Tiết lộ mới vụ ông Trump bị ám sát hụt

Một ngày trước vụ ông Trump bị ám sát hụt, cảnh sát địa phương đã phân bổ một số thiết bị bộ đàm cho Mật vụ để hai cơ quan giữ liên lạc trong sự kiện vận động tranh cử hôm 13/7. Nhưng phía Mật vụ không nhận.

 Ông Trump và các nhân viên Mật vụ Mỹ sau vụ ám sát hụt. Ảnh: New York Times.

Ông Trump và các nhân viên Mật vụ Mỹ sau vụ ám sát hụt. Ảnh: New York Times.

Ngày 13/7, ba phút trước khi tiếng súng vang lên, cảnh sát địa phương đã phát cảnh báo qua bộ đàm về một người đàn ông khả nghi trên mái nhà. Nhưng lời cảnh báo ấy không bao giờ đến được tai phía Mật vụ. Trong 15 giây kể từ khi lính bắn tỉa Mật vụ phát hiện ra nghi phạm cho tới lúc nổ súng hạ gục, đối tượng đã có thể khai hỏa 8 phát đạn.

Vài phút sau, đứng bên thi thể kẻ ám sát, một cảnh sát địa phương có mặt ở hiện trường không khỏi tỏ ra thất vọng vì dường như đã không ai chú ý tới các cảnh báo do anh ta phát đi.

“Lúc đấy tôi đã hét lên ‘Ở trên mái nhà’ rồi cơ mà”, người cảnh sát này nói, theo băng ghi hình camera gắn thân. “Tôi với các ông không cùng tần số à?”.

Hơn một tháng đã trôi qua kể từ sau vụ ám sát hụt nhưng cho tới nay vẫn tiếp tục có nhiều chi tiết được tiết lộ, thể hiện sự thiếu liên lạc giữa cảnh sát địa phương và đặc vụ liên bang. Những lời cảnh báo bị thất lạc giữa một mớ hỗn độn tin nhắn, liên lạc bộ đàm, và người trung gian đưa tin, nên không thể đi đến mục tiêu.

Lời cảnh báo bị bỏ lỡ

Thông tin Mật vụ quên không cầm bộ đàm được tiết lộ trong một báo cáo gần đây của Hạ nghị sĩ Clay Higgins, thuộc tổ chuyên trách của Quốc hội điều tra vụ ám sát hụt.

Ông Higgins khẳng định một cán bộ chỉ huy lực lượng phản ứng khẩn cấp địa phương đã “đích thân nhắc nhở” đội chống bắn tỉa Mật vụ phải cầm theo bộ đàm họ được phân. “Nhưng điều đó đã không xảy ra”, báo cáo viết.

 Nhân viên Mật vụ được cho là quên cầm bộ đàm liên lạc với cảnh sát địa phương nên không thể nhận được lời cảnh báo về nghi phạm. Ảnh: New York Times.

Nhân viên Mật vụ được cho là quên cầm bộ đàm liên lạc với cảnh sát địa phương nên không thể nhận được lời cảnh báo về nghi phạm. Ảnh: New York Times.

Chi tiết này được Tổng chưởng lý hạt Butler, Richard Goldinger, xác nhận với CNN.

“Tôi có thể xác nhận rằng đội phản ứng khẩn cấp của hạt Butler đã phân bổ bộ đàm cho Mật vụ, nhưng phía Mật vụ không sử dụng”, ông Goldinger nói. “Tôi thấy là hợp lý khi cho rằng nếu người cầm bộ đàm chú ý, họ sẽ nhận được lời cảnh báo”.

Phản hồi thông tin trên, phía Mật vụ nói rằng sẽ xem xét báo cáo của ông Higgins. Cơ quan này “cam kết điều tra các quyết định và hành động của những cá nhân liên quan tới sự kiện ở Butler, bang Pennsylvania” và sẽ buộc “nhân sự của mình chịu trách nhiệm theo tiêu chuẩn khắt khe nhất”.

Sau khi xảy ra vụ ám sát hụt, Mật vụ Mỹ được xem là cơ quan phải chịu trách nhiệm lớn nhất vì để xảy ra tình trạng thiếu điều phối, thiếu quy trình liên lạc rõ ràng, thông suốt.

“Sự việc lần này là một thất bại của lực lượng Mật vụ. Lẽ ra phải có người bao quát khu vực mái nhà”, Quyền giám đốc Mật vụ, ông Ronald Rowe, nói với phóng viên hồi đầu tháng 8, đánh dấu sự thay đổi thái độ rõ rệt. Trước đó họ còn đổ lỗi cho cảnh sát địa phương vì không để mắt tới kẻ ám sát Thomas Crooks.

 Ông Trump phát biểu từ phía sau tấm kính chống đạn. Từ sau vụ ám sát hụt, đội ngũ bảo vệ ông Trump đã chuẩn bị hệ thống phát sóng di động riêng, không phụ thuộc mạng di động công cộng. Ảnh: Doug Mills/New York Times.

Ông Trump phát biểu từ phía sau tấm kính chống đạn. Từ sau vụ ám sát hụt, đội ngũ bảo vệ ông Trump đã chuẩn bị hệ thống phát sóng di động riêng, không phụ thuộc mạng di động công cộng. Ảnh: Doug Mills/New York Times.

Quy trình còn rườm rà

Theo nhiều cán bộ chấp pháp cả đương chức và đã rời nhiệm sở, Mật vụ Mỹ tới nay vẫn chưa đưa vào ứng dụng những công cụ liên lạc sẵn có trong tay, bao gồm mạng lưới băng thông rộng toàn quốc. Mạng lưới này được phát triển kể từ sau vụ khủng bố 11/9 nhằm tăng cường liên lạc giữa lực lượng chấp pháp và lực lượng phản ứng đầu tiên.

Thay vào đó, Mật vụ Mỹ vẫn sử dụng hệ thống rời rạc, chủ yếu trao đổi qua các đầu mối trung gian và trạm chỉ huy, thay vì liên lạc trực tiếp với những cán bộ có mặt tại hiện trường.

Thiếu đi hệ thống chuyên dụng, cơ quan này đôi lúc buộc phải sử dụng mạng di động chập chờn để liên lạc. Sự kiện hôm 13/7 chính là một trong những lần như thế. Cũng vì thế mà đội chống bắn tỉa khó có thể gửi đi ảnh chụp tay súng khi đã xác định đây là kẻ khả nghi.

Mạng yếu cũng làm Mật vụ bị hạn chế trong việc triển khai hệ thống chống máy bay không người lái (UAV), vốn đã có thể phát hiện chiếc UAV mà nghi phạm sử dụng để thám thính tình hình trước khi ông Trump lên bục.

Một vấn đề khác gây ra tình trạng đứt gãy liên lạc như ngày 13/7, theo nguồn tin của CNN, là việc cùng một sự kiện có hai sở chỉ huy: Một của địa phương và một của đặc vụ liên bang. Thông tin thường phải đi từ cảnh sát tới sở chỉ huy thứ nhất, qua sở chỉ huy thứ hai rồi mới đến được Mật vụ.

Sau vụ ám sát hụt, Quyền giám đốc Rowe đã lệnh cho mọi văn phòng địa phương của Mật vụ phải thành lập sở chỉ huy tập trung cho mỗi sự kiện hoặc cử đại diện có mặt tại sở chỉ huy địa phương để liên lạc thông suốt, một nguồn tin nói với CNN.

Lạc Chi

Nguồn Znews: https://znews.vn/tiet-lo-moi-vu-ong-trump-bi-am-sat-hut-post1493761.html