Thêm triển vọng hồi sinh Thỏa thuận hạt nhân Iran
Bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 đang diễn ra ở Rome (Italy), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra lời cam kết sẽ không phạm lại sai lầm như người tiền nhiệm và sẽ tham gia Thỏa thuận chừng nào Iran vẫn giữ lời cam kết của mình.
Thông điệp mới
Lời cam kết của Tổng thống Joe Biden được đưa ra khi ông có cuộc gặp bên lề Hội nghị G20 với lãnh đạo 3 cường quốc châu Âu là Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuelle Macron và Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 31-10. Tuyên bố chung của 3 lãnh đạo châu Âu liên quan lời cam kết của Tổng thống Biden có đoạn viết: “Chúng tôi hoan nghênh cam kết rõ ràng của Tổng thống Biden là sẽ đưa nước Mỹ trở lại tuân thủ đầy đủ JCPOA (Kế hoạch hành động chung toàn diện) và sẽ tiếp tục tuân thủ đầy đủ chừng nào Iran cũng làm tương tự”.
Vòng đàm phán Vienna về thỏa thuận hạt nhân Iran tạm dừng từ tháng 6.
Cam kết của Tổng thống Biden đã gia tăng triển vọng làm sống lại Thỏa thuận hạt nhân Iran đã bị “chết lâm sàng” kể từ khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rút lui vào năm 2018. Từ khi ông Biden lên làm tổng thống, Iran và các bên liên quan JCPOA đã có nhiều nỗ lực đàm phán để khôi phục việc Mỹ tham gia thỏa thuận.
Sau 6 vòng đàm phán tại Vienna, Mỹ và Iran vẫn còn bất đồng xung quanh bước đi nào cần thực hiện trước và khi nào, với các vấn đề mấu chốt như Tehran sẽ phải tuân theo giới hạn hạt nhân nào và Mỹ sẽ phải gỡ bỏ các biện pháp cấm vận nào. Tiến trình đàm phán vì thế đã phải dừng lại từ tháng 6-2021, sau khi ông Ebrahim Raisi được bầu làm Tổng thống Iran.
Ông Raisi được cho là đã theo đuổi chính sách cứng rắn với tiến trình đàm phán hạt nhân với Mỹ và phương Tây. Trong đó, vấn đề gỡ bỏ các biện pháp cấm vận được áp đặt dưới thời Tổng thống Trump được đặt lên hàng đầu. Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amirabdollahian thẳng thắn đặt ra yêu cầu quan trọng nhất đối với Iran là Mỹ phải “giải băng” tài sản của Iran trị giá hơn 10 tỉ USD tại các ngân hàng nước ngoài.
Số tài sản này đã bị đóng băng theo sau lệnh cấm vận của Mỹ đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran. Bên cạnh đó, Iran cũng đặt ra điều kiện nếu Iran quay trở lại với JCPOA thì các chính quyền Mỹ trong tương lai không được lặp lại hành động rút lui khỏi JCPOA như ông Trump từng làm.
Hiện Iran và các bên liên quan đang ráo riết tìm cách khôi phục đàm phán nhằm sớm đạt được mục tiêu hồi sinh JCPOA. Theo giới phân tích, lời cam kết của Tổng thống Biden có thể là dấu hiệu cho thấy Mỹ muốn tạo ra bầu không khí tích cực trước khi nối lại các vòng đàm phán ở Vienna.
Vào hạ tuần tháng 10 vừa qua, các nhà đàm phán châu Âu và Iran đã khẩn trương thảo luận nhằm đi đến thống nhất về ngày giờ khởi động lại các vòng đàm phán Vienna. Sau cuộc đàm phán ngày 27-10, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran Ali Bagheri Kani tuyên bố vòng đàm phán Vienna sẽ được nối lại vào cuối tháng 11, còn ngày giờ cụ thể sẽ được thông báo vào tuần đầu tháng 11.
Ngoài ra, Tổng thống Biden cũng tạo ra sự khích lệ đối với Iran trong những vấn đề khác như muốn thể hiện thiện chí hướng đến đàm phán, đối thoại với Iran. Trong bài phát biểu tại Hội nghị G20 hôm 31-10, Tổng thống Biden sẽ có phản ứng đối với các vụ tấn công của Iran nhắm vào các lợi ích của Mỹ ở các quốc gia ở Trung Đông nếu Iran từ chối quay lại bàn đàm phán về tương lai JCPOA.
Tuy nhiên, ông cũng ngụ ý rằng Mỹ sẽ chọn “đòn bẩy kinh tế” thay vì dùng vũ lực quân sự với Iran. Ông Biden cũng thẳng thắn nhìn nhận nước Mỹ đang phải trả giá cho những lựa chọn sai lầm thời Tổng thống Trump. Và ông nhất trí cùng với các lãnh đạo châu Âu rằng ngoại giao là con đường tốt nhất để xử sự với Iran trong vấn đề tương lai của Thỏa thuận hạt nhân.
Những lo ngại khi đàm phán bị trì hoãn
Những tuyên bố của Tổng thống Biden được giới phân tích nghiên cứu rất kỹ bởi nó liên quan đến các vấn đề đối ngoại khác của Mỹ tại Trung Đông. Chẳng hạn, người ta đang suy nghĩ xem liệu các tuyên bố trên đây của ông Biden có ngầm phủ nhận hành động của Israel khi cho máy bay ném bom các cơ sở của Iran nếu Israel nghi ngờ Iran đang chuẩn bị chế tạo bom hạt nhân.
Sự thay đổi giọng điệu từ phía Mỹ bắt đầu kể từ sau vụ tấn công mạng làm tê liệt hệ thống các trạm xăng của Iran, mà hôm 31-10 tướng Gholamreza Jalali của Iran quy kết trách nhiệm cho Mỹ và Israel gây ra. Trong tuyên bố chung của 3 cường quốc châu Âu tại Hội nghị G20 nêu trên cũng không đặt ra yêu cầu Iran cam kết tuân thủ các điều kiện về hành động “gây bất ổn định” của Iran trong khu vực.
Phương Tây đang ngày càng cảm thấy lo ngại rằng sự trì hoãn nối lại đàm phán là bài câu giờ của Iran, rằng Tehran đang muốn tận dụng khoảng thời gian trì hoãn này để tăng cường kho nguyên liệu hạt nhân, làm suy yếu hoạt động thanh sát vũ khí của Liên Hợp Quốc và dần làm chủ việc vận hành các thiết bị ly tâm tiên tiến đủ sức sản xuất uranium làm giàu cao.
Mỹ còn lo ngại nếu kéo dài thời gian tạm hoãn đàm phán sẽ giúp Iran có thêm cơ hội làm giàu uranium và sẽ càng giảm giá trị của việc quay trở lại thỏa thuận hạt nhân. Washington hiện cũng đang xem xét các lựa chọn nếu nhận thấy giải pháp ngoại giao không có tác dụng với Iran.
Phía Iran cũng muốn EU cam kết sẽ có hành động thích hợp nếu Mỹ lại rút lui khỏi thỏa thuận như lần trước. Iran muốn EU cam kết mạnh mẽ rằng sẽ đầu tư thêm tài chính cho sàn giao dịch Instex, một công cụ thương mại được dựng lên bởi EU và Iran nhằm “lách” lệnh cấm vận của Mỹ. Đồng thời, mong muốn EU cũng cho phép Nga và Trung Quốc tham gia sàn giao dịch này. Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian cho biết Iran đang theo đuổi chính sách đối ngoại cân bằng, có nghĩa là phương Tây không còn là ưu tiên hàng đầu của Iran nữa, thêm vào đó còn có Trung Quốc và Nga.