Thêm trường đại học có điểm chuẩn xét tuyển sớm vượt 29 điểm

Tính đến 17/6, nhiều trường đại học đã công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm, trong đó xuất hiện ngành có điểm ở mức tối đa 30/30 điểm.

Trường Đại học Luật Hà Nội

Trong mùa tuyển sinh đại học năm nay, Trường ĐH Luật Hà Nội là trường gây nhiều chú ý khi điểm chuẩn xét tuyển sớm dựa trên kết quả học tập bậc THPT ở mức tối đa (30 điểm).

Theo đó, ngành Luật Kinh tế (đào tạo tại sở sở chính Hà Nội) có điểm trúng tuyển là 30 điểm ở tổ hợp A00 và A01. Vẫn ngành Luật Kinh tế tại cơ sở Hà Nội, điểm trúng tuyển tổ hợp C00 là 29,8 điểm; D01 và D03 cùng là 29,54 điểm, D05 là 29,17 điểm; ngành Luật Thương mại quốc tế tại cơ sở Hà Nội có điểm trúng tuyển tổ hợp A01 là 29,08 điểm. Điểm trúng tuyển các ngành khác và các tổ hợp khác tại cơ sở Hà Nội dao động từ 26,76 - 28,88 điểm.

Điểm trúng tuyển theo phương thức xét kết quả học tập bậc THPT của Trường ĐH Luật Hà Nội năm 2024.

Điểm trúng tuyển theo phương thức xét kết quả học tập bậc THPT của Trường ĐH Luật Hà Nội năm 2024.

Trường Đại học Ngoại thương

Trường ĐH Ngoại thương công bố điểm chuẩn của 3 phương thức xét tuyển sớm. Trong đó, phương thức 1 là xét học bạ THPT với 3 nhóm thí sinh (tham gia kỳ thi học sinh giỏi, khoa học kỹ thuật quốc gia; đạt giải Ba trở lên kỳ thi học sinh giỏi cấp TP; là học sinh trường chuyên).

Phương thức 2 xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (như IELTS, TOEFL...) với học bạ hoặc chứng chỉ năng lực quốc tế (SAT, ACT, A-Level). Phương thức 5 là xét điểm thi đánh giá năng lực do 2 ĐH quốc gia tổ chức. Điểm chuẩn các phương thức được quy đổi và đưa về thang 30.

Điểm chuẩn xét tuyển sớm theo phương thức 1, 2, 5 của Trường ĐH Ngoại thương năm 2024.

Điểm chuẩn xét tuyển sớm theo phương thức 1, 2, 5 của Trường ĐH Ngoại thương năm 2024.

Điểm chuẩn cao nhất là 29,5/30 tại một số ngành như Khoa học máy tính, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (chương trình định hướng nghề nghiệp quốc tế)..., áp dụng với thí sinh dùng chứng chỉ SAT, ACT hoặc A-Level đăng ký vào trụ sở chính Hà Nội. Các ngành khác thấp hơn, nhưng hầu hết cũng từ 27 điểm trở lên.

Trường Đại học Thương mại

Trường ĐH Thương mại công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm, gồm xét học bạ với thí sinh trường chuyên (mã 200); xét điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội (402a); xét điểm thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội (402b); xét chứng chỉ quốc tế kết hợp với học bạ (410).

Trong đó, 38 ngành của Trường ĐH Thương mại lấy điểm chuẩn học bạ dao động 25 - 29,25 điểm. Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng lấy điểm chuẩn cao nhất với 29,25 điểm; ngành lấy điểm thấp nhất là Quản trị khách sạn (chương trình định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế) với 25 điểm.

Điểm chuẩn với phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức khoảng 18,5 - 22 điểm. Điểm chuẩn với phương thức xét điểm đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội dao động 18 - 21 điểm. Điểm chuẩn xét chứng chỉ quốc tế kết hợp với học bạ dao động 22 - 27 điểm.

Học viện Ngoại giao

Học viện Ngoại giao vừa công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm dựa trên kết quả học bạ. Ở phương thức này, trường tuyển 70% tổng chỉ tiêu mỗi ngành. Theo đó, ngành Kinh doanh quốc tế có mức điểm chuẩn cao nhất vào Học viện Ngoại giao với 23,82 điểm. Xếp sau đó là các ngành Truyền thông quốc tế, Kinh tế quốc tế, Quan hệ quốc tế đều lấy trên 23 điểm.

Đối với các ngành Quan hệ quốc tế, Kinh tế quốc tế, Luật quốc tế, Kinh doanh quốc tế, Truyền thông quốc tế, Châu Á - Thái Bình Dương học và Luật thương mại quốc tế, điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình cộng kết quả học tập của 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển vào Học viện thuộc 3 học kỳ bất kỳ trong 5 học kỳ lớp 10, 11 và học kỳ I năm học lớp 12 đã lựa chọn để tham gia xét tuyển x 2/3; điểm khuyến khích theo quy định của Học viện và điểm ưu tiên theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Đối với ngành Ngôn ngữ Anh, điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình cộng kết quả học tập của môn tiếng Anh nhân hệ số 2 và điểm trung bình cộng kết quả học tập của 2 môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển vào Học viện thuộc 3 học kỳ bất kỳ trong 5 học kỳ lớp 10, 11 và học kỳ I năm học lớp 12 đã lựa chọn để tham gia xét tuyển x 1/2; điểm khuyến khích theo quy định của Học viện và điểm ưu tiên theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Học viện Ngân hàng

Học viện Ngân hàng công bố điểm chuẩn các phương thức xét tuyển sớm với cơ sở Hà Nội. Trong đó, xét bằng học bạ giúp trường tuyển khoảng 700 sinh viên. Ở phương thức này, Học viện Ngân hàng chia thành 2 nhóm. Với nhóm tính theo thang điểm 30 (gồm chương trình chuẩn và liên kết quốc tế), điểm chuẩn cao nhất là 29,9 ở ngành Kiểm toán, Ngân hàng, Ngân hàng số, Tài chính, Công nghệ tài chính, Kinh doanh quốc tế, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng và Luật Kinh tế (với một số tổ hợp); thấp nhất là ngành Kế toán, chương trình liên kết với ĐH Sunderland, Anh với 25,5 điểm. Đây là tổng điểm trung bình cộng các năm của 3 môn, cộng điểm ưu tiên, khuyến khích (1,5 - 3 điểm với giải học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia hoặc là học sinh chuyên).

Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội vừa công bố điểm trúng tuyển bằng phương thức xét học bạ THPT kết hợp phỏng vấn. Theo đó, điểm chuẩn học bạ của trường năm 2024 dao động từ 8-9,4 điểm/môn.

Ngành Sư phạm Tiếng Anh lấy điểm chuẩn cao nhất. Trung bình mỗi môn trong tổ hợp xét tuyển, thí sinh phải đạt tối thiểu 9,4 trở lên mới trúng tuyển. Ngành có điểm chuẩn cao thứ hai là Sư phạm Tiếng Trung với 9,2 điểm một môn. Điểm chuẩn ngành Sư phạm Tiếng Đức và Hàn Quốc là 9,1, tiếng Nhật là 9 điểm.

Đại học Bách khoa Hà Nội

Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (IT-E10) là ngành có mức điểm chuẩn cao nhất năm nay theo phương thức xét tuyển tài năng với 104,58/110 điểm. So với mức điểm năm 2023 là 98,42 điểm, điểm chuẩn ngành IT-E10 tăng 6,16 điểm.

Trong top 5 ngành có điểm cao nhất còn có ngành Khoa học Máy tính với 103,89 điểm (tăng 13,72 điểm); Công nghệ Thông tin Global ICT với 102,67 điểm (tăng 20,67 điểm); An toàn không gian số - Cyber Security với 102,6 điểm (tăng 20,56 điểm); Kỹ thuật Máy tính với 98,3 điểm (tăng 12,95 điểm). Đây cũng là nhóm 5 ngành có điểm chuẩn xét tuyển tài năng cao nhất trong năm 2023.

Thí sinh trúng tuyển sớm cần lưu ý gì?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) lưu ý, dù trúng tuyển xét tuyển sớm của các trường đại học, thí sinh vẫn cần phải đăng ký nguyện vọng trên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT.

"Bởi khi đó, các nguyện vọng xét tuyển mới được xác nhận có hiệu lực và các em mới có cơ hội để trúng tuyển vào trường đại học mong muốn. Với xét tuyển sớm, nếu thí sinh đã được công bố trúng tuyển sớm vào trường nào đó mình thực sự rất yêu thích, hãy đặt đó là nguyện vọng 1 trên hệ thống của Bộ GD&ĐT và chắc chắn trúng tuyển".

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/them-truong-dai-hoc-co-diem-chuan-xet-tuyen-som-vuot-29-diem-169240617145314158.htm