ngày 31.12.2024 (dự kiến dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 40.000 tỉ đồng); giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay so với lãi suất cho vay đối với khoản vay phát sinh từ ngày 6.9 đến ngày 31.12.2024 (dự kiến khoảng 30.000 tỉ đồng…).

Đại diện Vietcombank (VCB) cho biết, sau khi rà soát, VCB đã tiến hành hỗ trợ giảm 0,5% mức lãi suất vay đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi bão. Theo dự đoán, VCB sẽ tiến hành giảm lãi suất với tổng dư nợ khoảng 130.000 tỉ đồng.

Theo đại diện BIDV, ngay sau khi có chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, BIDV đã rà soát, đánh giá tình hình trong toàn hệ thống. BIDV đã chủ động thực hiện cơ cấu nợ và miễn giảm lãi cho khách hàng theo đúng tinh thần chỉ đạo của NHNN. Ngân hàng có kế hoạch giảm lãi suất cho vay và hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng vay mới, đặc biệt là khoản vay ngắn hạn, khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh phát sinh từ ngày 6.9.

Mức hỗ trợ lãi suất cho vay mới dự kiến khoảng 1%; đối với khoản vay hiện hữu xem xét giảm lãi suất ở mức 0,5%; ban hành gói tín dụng 200.000 tỉ đồng hỗ trợ cho khách hàng cá nhân vay vốn để phục hồi hoạt động sau bão, kể cả cho vay ngắn-trung-dài hạn với mức lãi suất ưu đãi hơn mức cho vay thông thường.

Tương tự, đại diện Vietinbank cho biết cũng tiến hành các chương trình ưu đãi lãi suất, hỗ trợ tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng cũ và hỗ trợ lãi suất vay đối với khách hàng mới theo chỉ đạo của Chính phủ để hỗ trợ khách hàng khắc phục hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Không quay lưng với khách hàng

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng nên tách bạch các gói hỗ trợ để tránh chồng chéo. Ví dụ, gói hỗ trợ lãi suất 0% nên là một gói cụ thể có tổng giá trị chương trình riêng, khác với các gói ưu đãi hỗ trợ đang triển khai.

"Gói hỗ trợ lãi suất 0% nên được tính toán để thông qua các ngân hàng có vốn nhà nước, đặc biệt như Agribank có điều kiện đi sâu đến các vùng sâu vùng xa…, có thể hỗ trợ khắc phục thiệt hại trong các lĩnh vực chịu tác động bão lũ lớn như nông nghiệp", ông Hiệp nói.

Đối với thời hạn của Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại nợ, khoanh giãn nợ giảm lãi…, rất cần được sự hỗ trợ kéo dài thêm và điều chỉnh tiêu chí vay, bởi lúc này doanh nghiệp vẫn cần trợ lực từ phía nhà nước lâu hơn để nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, ngành ngân hàng cần rà soát, đánh giá và xây dựng thông tư riêng về cơ cấu lại nợ, khoanh giãn nợ cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân trong 26 tỉnh thành bị thiệt hại do bão số 3.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Tại hội nghị ngày 20.9, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay đối với ngành ngân hàng, doanh nghiệp, người dân là khách hàng của các tổ chức tín dụng chịu thiệt hại nặng nề do bão dẫn đến khó khăn trong việc trả nợ, không đáp ứng các điều kiện vay… Con số thống kê cho thấy dư nợ của tổ chức tín dụng bị ảnh hưởng do bão lũ, sạt lở là khoảng 100.000 tỉ đồng.

Bà Hồng cho biết Ngân hàng Nhà nước đã vào cuộc khẩn trương, quyết liệt, ngay lập tức ban hành văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động rà soát dư nợ sau bão số 3, chủ động thực hiện các giải pháp như miễn giảm lãi, giãn, hoãn nợ… để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cũng đã đóng góp vào công tác an sinh xã hội do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động với gần 40 tỉ đồng.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú trước đó đánh giá các ngân hàng đã có những hành động thiết thực, ý nghĩa ngay sau bão số 3, đồng thời ghi nhận trách nhiệm xã hội của ngành ngân hàng đối với cộng đồng.

Trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, Phó thống đốc Tú đề nghị các tổ chức tín dụng tiếp tục đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ khách hàng trên nhiều mặt không chỉ bằng nguồn lực tài chính, nguồn vốn mà cần hỗ trợ tư vấn, động viên, không quay lưng với khách hàng trong thời điểm khó khăn này; tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp một cách công khai minh bạch, tuyệt đối không lợi dụng chính sách, áp dụng đúng đối tượng; chấp hành tốt chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Hoài Lam

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/them-nhieu-ngan-hang-giam-lai-vay-de-ho-tro-khach-hang-bi-thiet-hai-do-sieu-bao-224082.html