Thêm thủy điện, sông Đồng Nai sẽ chết

Theo TS Vũ Ngọc Long, sông Đồng Nai giờ đã quá tải về thủy điện, dưới tác động của biến đổi khí hậu sẽ còn thay đổi rất nhiều

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Vũ Ngọc Long - nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam - bày tỏ khi theo dõi loạt bài điều tra đặc biệt của Báo Người Lao Động, có thể nhận thấy với 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, 2, 3 có nhiều lỗ hổng về pháp lý, thông tin, kế hoạch, đặc biệt sự ủng hộ của các bên, đơn vị liên quan là không rõ ràng. Nếu so sánh với 2 thủy điện Đồng Nai 6 và 6A trước đây, các dự án lần này khó khắc phục được những nhược điểm đã được chỉ ra cách đây hơn 10 năm.

TS Vũ Ngọc Long cho rằng đề xuất dự án thủy điện trên sông Đồng Nai là chỉ nghĩ “vắt” nước ra tiền

TS Vũ Ngọc Long cho rằng đề xuất dự án thủy điện trên sông Đồng Nai là chỉ nghĩ “vắt” nước ra tiền

Đặc biệt, lần này báo đã phát hiện vấn đề sớm, tổ chức khảo sát thực tế để phản ánh. Việc được phát hiện sớm sẽ giảm nhiều hệ lụy về sau.

Theo dõi quá trình đề xuất 3 dự án này từ tỉnh Lâm Đồng, thấy rõ Sở Công Thương khẳng định diện tích chiếm đất của cả 3 dự án trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là nằm trong Vườn Quốc gia Cát Tiên và trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng là khu vực được bảo toàn nguyên vẹn của vườn, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh. Tuy nhiên, văn bản của Sở Công Thương sau đó gửi UBND tỉnh Lâm Đồng và tỉnh gửi Bộ Công Thương thì không đề cập nội dung trên.

Việc bỏ nội dung trên không che giấu được bản chất sự việc, là đánh lừa dư luận để giảm nhẹ sự chú ý, tác động vì hình ảnh, video mà báo đăng tải đã cho thấy thực tế khu vực này là rừng gì.

"Trước đây, khi tiếp cận báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, không tin vào kết luận "rừng nghèo kiệt", "không có giá trị đa dạng sinh học"… nên tôi bỏ tiền lập đoàn chuyên gia, mời cả báo chí đi khảo sát. Hành trình cũng vất vả như phóng viên Báo Người Lao Động bây giờ. Chúng tôi tổ chức hội nghị phản biện và chỉ ra những điều sai tại dự án. Sau đó, quá trình phản biện, tranh luận cũng tiếp tục diễn ra" - TS Vũ Ngọc Long nhấn mạnh. Ông nói: "Tôi dành 1 tuần để tổng hợp dữ liệu đã nghiên cứu để phản biện, gửi Chính phủ, Quốc hội, khẳng định giá trị mất mát rất lớn, mất là mất luôn, không thể hoán đổi được. Từ tiếng nói của cộng đồng, báo chí, nhà khoa học, các tổ chức, tỉnh Đồng Nai… nên dự án đã bị cơ quan thẩm quyền buộc dừng lại".

Theo ông, đề xuất 3 dự án lần này cũng vậy, doanh nghiệp nhận định vị trí dự án là rừng nghèo kiệt, cây dại, tre nứa, lồ ô… Dự án ít ảnh hưởng môi trường, có thể trồng lại. Nhìn vào đây, người ta không khỏi hoài nghi sự mập mờ để "hồi sinh" 2 dự án trước đây, kiểu "bình mới, rượu cũ". Bỏ tên Đồng Nai vì gắn với dự án Đồng Nai 6 và 6A trước đây, nay doanh nghiệp chọn tên địa danh ở phía bên kia sông Đồng Nai. Ở đây có sự mưu mẹo, tính toán, nghe qua có thể không liên quan gì tới Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Sông Đồng Nai giờ quá tải về thủy điện, đã làm mất cân bằng hệ sinh thái, dưới tác động của biến đổi khí hậu sẽ thay đổi rất nhiều nữa. Thêm 3 dự án thủy điện này vào thì Vườn Quốc gia Cát Tiên sẽ chết rất nhiều thứ, chết nhiều loài quý hiếm và hệ sinh thái đất ngập nước ở ven sông Đồng Nai, mất cánh đồng lúa nước của huyện Cát Tiên…

Đề xuất dự án thủy điện trên sông Đồng Nai là chỉ nghĩ "vắt" nước ra tiền mà không nghĩ tới những mất mát, tác động môi trường. Sông này có chức năng điều hòa môi trường, khí hậu khu vực nhưng những dự án thủy điện đã làm mất nhiều hồ ven sông có chức năng "điều hòa hơi thở dòng sông". Nếu nhắm mắt làm ngơ để làm thủy điện nữa thì sẽ "giết chết" dòng sông, ảnh hưởng khu vực Đông Nam Bộ, trong đó có TP HCM.

Trên Báo Người Lao Động, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương, nói quan điểm của lãnh đạo Bộ Công Thương trước đây là bất kỳ dự án thủy điện ở quy mô nào, nếu chỉ sử dụng 1 m2 đất rừng tự nhiên cũng sẽ bị loại trừ và không cho phép triển khai. Phát biểu này tức là không được động vào Vườn Quốc gia Cát Tiên. Đây là phát biểu rất hay và cần được đưa ra làm căn cứ khi phản biện dự án.

Những dự án thủy điện nhỏ nhưng phá hoại môi trường rất lớn, chúng ta cần nhớ dự án thủy điện Rào Trăng 3 cách đây vài năm là một bài học, giá trị kinh tế không bao nhiêu so với những gì đã mất.

Bài và ảnh: QUỐC ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/them-thuy-dien-song-dong-nai-se-chet-20231120222536844.htm