Thêm quyền để Chính phủ chống dịch: Đồng hành với 'tướng ra trận'

Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV được thông qua cũng đồng nghĩa với việc Chính phủ và Thủ tướng được trao thêm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả hơn. Cùng với việc trao thêm quyền này, Quốc hội cũng sẽ giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện.

Các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Ảnh Như Ý

Để tạo thuận lợi nhất cho việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Quốc hội đã đồng ý cho Chính phủ được áp dụng các biện pháp chưa được luật quy định, hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành. Qua đó, Chính phủ được áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng ký lưu hành, sản xuất, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất… Đồng thời được chuyển nguồn 1.237 tỷ đồng kinh phí chi sự nghiệp y tế còn lại năm 2020 của Bộ Y tế để mua vắc-xin.

Trong bối cảnh cấp bách như hiện nay, hầu hết các đại biểu đều cho rằng, việc trao thêm quyền như vậy là thể hiện sự đồng hành của Quốc hội cùng cả hệ thống chính trị, Chính phủ trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Thậm chí, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) còn nhận định: việc đưa ra những quy định vượt khuôn khổ, để tạo điều kiện cho Chính phủ chủ động, linh hoạt ứng phó với dịch bệnh có thể coi như một “thượng phương bảo kiếm” mà Quốc hội tin tưởng, trao cho vị “tướng ra trận”. Mặc dù vậy, việc triển khai thực hiện “quyền đặc biệt” ra sao, cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Trao đổi với phóng viên, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, bên cạnh việc trao thêm quyền cho Chính phủ, Quốc hội cũng giao Ủy ban Thường vụ, các Ủy ban cũng như các đoàn đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tăng cường giám sát Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan hữu quan trong việc thực hiện Nghị quyết. Kiểm tra, giám sát để không xảy ra những vi phạm không đáng có cũng là vấn đề được Ủy ban Xã hội nêu ra khi thẩm tra về vấn đề này.

Cùng quan điểm, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách cùng một số đại biểu cũng nhấn mạnh, khi triển khai thực hiện Nghị quyết này, phải xác định cụ thể trách nhiệm, đặc biệt phải có biện pháp để không xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách trục lợi, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước. Theo đại biểu đoàn Hà Nội, mọi kế hoạch dù có hay đến đâu, có hoàn hảo đến đâu thì điều quan trọng vẫn phải là khâu tổ chức thực hiện, trong đó có yếu tố con người.

“Chúng ta thực sự rất cần những con người có phẩm chất, có năng lực, trí tuệ để vận hành bộ máy. Đó là điều kiện tiên quyết để đảm bảo thực hiện thành công tất cả những kế hoạch”, bà Mai nói và tin tưởng với bản lĩnh, với trí tuệ, Chính phủ sẽ thực hiện thành công tất cả những nghị quyết, kế hoạch đề ra.

Cần những giải pháp đột phá

Đồng tình với việc trao thêm quyền cho Chính phủ, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trong bối cảnh đặc biệt, cấp bách hiện nay, cần phải có những biện pháp đặc biệt trong điều chuyển nguồn vốn, tháo gỡ thủ tục, mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế vắc-xin… Cùng với việc áp dụng các giải pháp cấp bách, đặc biệt trong phòng chống dịch, theo ông Lộc, đây cũng là thời điểm để giải tỏa, tháo gỡ thủ tục, thúc đẩy thực hiện các dự án công - tư, lâu nay bị vướng luật không thực hiện được, thì bây giờ quyết tâm làm.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, dịch bệnh COVID-19 đang đặt chúng ta vào tình thế chưa từng có, với những thách thức lớn trong phòng, chống dịch và việc đảm bảo sinh kế cho người dân. Ông Lộc cho rằng, trong tình thế khó khăn thì cải cách thể chế càng phải thúc đẩy. Làm sao để chuẩn bị tốt cho kịch bản khôi phục kinh tế hậu COVID-19, thời kỳ mà “ai nhanh chân người đó sẽ chiến thắng”. Khi Quốc hội đã trao thêm quyền, đây là thời điểm tốt nhất để triển khai các giải pháp cấp bách, đồng thời cải cách thể chế, tạo sự đồng thuận lớn nhất để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng cảnh báo tình trạng áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch có phần thái quá của một số địa phương vừa qua. “Chúng ta nói rất đúng rằng, không đánh đổi sức khỏe, sinh mạng người dân lấy phát triển kinh tế. Nhưng vin vào cớ này để cấp chính quyền địa phương hy sinh hẳn lợi ích kinh tế, chỉ nhằm vào chống dịch thì không đúng, vì kinh tế là sinh kế của người dân. Ưu tiên mục tiêu phòng, chống dịch bệnh, sức khỏe người dân, nhưng cũng cần tận lực để thúc đẩy sản xuất kinh doanh”, ông Lộc cho rằng, sự sáng tạo của địa phương là cần thiết, nhưng điều quan trọng hơn, cần vai trò điều phối của Chính phủ, căn cứ vào tình hình thực tế để đưa ra những điều kiện, tiêu chuẩn để địa phương áp dụng, triển khai thực hiện.

Chia sẻ với những khó khăn của Chính phủ, GS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội cho rằng, việc Quốc hội trao thêm quyền cho Chính phủ là hết sức cần thiết, giúp Chính phủ hành động nhanh, sáng tạo và đổi mới trong phòng, chống dịch. Ông Cường cho rằng giai đoạn này ưu tiên số một là phòng chống dịch, nhưng không có nghĩa là bỏ qua vấn đề kinh tế.

“Việc điều hành của Chính phủ phải mềm dẻo, linh hoạt tới từng địa phương, từng địa bàn”, ông Cường lưu ý không để tái diễn tình trạng địa phương “ngăn sông cấm chợ” và phải chuẩn bị sẵn sàng cho việc “mở cửa”, tạo sức khỏe tốt cho nền kinh tế.

THÀNH NAM

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/them-quyen-de-chinh-phu-chong-dich-dong-hanh-voi-tuong-ra-tran-post1360652.tpo