Thêm nhiều thuận lợi cho thương mại, xuất nhập khẩu với Australia và New Zealand
Sau 15 năm thực thi, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng hiệu quả Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA) để gia tăng xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường đối tác này. Hiệp định AANZFTA bản nâng cấp với nhiều điều khoản sửa đổi, bổ sung sẽ tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại và tăng cường chuỗi cung ứng khu vực.
Ngày 10/6, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Chương trình Thương mại Khu vực vì Phát triển (RT4D) và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đồng tổ chức Hội nghị “15 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA) và cơ hội cho hàng xuất khẩu Việt Nam”.
Hoạt động nhằm nhìn lại hành trình 15 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA), giới thiệu Nghị định thư thứ hai sửa đổi Hiệp định AANZFTA (bản nâng cấp Hiệp định AANZFTA), đồng thời đánh giá những tác động của Hiệp định đối với cộng đồng doanh nghiệp và các cơ hội cho hàng xuất khẩu Việt Nam trong quá trình thực thi Hiệp định thời gian tới.
Hội nghị có sự tham dự của Đại sứ Australia tại Việt Nam, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam, đại diện các cơ quan, Bộ, ngành của Chính phủ Việt Nam, đại diện các Ủy ban trong ASEAN và các Ủy ban thuộc Hiệp định AANZFTA, Phòng Thương mại Australia tại Việt Nam, các chuyên gia kinh tế, hiệp hội, doanh nghiệp.
Hiệp định AANZFTA - động lực thúc đẩy tăng trưởng thương mại giữa ASEAN, Australia và New Zealand
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết: Hiệp định AANZFTA được ký kết ngày 27/02/2009, có hiệu lực từ ngày 01/01/2010 được đánh giá là Hiệp định có tiêu chuẩn cao nhất trong số các Hiệp định giữa ASEAN với các nước đối tác.
Sau gần 15 năm có hiệu lực, Hiệp định AANZFTA đã có những tác động tích cực đến hợp tác kinh tế - thương mại trong khu vực.
Theo số liệu của Ban Thư ký ASEAN, kim ngạch thương mại hai chiều ASEAN - Australia đã tăng từ 44 tỷ USD năm 2009 (thời điểm trước khi Hiệp định AANZFTA có hiệu lực) lên đến 94,7 tỷ USD năm 2023. Theo số liệu của Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand, kim ngạch thương mại hai chiều giữa New Zealand và ASEAN đã tăng gấp đôi (hơn 11 tỷ USD) so với thời điểm Hiệp định đi vào thực thi.
Bên cạnh đó, Hiệp định AANZFTA góp phần củng cố chuỗi cung ứng, nâng cao sức cạnh tranh của khu vực AANZFTA trong thu hút hoạt động đầu tư, kinh doanh cũng như sức chống chịu của khu vực trước những diễn biến bất lợi trong thời gian vừa qua.
Theo ông Lương Hoàng Thái, về phía Việt Nam luôn coi trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại với Australia và New Zealand dựa trên nền tảng quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Australia và quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - New Zealand. Đến nay, ba nước đều là thành viên của một số hiệp định thương mại tự do, như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định AANZFTA; cũng như cùng tham gia hợp tác trong Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF).
Về hợp tác song phương, trong những năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Australia đã tăng từ mức 3,4 tỷ USD (thời điểm năm 2009 trước khi Hiệp định AANZFTA đi vào thực thi) lên mức gần 14 tỷ USD năm 2023; kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - New Zealand tăng từ mức gần 300 triệu USD năm 2009 lên 1,3 tỷ USD vào năm 2023. Trong đó, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Australia, Việt Nam và New Zealand có tính chất bổ trợ cho nhau rõ rệt.
Đáng chú ý, việc thực thi Hiệp định AANZFTA thời gian qua như một đòn bẩy giúp các doanh nghiệp Việt Nam khai thác hiệu quả thị trường Australia và New Zealand. Năm 2023 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Australia và New Zealand lần lượt đạt 5,23 tỷ USD và 0,65 tỷ USD; tăng trưởng tương ứng gấp 2,3 lần và 9,3 lần so với thời điểm bắt đầu ký kết Hiệp định AANZFTA.
Tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ Hiệp định AANZFTA của các doanh nghiệp Việt Nam có sự gia tăng tích cực qua từng năm; từ mức 28,1% năm 2015 tăng mạnh lên mức khá cao 40,4% năm 2023.
Năm 2023, Việt Nam đã cấp khoảng 71,4 nghìn bộ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu AANZ, trị giá khoảng 2,4 tỷ USD với tỷ lệ sử dụng C/O là 40,4%. Một số mặt hàng có tỷ lệ sử dụng ưu đãi AANZFTA trên 80% bao gồm gỗ và sản phẩm gỗ (89,9%); giày dép các loại (gần 100%); hàng dệt may (88,2%);…
Những con số này cho thấy Việt Nam, Australia và New Zealand đã tận dụng tốt và có thể tận dụng tốt hơn nữa các cơ hội hợp tác kinh tế - thương mại, đặc biệt là các cơ hội từ Hiệp định AANZFTA nâng cấp.
Tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại giữa các đối tác, thúc đẩy chuỗi cung ứng khu vực
"Việc các nước ASEAN, Australia và New Zealand quyết tâm và nỗ lực hoàn tất đàm phán nâng cấp Hiệp định AANZFTA trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 cũng minh chứng cho sức sống và tầm quan trọng của Hiệp định với vai trò là điểm tựa gắn kết các nền kinh tế ASEAN - Australia - New Zealand", ông Lương Hoàng Thái cho biết.
Trong giai đoạn 2020 - 2022, các nước ASEAN, Australia và New Zealand thống nhất cần nâng cấp Hiệp định AANZFTA để đảm bảo tính hiện đại, mức cam kết cao và xử lý được những vấn đề mới nổi không chỉ trong phạm vi khu vực mà bao gồm cả những vấn đề mới nổi toàn cầu. Trên cơ sở đó, các nước thành viên đã triển khai việc đàm phán nâng cấp Hiệp định trong thời gian hơn hai năm.
Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 55 diễn ra vào tháng 8/2023 tại Indonesia, 04 nước gồm: Brunei (nước điều phối quan hệ ASEAN, Australia, New Zealand), Indonesia (Chủ tịch ASEAN 2023), Australia, New Zealand đã ký Nghị định thư thứ hai sửa đổi Hiệp định AANZFTA. Cho đến nay, các nước ASEAN còn lại đã ký Nghị định thư thứ hai theo hình thức luân phiên.
Về phía Việt Nam, trên cơ sở phê duyệt của Chính phủ tại Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 05/01/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương thay mặt Chính phủ ký Nghị định thư thứ hai theo hình thức luân phiên vào ngày 25/01/2024.
Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, Nghị định thư thứ hai sửa đổi Hiệp định AANZFTA sẽ bổ sung, nâng cấp 12 Chương gồm: Thương mại hàng hóa; Quy tắc xuất xứ; Thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại; Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật và Thủ tục đánh giá sự phù hợp; Thương mại dịch vụ (bao gồm cả phụ lục dịch vụ tài chính và dịch vụ viễn thông); Di chuyển thể nhân; Thương mại điện tử; Đầu tư; Thương mại và Phát triển bền vững; Cạnh tranh; Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; Mua sắm chính phủ.
Trong đó, đáng chú ý, Chương Thương mại Hàng hóa sẽ có 20 điều khoản được nâng cấp; Nâng cấp/bổ sung các điều khoản liên quan nhằm xử lý các biện pháp phi thuế quan (NTM); Tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại; Tăng cường chuỗi cung ứng khu vực.
Chương Quy tắc xuất xứ hàng hóa có 17 điều khoản được sửa đổi, nâng cấp; liên quan tới tạo thuận lợi hơn ở các quy định: Thời gian cấp C/O; Tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa; cấp C/O thay thế trong trường hợp lỗi; Hưởng ưu đãi thuế và hoàn thuế...
Chương Thủ tục hải quan và Thuận lợi hóa thương mại nâng cấp các điều khoản về: Quy định về thời gian giải phóng hàng chuyển phát nhanh; Quy định cho phép nộp chứng từ và dữ liệu hải quan bằng phương thức điện tử trước khi hàng đến; Cho phép thương nhận nộp các bản sao điện tử các chứng từ theo quy định trên hệ thống một cửa...
Tại phiên 1 của Hội nghị, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) đã giới thiệu và chia sẻ về các điều khoản mới của Bản nâng cấp Hiệp định AANZFTA mới được Việt Nam ký vào đầu năm 2024.
Phiên Tọa đàm “15 năm thực thi AANZFTA: Nhìn lại tác động của Hiệp định và định hướng chiến lược trong hợp tác song phương và đa phương" cung cấp góc nhìn đa chiều từ các khách mời là đại diện Bộ, ngành, cơ quan của Việt Nam và Australia, chuyên gia về tác động của Hiệp định AANZFTA tới nền kinh tế Việt Nam và sự hợp tác trong khu vực.
Tại phiên 2 của Hội nghị, đề cập đến vai trò thiết yếu của Chương trình Hỗ trợ thực thị Hiệp định AANZFTA (AISP) trong việc thắt chặt mới quan hệ giữa các quốc gia thành viên, bà Nguyễn Thị Thanh Mai - Giám đốc Quốc gia của Chương trình RT4D tại Việt Nam chia sẻ về vấn đề: Việt Nam trong bối cảnh phát triển hiện nay của ASEAN và sự hỗ trợ từ khuôn khổ Hiệp định AANZFTA.
Tại phiên 3 của Hội nghị, TS. Hà Thị Minh Đức - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) trao đổi về chủ đề: “Hiệp định AANZFTA nâng cấp: Giải quyết các vấn đề mới nổi thông qua hợp tác ASEAN”.
Bên cạnh việc đề ra giải pháp cho các vấn đề mới nổi và đưa ra cách tiếp cận hiện đại để giải quyết các rào cản và tạo thuận lợi hóa thương mại, Hội nghị cũng lắng nghe các ý kiến trao đổi của các Bộ, ngành, chuyên gia, doanh nghiệp liên quan tới cơ hội và thách thức mà Hiệp định AANZFTA mang lại như một trong những hiệp định thương mại tự do được biết đến và khai thác nhiều nhất trong cộng đồng doanh nghiệp.
Tại phiên 4 của Hội nghị, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam trao đổi về thực trạng xuất nhập khẩu các mặt hàng giày dép, túi xách với thị trường Australia, New Zealand và những thuận lợi, khó khăn trong việc tận dụng Hiệp định AANZFTA.
Tại phiên thảo luận về Hiệp định AANZFTA và tầm nhìn tương lai quan hệ thương mại ASEAN - Australia - New Zealand, đại diện các Bộ, ngành, chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia quốc tế đã trao đổi về cơ hội và thách thức liên quan trong quá trình, mục tiêu phát triển hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cùng những tác động tới doanh nghiệp vừa và nhỏ, lao động và môi trường, phát triển bền vững trong khu vực.