Thêm sản phẩm mới, sàn phái sinh sẽ hấp dẫn hơn
Giá trị giao dịch danh nghĩa trên sàn phái sinh vượt thị trường chứng khoán cơ sở, nhưng sản phẩm trên thị trường này chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư.
Sản phẩm mới dự kiến giao dịch trong quý I/2021
Sản phẩm đầu tiên được đưa vào giao dịch trên sàn phái sinh là hợp đồng tương lai chỉ số VN30.
Kể từ phiên đầu tiên là 10/8/2017 đến nay, quy mô giao dịch sản phẩm này có xu hướng tăng, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư tham gia, nhưng số lượng tài khoản mới đạt gần 162.000 trong tổng số gần 2,7 triệu tài khoản trên toàn thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ngày 4/7/2019, sàn phái sinh có sản phẩm mới là hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ (TPCP), nhưng nhà đầu tư ít quan tâm nên thanh khoản rất thấp.
Là nhà đầu tư “bám sàn” phái sinh, anh Nguyễn Hòa cho rằng, thị trường phái sinh cần đa dạng các sản phẩm, trong đó mong muốn của các nhà đầu tư là có thêm sản phẩm phái sinh trên chỉ số cổ phiếu như VNX50 hay VNX100, hoặc các cổ phiếu lớn.
Nhà đầu tư phái sinh kỳ vọng sẽ có thêm sản phẩm dựa trên chỉ số cổ phiếu hoặc các cổ phiếu lớn.
Tuy nhiên, trong điều kiện chưa thực hiện được việc này, thị trường có thêm sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu với các kỳ hạn khác nhau cũng giúp nhà đầu tư có thêm sự lựa chọn.
Lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho biết, Sở đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để đưa sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm vào giao dịch trong quý I/2021, sau hơn 2 năm ra mắt sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm, nhằm đáp ứng nhu cầu phòng vệ rủi ro trái phiếu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu chính phủ cơ sở, cũng như bổ sung công cụ đầu tư trên thị trường phái sinh.
Sản phẩm mới có tài sản cơ sở là trái phiếu giả định có những đặc điểm tương tự một trái phiếu chính phủ với mệnh giá 100.000 đồng, kỳ hạn 10 năm, lãi suất danh nghĩa 5%/năm, trả lãi định kỳ cuối kỳ 12 tháng/lần, trả gốc một lần khi đáo hạn.
Kích hoạt thêm nhà đầu tư tổ chức
Thống kê giao dịch trên thị trường phái sinh trong tháng 11/2020 cho thấy, tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư cá nhân trong nước giảm nhẹ so với tháng 10, chiếm 84,6% khối lượng giao dịch toàn thị trường; tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư tổ chức trong nước tăng nhẹ, chiếm 14,27%; tỷ trọng giao dịch tự doanh của công ty chứng khoán tăng nhẹ, chiếm 2,06%; tỷ trọng còn lại là của các tổ chức khác.
Tương tự như đối với thị trường chứng khoán cơ sở, số lượng tài khoản nhà đầu tư mở mới trên thị trường phái sinh tiếp tục tăng. Tại thời điểm cuối tháng 11/2020, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh đạt 161.922, tăng 5,07% so với cuối tháng 10.
Ông Trịnh Hoài Giang, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho biết, thanh khoản trên thị trường phái sinh đang tăng theo xu hướng tích cực và thị trường này nhận được sự quan tâm nhiều hơn của giới đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư tổ chức, nhất là các quỹ đầu tư nhằm mục tiêu phòng ngừa rủi ro cho danh mục chứng khoán cơ sở.
Tuy nhiên, để tỷ trọng nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư cá nhân dần thu hẹp, thị trường này cần cải thiện cơ chế vận hành để có những điểm tương đồng hơn với thông lệ quốc tế, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài khi tiếp cận và giao dịch (khối lượng giao dịch của nhà đầu tư ngoại trong tháng 11/2020 tăng so với tháng 10, nhưng tỷ trọng mới chỉ đạt 1,13%).
Theo ông Giang, tỷ lệ ký quỹ hiện tại của thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam còn cao so với thị trường quốc tế và độ lớn của thị trường cũng như quy mô sản phẩm còn hạn chế khiến nhà đầu tư lớn chưa mặn mà tham gia.
Là đơn vị trung gian trên thị trường, ghi nhận nhu cầu thực tế của nhà đầu tư, các công ty chứng khoán có chung quan điểm, tiềm năng phát triển thị trường chứng khoán phái sinh chủ yếu nằm ở đề án triển khai sản phẩm hợp đồng quyền chọn của các cổ phiếu.
Với đặc thù có thể tất toán vị thế ngay trong phiên (T+0), cho phép bán khống (short sell) và đòn bẩy cao, sản phẩm này sẽ thu hút đông đảo nhà đầu tư tham gia, nhất là khi thị trường cổ phiếu cơ sở biến động tiêu cực, vì tạo ra cơ hội thu lời lớn cũng như giúp nhà đầu tư phòng vệ rủi ro cho cổ phiếu cơ sở.
Thực tế, đây là sản phẩm hiện đại và tiệm cận với sự phát triển chung của thị trường chứng khoán tại các quốc gia phát triển; là công cụ phục vụ đắc lực cho chiến lược đầu tư của dòng tiền lớn, đó là các quỹ đầu tư, đặc biệt là quỹ ngoạin