Thêm 'vọng gác' để tuyển dụng công chức
Để thi vào công chức một cơ quan nào đó, người dự thi phải vượt qua kỳ kiểm định chất lượng đầu vào công chức để nhận Giấy chứng nhận.
Đây là một trong những nội dung quan trọng của "Đề án thực hiện thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức" đang được Bộ Nội vụ đưa ra lấy ý kiến.
Triển khai trên toàn quốc
Theo Bộ Nội vụ, việc tuyển dụng công chức hiện nay thực hiện theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29-11-2018, với 2 vòng thi. Việc thực hiện kỳ thi tuyển dụng với 2 vòng đã tạo ra những chuyển biến tích cực nhất định. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cho rằng vòng 1 kỳ thi hiện nay được cơ quan tuyển dụng thực hiện có lúc có nơi còn bất cập, hạn chế; nội dung đánh giá nặng về kiểm tra kiến thức mà thiếu sự đánh giá về khả năng vận dụng tri thức, thái độ và tinh thần trách nhiệm nên chưa kiểm định được đầy đủ năng lực, chất lượng thí sinh.
Từ thực tiễn trên, Bộ Nội vụ xây dựng đề án kiểm định chất lượng đầu vào công chức như nói trên. Theo đó, sẽ thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức đối với các cơ quan trung ương từ năm 2021-2022; từ năm 2023 triển khai trên toàn quốc.
Về cách thức thực hiện, Bộ Nội vụ đề xuất tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào mỗi năm 2 lần tại 4 địa điểm trên toàn quốc. Người vượt qua kỳ kiểm định sẽ được cấp "giấy chứng nhận" có hiệu lực trong vòng 12 tháng để làm các thủ tục xét tuyển vào công chức. Những người trượt ở kỳ kiểm định sẽ được tham gia thi lại sau 6 tháng.
Về thi tuyển, đề án quy định các nội dung về kiến thức chung, ngoại ngữ, tin học sẽ được tổ hợp chung trong một bài thi kiểm định với thời lượng ít nhất 180 phút. Ngân hàng câu hỏi kiểm định chất lượng đầu vào công chức được tiếp cận theo hướng tư duy mới trên cơ sở khung năng lực cần thiết đối với một công chức.
"Kiểm định không chỉ là việc đánh giá kiến thức chung, ngoại ngữ, tin học của thí sinh như các nội dung tuyển dụng công chức trong giai đoạn vừa qua mà phải đánh giá tổng hợp, toàn diện năng lực của thí sinh dự tuyển" - đại diện Bộ Nội vụ khẳng định.
Cần công khai, minh bạch
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đánh giá việc tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh đã xảy ra không ít vụ tiêu cực trong tuyển dụng công chức. Theo ông Hùng, kiểm định chất lượng đầu vào như thêm một "vọng gác" trong quá trình tuyển chọn công chức. Với hình thức kiểm định để có giấy chứng nhận, ông Hùng nói sẽ tạo ra sự công bằng, ai có năng lực thì sẽ có cơ hội được tuyển dụng.
Để việc kiểm định thực chất, ông Hùng đề nghị phải có quy trình chặt chẽ, công khai, minh bạch, tránh tiêu cực, cài cắm người nhà, người thân. "Ngân hàng câu hỏi, quy trình tổ chức kiểm định, giám sát như thế nào phải thật chặt chẽ, không nên làm hời hợt rồi sau đó rút kinh nghiệm- ông Vũ Quốc Hùng lưu ý.
Ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cũng cho rằng chỉ khi xây dựng được quy trình chặt chẽ, kiểm soát kỹ lưỡng thì mới giúp sàng lọc, tìm được những công chức đủ năng lực, phẩm chất, có đức, có tài.
Ông Hòa cũng đặt ra nhiều băn khoăn, đó là việc tổ chức kiểm định đầu vào sẽ được tổ chức như thế nào? Có gây tốn kém thời gian, chi phí cho người dự tuyển hay không? Chi phí để tổ chức thi kiểm định lấy từ nguồn nào? Hơn nữa, giấy chứng nhận vượt qua kỳ kiểm định chỉ có hiệu lực 12 tháng có ngắn quá hay không, bởi một số trường hợp thi trượt công chức, phải chờ kỳ thi khác có thể sẽ quá hạn 12 tháng… Từ đó, ông Hòa đề nghị cân nhắc tăng hiệu lực của giấy chứng nhận nhằm tạo thêm điều kiện cho người dự tuyển công chức.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/them-vong-gac-de-tuyen-dung-cong-chuc-20200605205258031.htm