Thêm nhiều ngân hàng lợi nhuận vượt 10.000 tỉ đồng
Thêm nhiều ngân hàng công bố lợi nhuận trước thuế vượt 10.000 tỉ đồng trong bối cảnh tiếp tục kiểm soát nợ xấu và hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn vì Covid-19
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) vừa công bố kết quả hoạt động năm 2021. Theo đó, MB hoàn thành kế hoạch năm 2021 với quy mô tổng tài sản của ngân hàng và các công ty con (MB Group) đạt 607.000 tỉ đồng, tăng 22,7% so với năm trước; lợi nhuận hợp nhất ở mức 16.527 tỉ đồng.
Với kết quả này, MB nằm trong nhóm ngân hàng thương mại tốp đầu về các chỉ số hiệu quả, chất lượng hoạt động. Chỉ số ROA (lợi nhuận trên tổng tài sản) và ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) hợp nhất của ngân hàng này lần lượt đạt 2,4% và 23,49%.
Tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng hợp nhất duy trì ở mức thấp 0,9%, riêng MB là 0,68%. Quỹ dự phòng bao phủ nợ xấu riêng MB gần 400%, hợp nhất gần 268%, là 1 trong 2 ngân hàng có tỉ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất toàn ngành. Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng trưởng mạnh khi vươn lên dẫn đầu thị trường với tỉ lệ tăng từ 41% lên 49%, quy mô CASA đạt gần 190.000 tỉ đồng.
Một ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng vừa báo lãi trước thuế vượt 10.000 tỉ đồng là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).
Dù là năm khó khăn nhất trong hơn 10 năm qua nhưng VPBank vẫn duy trì tăng trưởng lợi nhuận và kiểm soát rủi ro, nâng cao chất lượng tài sản. Kết thúc năm 2021, tổng tài sản của VPBank tăng 30,7% so với năm trước; tăng trưởng tín dụng hợp nhất đạt mức tăng 18,9% và tăng trưởng huy động vốn đạt mức tăng 9,1% so với năm trước. Chi phí hoạt động của VPBank trong năm qua đã giảm xấp xỉ 6% so với năm 2020.
Theo đại diện VPBank, nhờ tối ưu hóa dòng vốn, tiết giảm chi phí, kiểm soát chặt rủi ro và mở rộng thị phần, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của ngân hàng trong năm 2021 tăng 12% so với năm trước, đạt 14.580 tỉ đồng. Mức lợi nhuận này chỉ tương đương với 88% kế hoạch, do trong năm, ngân hàng đã giảm gần 1.000 tỉ đồng lãi suất cho hơn 275.000 khách hàng…
Nếu tính riêng ngân hàng mẹ VPBank (không tính Công ty Tài chính Fe Credit và công ty con), lợi nhuận trước thuế ngân hàng riêng lẻ trong năm qua ghi nhận gần 38.000 tỉ đồng, tăng hơn 4 lần so với năm 2020. Trong đó, hoạt động đầu tư và thoái vốn tại công con, riêng ghi nhận từ thương vụ chuyển nhượng vốn tại FE Credit đã lên tới 20.352 tỉ đồng…
Trước đó, những ngân hàng ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế vượt 10.000 tỉ đồng đã công bố phải kể đến là Techcombank với tổng lợi nhuận trước thuế tới 23.240 tỉ đồng (xấp xỉ khoảng 1 tỉ USD).
Những "ông lớn" ngân hàng khác cũng đạt mức lợi nhuận "khủng" như Vietinbank với lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đại hội cổ đông đề ra. Báo cáo tài chính quý IV-2021 vừa công bố của Vietinbank cho thấy lợi nhuận trước thuế lũy kế cả năm 2021 của ngân hàng này đạt 17.589 tỉ đồng, tăng 2,7% so với năm trước. BIDV cũng đạt mục tiêu lợi nhuận cả năm là 13.000 tỉ đồng; còn Agribank công bố đạt lợi nhuận hơn 14.000 tỉ đồng, bảo đảm các tỉ lệ an toàn theo quy định.
Hiện "quán quân" lợi nhuận ngân hàng vẫn là Vietcombank. Theo báo cáo tài chính quý IV-2021 vừa công bố, tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng này ở mức 27.376 tỉ đồng, tăng 18,7% so với năm trước.
Cùng với mức lợi nhuận cao, trong năm 2021, các ngân hàng thương mại dành nhiều ngàn tỉ đồng hỗ trợ khách hàng và cộng đồng bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Năm 2021, VietinBank cắt giảm hơn 7.000 tỉ đồng lợi nhuận để cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho vay, phí dịch vụ nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. BIDV đã giảm thu nhập hơn 7.900 tỉ đồng để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch thông qua giảm lãi suất cho vay, giảm phí, cơ cấu lại nợ. Agribank giảm lãi suất, phí dịch vụ thanh toán hỗ trợ khách hàng với tổng giá trị 7.000 tỉ đồng. Tại Vietcombank, tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng do giảm lãi suất năm 2021
đạt khoảng 7.100 tỉ đồng (tăng hơn 2 lần so với hỗ trợ trong năm 2020).