Thêm thu nhập từ việc lặn bắt ốc, vớt rau câu, rong biển

Người dân lặn bắt ốc, hàu… ở vịnh Xuân Đài. Ảnh: LÊ TRÂM

Những năm gần đây, người dân vùng biển của TX Sông Cầu như Xuân Phương, Xuân Yên có thêm thu nhập từ việc lặn bắt ốc, vớt rong, rau câu ở vịnh Xuân Đài.

Để lặn được sâu, bắt được nhiều ốc, vớt được nhiều rong biển hơn, không ít người đeo chì thật nặng vào người.

Phụ nữ dầm mình bám bãi đá

Từ sáng sớm, chị Nguyễn Thị Hưng ở xã Xuân Phương cùng nhiều chị em trong xóm đã có mặt tại vịnh Xuân Đài để vớt rau câu chân vịt. Trên tay chị Hưng là chiếc bao và con dao nhỏ có cán, lưỡi cùn. Loại dụng cụ tự chế này phù hợp với việc cạo rong, rau câu nên ai cũng phải có. Vào thời điểm thủy triều xuống thấp, từng tảng đá ven vịnh lộ ra, nhiều chị dùng dao nhỏ cạy, cạo bứt rong, rau câu ra khỏi đá, cho vào bao. “Rau câu chân vịt thường mọc trên những bãi đá nằm sát chân sóng, ngắn và có màu trắng hơn rau câu thường. Khoảng cuối tháng 3 đầu tháng 4, rau câu thường xuất hiện nhiều”, chị Hưng nói.

Còn theo chị Bùi Thị Nhung, hàng xóm của chị Hưng, khu vực bãi đá trước nhà có nhiều rau câu chân vịt. Vào tháng 4, rau câu chân vịt mọc dày, chị chỉ cần lội xuống cào chứ không phải lặn. Qua tháng 6 thì rau câu ít dần và chỉ còn ở tầng dưới nên phải chịu khó lặn để cào, vớt. Một ngày, người làm giỏi có thể cào, vớt từ 30-40kg rau câu tươi, với giá bán 7.000 đồng/kg, kiếm trên 200.000 đồng.

Dọc bờ vịnh, nhiều chị em vận chuyển rau câu từ dưới nước lên và phơi ngay trên bãi cát. Nếu được nắng thì chỉ cần trong ngày là khô, thu dọn lại cho vào bao tải. Rau câu chân vịt muốn bán được ra thị trường phải trải qua 5 nắng 5 nước với nhiều công đoạn. “5 nắng 5 nước nghĩa là đem rau câu ngâm nước rửa sạch, lần lượt 5 lần rửa, 5 lần phơi nắng. Khi phơi lần đầu khô rồi đem ngâm nước, rau câu chân vịt không bị rữa mà trắng thêm. Vì vậy, càng qua nhiều lần rửa rồi phơi thì rau câu càng trắng”, chị Hưng bật mí.

Theo bà Trần Thị Mai, một người có nhiều kinh nghiệm trong nghề, rau câu chân vịt khi đem vô bờ phơi cần phải cắt gốc để không dính sạn. Nếu như lúc mới đưa lên bờ, rau câu còn tươi bán với giá 7.000 đồng/kg thì sau 5 lần phơi khô bán từ 250.000- 300.000 đồng/kg. Rau câu chân vịt khô có thể ngâm trong nước qua đêm hoặc vài giờ đồng hồ cho nở rồi mới chế biến món ăn.

Đàn ông lặn bám gành san hô

Tôi có dịp theo anh Nguyễn Văn Trung ở phường Xuân Yên ra bãi rạn trên vịnh Xuân Đài để xem anh lặn. Dọc theo bãi rạn, cát chạy dài và gành san hô là nơi cho các loại ốc biển, rong nho sinh sôi. Trên gành san hô, ốc bàn tay, ốc nón, hàu, sò… bám chỗ nhiều chỗ ít; có khi chúng bám vào bên hốc đá nên việc cạy lấy cũng không dễ dàng. Khi ngậm ống hơi lặn xuống nước, anh Trung phải dùng búa, dao cùn cạy từng con ốc bám vào san hô. Nếu sơ sẩy có khi bị vỏ ốc, bờ đá san hô cứa đứt tay. Vì vậy, những người đi cạy ốc như anh Trung phải kiên trì, chịu khó. “Chịu lạnh, ngâm mình dưới nước, mỗi người cạy được 1-2kg là nhiều. Giá ốc bán sa cạ cho thương lái từ 150.000-200.000 đồng/kg. Thường người dân đi cạy ốc theo từng nhóm 3-4 người, chủ yếu là nam giới”, anh Trung cho biết.

Nhóm anh Trung có 3 người cùng hẹn nhau đi lặn bắt ốc. Tất cả đều dầm mình dưới những ngọn sóng suốt cả buổi. “Theo nghề lặn này, chúng tôi thường bị sóng đánh nghiêng ngả hoặc bị kéo tuột xuống biển. Không ít lần tôi bị sóng đánh úp, ngã xuống gành san hô, cả người đều xây xát”, anh Lê Văn Thành, đi cùng nhóm anh Trung chia sẻ.

Ngoài ốc, rong nho thường mọc ở chân gành san hô, nơi tiếp xúc với sóng biển nên việc khai thác gần như dành riêng cho đàn ông, người có sức khỏe tốt vì phải ra xa bờ, lặn sâu khó nhọc. Để vớt được rong nho, họ phải bám vào những gành đá trơn trượt và lặn người theo những con sóng. Tại những nơi sóng đánh nhiều, đá và san hô càng trơn, càng chênh vênh thì loại rong này mọc càng nhiều. Nó thu hút người khai thác dù ẩn chứa nhiều mối nguy. Vì vậy, mọi người thường đi theo nhóm để hỗ trợ lẫn nhau.

“Ngày nào chịu khó lặn sâu, bắt ốc, vớt rong nho, tôi kiếm được trên dưới 400.000 đồng. Tôi lặn ở vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản với độ sâu bình thường. Những ai dạn gan, ra xa hơn lặn ở khu vực sâu 30-40m thì cạy được nhiều ốc, kiếm được nhiều tiền hơn. Để xuống đến độ sâu này, người lặn phải đeo chì quanh người, nếu gặp sự cố bị đứt hay bị tuột ống hơi, khi ngoi lên dễ bị liệt nửa người, điếc tai…”, anh Thành cho biết thêm.

Theo Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, từ việc lặn biển bắt ốc, vớt rong nho, rau câu, nhiều người dân ven vịnh Xuân Đài có thu nhập đáng kể. Ngoài mưu sinh, họ còn tham gia các tổ quản lý cộng đồng góp phần bảo vệ môi trường.

“Nghề lặn biển khai thác hải sản ở vùng nước sâu thuộc danh mục những nghề bị cấm. Không ít người dù biết trước hiểm nguy nhưng vẫn duy trì việc đeo chì để lặn sâu, rất nguy hiểm cho tính mạng, nhất là về lâu dài. Hàng năm, Phòng Kinh tế phối hợp với ngành chức năng kiểm tra thu giữ những bộ đồ lặn có chì, đồng thời tổ chức nhiều đợt tuyên truyền người dân không nên đeo chì để lặn vì nguy hiểm tính mạng. Đồng thời khuyến cáo bà con cần cẩn trọng, không nên hành nghề lặn những ngày mưa to, biển động, tiềm ẩn nhiều rủi ro”, ông Hồ Nam Yên, Trưởng phòng Kinh tế TX Sông Cầu cho biết.

Ngày nào chịu khó lặn sâu, bắt ốc, vớt rong nho, tôi kiếm được trên dưới 400.000 đồng. Tôi lặn ở vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản với độ sâu bình thường. Những ai dạn gan, ra xa hơn lặn ở khu vực sâu 30-40m thì cạy được nhiều ốc, kiếm được nhiều tiền hơn. Để xuống đến độ sâu này, người lặn phải đeo chì quanh người, nếu gặp sự cố bị đứt hay bị tuột ống hơi, khi ngoi lên dễ bị liệt nửa người, điếc tai…

Anh Lê Văn Thành, phường Xuân Yên, TX Sông Cầu

MẠNH LÊ TRÂM

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/273298/them-thu-nhap-tu-viec-lan-bat-oc-vot-rau-cau-rong-bien.html