Thêm yêu di sản nước nhà
Diễn ra sáng 24-11, Hội thi tìm hiểu di sản văn hóa tỉnh Khánh Hòa lần thứ 3 thực sự là sân chơi bổ ích nhằm hun đúc tình yêu những di tích, di sản văn hóa của tỉnh và của đất nước.
Sân chơi bổ ích
Qua 3 năm liên tiếp diễn ra, Hội thi tìm hiểu di sản văn hóa cấp tỉnh do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức là dịp để các học sinh thể hiện kiến thức, tình yêu về di tích, di sản văn hóa. Tại hội thi, các đội trải qua 4 phần thi gồm: Chào hỏi; tìm hiểu di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam, di sản văn hóa quốc gia tại Khánh Hòa, kiến thức chung về lịch sử - văn hóa tỉnh, Luật Di sản văn hóa; nhận biết di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam, di sản văn hóa quốc gia tại Khánh Hòa qua hình ảnh và thi tài năng. Ở phần thi chào hỏi, các thí sinh phải vừa thể hiện được nét đặc trưng của những di sản văn hóa địa phương, vừa giới thiệu trường học và các thành viên đội thi dưới hình thức sân khấu hóa. Ở phần thi này, đội thi đến từ Trường THCS Đinh Tiên Hoàng (thị xã Ninh Hòa) với sự đầu tư công phu về trang phục, nội dung kịch bản, cách thức thể hiện sáng tạo đã gây được ấn tượng mạnh mẽ với khán giả cũng như ban giám khảo.
Với hai phần thi tiếp theo, các thí sinh phải thể hiện được những hiểu biết của mình về những thông tin liên quan đến di tích, danh thắng, di sản văn hóa trong nước và địa phương thông qua hình thức trả lời câu hỏi trắc nghiệm. Những điểm số không quá chênh lệch giữa các đội đã phần nào phản ánh kiến thức khá tốt của các thí sinh. Nổi bật nhất chính là phần thi của các học sinh đến từ Trường Tiểu học và THCS Diên Tân (huyện Diên Khánh) khi đã đạt được số điểm tối đa ở hai phần thi này.
Phần thi tài năng là nơi để các đội thể hiện rõ nhất những thế mạnh của mình trong việc truyền đạt những di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Ở đó, có màn diễn xướng hò bá trạo của đội Trường THCS Nguyễn Hiền (TP. Nha Trang); có điệu dân ca Raglai kết hợp với đánh mã la của đội Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Khánh Sơn (huyện Khánh Sơn); có trích đoạn cải lương Trống lệnh Tây Sơn của Trường THCS Nguyễn Huệ (huyện Vạn Ninh)… Xuất sắc nhất phải kể tới giọng ca quan họ ngọt ngào của em Quốc Bảo đến từ đội Trường THCS Lê Hồng Phong (TP. Cam Ranh). Đây cũng là phần thi nhận được số điểm cao nhất từ ban giám khảo.
Hiệu quả tuyên truyền
Xem các em thi tìm hiểu di sản, khán giả như được thưởng thức một chương trình biểu diễn sân khấu đa dạng. Những thông tin, kiến thức, hiểu biết về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được các em khéo léo chuyển tải thông qua các tiểu phẩm, những làn điệu dân ca đặc sắc ở các vùng miền đất nước. “Tôi thấy các cháu đã có sự chuẩn bị khá tốt cho các phần thi của mình nên rất tự tin biểu diễn trên sân khấu hay khi trả lời câu hỏi liên quan đến các di tích, di sản văn hóa”, ông Nguyễn Quang Thống - khán giả cho biết.
Hội thi tìm hiểu di sản văn hóa cấp tỉnh lần thứ 3 đã khép lại với những thành công cả về công tác tổ chức cũng như khả năng lan truyền tình cảm, kiến thức về giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa. Đây đã trở thành một hoạt động thường niên ở các trường học, địa phương. “Được đại diện cho huyện Diên Khánh đi dự hội thi cấp tỉnh là vinh dự nhưng cũng rất áp lực với mỗi thành viên trong đội. Gần 2 tháng nay, chúng em thường xuyên tìm hiểu thông tin, kiến thức qua các nguồn tài liệu khác nhau; đồng thời phải tập luyện các tiết mục văn nghệ. Nhưng cũng nhờ đó mà chúng em đã trang bị được cho mình thật nhiều kiến thức về các di tích, di sản trong và ngoài tỉnh”, thí sinh Nguyễn Ngọc Bảo Hân - Trường Tiểu học và THCS Diên Tân chia sẻ.
Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, đã qua 13 năm hội thi tìm hiểu di sản văn hóa cấp huyện, 3 năm hội thi cấp tỉnh được tổ chức đã thể hiện rõ hiệu quả tuyên truyền về giá trị của các di tích, di sản đến đông đảo học sinh trong tỉnh. Thông qua đó, hun đúc thêm tình yêu, ý thức, trách nhiệm cũng như lòng tự hào về di sản văn hóa đối với thế hệ trẻ. Mỗi lần hội thi diễn ra đều nhận được sự quan tâm, đầu tư của các trường học, địa phương, cũng như sự chuẩn bị kỹ càng của các học sinh. Thông qua việc tham gia hội thi, các trường học, địa phương đã nhân rộng phong trào tìm hiểu về các di tích, di sản văn hóa trong môi trường học đường. Để từ đó, các học sinh thêm yêu những di tích, di sản của đất nước.
Giang Đình
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/201911/them-yeu-di-san-nuoc-nha-8138682/