Thêm thành tựu lịch sử hứa hẹn tương lai an toàn
Mới đây, Honduras đã trở thành quốc gia thứ 50 phê chuẩn Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) của Liên hợp quốc (LHQ). Điều này đã giúp TPNW đủ điều kiện cần thiết để chính thức có hiệu lực sau 90 ngày, dự kiến vào tháng 1-2021 tới đây. Đồng thời, khẳng định vai trò to lớn của LHQ trong duy trì trật tự, hòa bình thế giới.
Chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) Peter Maurer ca ngợi: “Đây là chiến thắng của nhân loại, hứa hẹn một tương lai an toàn hơn nữa”. TPNW được Đại hội đồng LHQ thông qua vào tháng 7-2017 và đến nay có 84 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia ký kết. Tuy nhiên, để TPNW có hiệu lực thì cần 50 quốc gia phê chuẩn Hiệp ước này. Đáng chú ý, Mỹ, Anh, Nga và các quốc gia có vũ trang hạt nhân hùng mạnh đều từ chối ký kết TPNW, thậm chí Mỹ còn kêu gọi các nước không phê chuẩn hoặc rút lại phê chuẩn để TPNW không có hiệu lực. Nhật Bản là nước duy nhất trên thế giới phải hứng chịu bom nguyên tử cũng không ký kết TPNW.
Theo giới chuyên gia quốc tế, việc TPNW sắp có hiệu lực là một thành tựu lịch sử thực sự. Trong bối cảnh nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân đang ở mức báo động và ngày càng gia tăng, Hiệp ước là một công cụ được chờ đợi từ lâu để đảm bảo rằng vũ khí hạt nhân bị loại bỏ và không bao giờ được sử dụng nữa.
Bác bỏ những luận điểm rằng, vũ khí hạt nhân là cần thiết cho an ninh quốc gia, TPNW đã vạch ra một tầm nhìn về an ninh tập thể, một tầm nhìn khả thi, bền vững và nhân đạo hơn. Trong đó nhấn mạnh, vũ khí hạt nhân không phải là công cụ của chính trị thế giới mà là phương tiện chiến tranh không thể chấp nhận được. Hơn hết, Hiệp ước đưa ra một lời hứa thoát khỏi “bóng đen” của vũ khí hạt nhân cho các thế hệ hiện tại và tương lai.
Theo Giám đốc điều hành Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) Beatrice Fihn, sự kiện này diễn ra đúng dịp LHQ kỷ niệm 75 năm thành lập và TPNW là một trong những nỗ lực lớn nhất của LHQ từ trước đến nay. Từ đống tro tàn của Thế chiến thứ Hai với đỉnh điểm là 2 quả bom nguyên tử giáng xuống Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản, LHQ được thành lập và mang trong mình sứ mệnh đoàn kết thế giới để ngăn chặn những cuộc chiến tranh thế giới tiếp theo, cứu các thế hệ kế tục khỏi tai họa từ bạo lực. Dù LHQ gặp vô vàn thách thức xuyên suốt chiều dài lịch sử nhưng tuổi đời 75 năm là minh chứng rõ nét cho sự thành công của cơ chế đa phương lớn nhất hành tinh.
Theo giới chuyên gia quốc tế, khi thế giới ngày càng có thêm nhiều biến động, đặc biệt là những thách thức an ninh phi truyền thống, sứ mệnh của LHQ cũng cần cải tổ mạnh mẽ, bao trùm nhiều lĩnh vực hơn nữa để duy trì được sức mạnh của chủ nghĩa đa phương.
Điển hình là năm 2020, khi dịch Covid-19 đang “đánh sập” nhiều thành tựu của nhân loại cùng hàng loạt cuộc xung đột chưa thể chấm dứt thì chủ nghĩa đơn phương đang trỗi dậy. Giới chuyên gia chính trị quốc tế cho rằng, 5 siêu cường quốc là Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ lâu nay liên tục bất đồng, chia rẽ dẫn tới tình trạng không đồng lòng với sứ mệnh của LHQ mà chính họ có phần vai trò dẫn dắt. Các siêu cường quá chú trọng tới lợi ích bản thân là “gốc rễ” dẫn tới việc suy giảm hiệu quả của cơ chế đa phương LHQ.
Nhiều học giả chính trị quốc tế đánh giá, LHQ đã trải qua ba phần tư thế kỷ đầy vẻ vang, nhưng một phần tư thế kỷ tiếp theo sẽ đầy rẫy “chông gai”. Trước mức độ gia tăng nhanh chóng biến động trên thế giới, để LHQ đạt được “cột mốc” 100 năm là điều không dễ dàng. Trên con đường trải đầy hoa hồng cùng gai góc ấy, chủ nghĩa đa phương của LHQ sẽ là sức mạnh liên kết hầu hết các quốc gia, liên kết sức mạnh của toàn nhân loại.
Chắc chắn rằng, sức mạnh đoàn kết của các dân tộc trên thế giới luôn là nguồn lực lớn mạnh nhất để giành thắng lợi. Trên thực tế, d?ch Covid-19 đang cho thấy chủ nghĩa đa phương ngày càng được đa số quốc gia cam kết mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Sự phát triển và thành công của LHQ đến đâu thì nhân loại sẽ thịnh vượng đến đó.