Theo bà nội về quê ăn Tết

Phần đầu chương 'Theo bà nội về quê ăn Tết' của Nguyễn Thị Minh Thái, in trong 'Sách Tết Quý Mão 2023' do Hồ Anh Thái chủ biên, NXB Văn học và Đông A liên kết phát hành.

 Tranh minh họa: Đặng Tiến.

Tranh minh họa: Đặng Tiến.

Tôi vẫn thường ngoái nhớ thương về một ngày tuổi thơ xa thẳm - từ điểm nhìn hiện tại của tuổi bảy mươi, đang chớm thập niên thứ ba của thế kỷ 21. Đấy là một ngày tết lăng lắc xa, tôi được bà nội dắt hai chị em, chị là tôi bảy tuổi, em giai sát tôi, sáu tuổi, về quê ăn tết. Tôi không nhớ bà nội tỉ tê với bố mẹ tôi thế nào, đã cho cả hai chị em theo bà, từ nhà tôi, ngôi nhà lá cuối ngõ Dã Tượng, Hà Nội, về Thượng Mỗ, Hoài Đức, Hà Đông quê nội ăn tết, nguyên cả ba ngày tết Nguyên đán.

Áo bông chần trong mù sương ký ức tết

Tôi cũng bẵng quên chiếc ô tô nào chở khách hồi xa xăm đó. Chỉ nhớ ba bà cháu xuống xe, đi dăng hàng ba, mỗi đứa một nách bà nội, nói cười ríu rít trên đường đê sớm mùng một tết. Từ bốt Phùng, tôi nhớ tên, vì bà bảo: bốt Phùng đấy, rẽ vào con đê cao, rồi từ đê xuôi xuống, xuyên đồng bãi sông Đáy xanh ngan ngát mía ngô, su hào bắp cải… là đến làng ông nội. Bà chỉ tay: làng ở sau cây hoa gạo kia. Tết về đấy tha hồ chơi nhởi, cả làng sẽ mời bà cháu mình ăn cỗ tết khắp làng. Chả mấy khi về quê ăn tết nhá! Bà cười tươi, khoe hàm răng đen hạt na đã khấp khểnh tuổi già…

Sau này lớn, tôi mới hiểu, ông nội chết trẻ, khi mới ngoài sáu mươi, từ năm Nhâm Dần 1962, bỏ lại bà nội tôi, chính thất, và bà vợ lẽ, với hai dòng con. Dòng một của bà nội tôi bảy con, duy nhất bố tôi là giai, bà âu yếm gọi giai hoi (giai hiếm, như nở một hoa trên một cây). Tôi là con gái cả của bố tôi, và thằng em giai là cháu đích tôn họ nội, được bà nội yêu chiều nhất. Tôi được về quê, có lẽ bà cho tôi “ăn theo” nó…

Khi tôi lớn hơn, khi cả bà tôi và bà trẻ, vợ lẽ ông nội, đã lần lượt về cõi, sum họp với ông tôi nơi suối vàng, tôi mới vỡ lẽ dần dà những chuyện lịch sử riêng tư của gia tộc. Hóa ra ông bà nội tôi vốn là người của hai làng kề cận: ông, làng Thượng Mỗ, bà, làng Thanh Mạc, bà lấy ông, thành dâu Thượng Mỗ. Và chúng tôi đang theo chân bà về làng Thượng Mỗ, Hoài Đức, Hà Đông. Khi ấy, Hà Đông là Hà Đông, Hà Nội là Hà Nội, xa cách và khác biệt nghìn trùng. Có lẽ, theo cách hiểu của bà tôi, thì Hà Nội là thị thành, và Hà Đông là nhà quê, xa thật xa, nhưng là nơi chôn rau cắt rốn, nhất định phải tìm về, phải dắt díu chị em tôi về quê ăn tết năm ấy cho bằng được, để cháu nội biết thế nào là quê nội, là tết quê. Và cũng có thể vì một lý do ngấm ngầm mãi về sau tôi mới vỡ nhẽ. Bà trẻ, vợ lẽ ông nội tôi là đào nương ca trù nức tiếng hát hay ở phố Khâm Thiên Hà thành, giọng ngân rung như chuông, tay gõ phách giòn nẩy, mặt xinh trái xoan, dáng đẹp, tóc dài đen óng đến tận mắt cá chân. Ông nội tôi mê đàn hát, chơi đàn đáy hay nhất nhì vùng Hoài Đức, Hà Đông. Theo bạn đàn, “mê chơi quên quê hương”, bỏ quê lên Hà Nội, Khâm Thiên, chơi đàn đáy cho bà trẻ tôi - đào nương ca trù, rồi phải lòng, theo bà về ấp Thái Hà, lập bà làm “phòng nhì”, bỏ bẵng vợ con nơi làng quê Thượng Mỗ, ở miết với bà trẻ và sinh tiếp ba con dòng hai. Lại được một giai hoi nữa, con út dòng này, sau hai gái nhớn. Hà khắc và khốc liệt ghen tuông, bà nội tôi cấm tiệt các cháu nội gọi giai hoi dòng hai là chú, chỉ được gọi là cậu, theo dòng ngoại. Bà bảo, con vợ lẽ chỉ được gọi thế. Mới sáu bảy tuổi đầu, chị em tôi nào biết “vợ lẽ con thêm” là gì?

Trí nhớ có vẻ suy tàn, tôi vẫn nhớ mồn một cái ngày tết xa xanh ấy, rét cắt ruột, gió trên bờ đê bốt Phùng thổi cuồng phóng. Bà nội tôi đeo chiếc tay nải nâu, đi bộ vượt lên, dẫn đường. Chị em tôi chân sáo theo sau. Tôi kéo tay em giai, hì hụi nhắm theo chiếc áo bông vải chéo go đen nhức của bà, chần ô vuông nhỏ, cổ cao vừa phải, xẻ tà ngắn bên hông, trên đầu bà trùm khăn nhung đen. Áo bông của ba bà cháu đều do mẹ tôi chọn vải, đo cắt, khâu tay để bà cháu có cái diện tết. Ba chiếc áo bông ấm áp di động trên bờ đê cao gió lộng, băng xuống bãi bờ sông Đáy, rồi từ từ băng qua gốc gạo hoa đỏ đầu làng, mất hút sau bóng tre mờ xa của làng ông nội.

… Cứ thế, ba chiếc áo bông lẳng lặng trôi trên đê cao, thấp thoáng ẩn hiện trong màn sương xanh mờ của ký ức tôi, không hiểu sao lại đẫm đầy sương mưa mùa xuân. Và những câu thơ đâu đó đã tự dưng đậu xuống ký ức, nhẹ như bụi mưa: Mưa rơi nhè nhẹ/ trên mái tóc em/ như hạt sương đêm/ đậu trên cành lá/ mưa rơi lả tả/ như bụi phấn mờ/ trên cánh đồng xa/ trời xuân đẹp quá/ em nghiêng bên má/ hứng giọt mưa rơi/ em ngẩng nhìn trời/ trời xuân trắng xóa

Áo bông của tôi mưa nhẹ rơi rơi, vải in hình con nhép xanh cảm giác như lành lạnh. Đê cao, gió mùa đông bắc cứ thổi lồng thách từng đợt, nhưng không một tia gió nào lọt thấu vào thân thể bé nhỏ của chị em tôi và thân thể già lão của bà nội. Có lẽ vì cả ba chiếc áo bông đã được mẹ tôi nhồi bông gạo rất kỹ và còn vương hơi ấm bàn tay khéo khâu vá của mẹ. Bên trong áo bông ba bà cháu là ba tấm áo len cao cổ, thấp cổ, cũng là áo mẹ đan tay, rồi nữa, mũ len và găng tay, tất len cũng thế.

Bà tôi vừa đi vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa kể chuyện bà về làm dâu làng ông nội chúng may (giọng Phùng hay vói lên dấu sắc, luôn cao vút như thất thanh) - kiếp làm dâu chao ôi là cơ cực. Ông chúng may thích đàn hát, đã đành, lại thích rượu chè, ngày nào mâm cơm cũng phải có cút rượu gạo và thức nhắm. Thích nay đây mai đó, lang bạt kỳ hồ, đàn đúm bạn bè hội hè đình đám, khoái nghe chèo cổ, sau mê man ca trù, tự học đàn đáy, ra Thái Hà ấp, phải lòng đào nương là bà trẻ chúng may, rồi lấy làm lẽ, rồi bỏ tao và cô bác chúng may, ở tiệt ngoài ấp Thái Hà, chẳng biết đường biết nẻo mà về quê. Tết nhất cũng vậy. May mà bà ra đón được chúng may về quê.

Bà cứ kể lể, sụt sịt mắt hoe nước và bỗng dứt dòng hồi cố, bởi hai chị em tôi òa lên vui sướng khi về đến đầu làng, họ hàng dòng nội đã ùa nhau ra chào đón. Bà cháu hồ hởi đi từ đầu làng đến cuối làng, ai gặp cũng niềm nở chúc tết, tay bắt mặt mừng, tới tấp mời ăn cỗ tết. Hóa ra con giai ông Hưởng, bà Cõn (tên ông bà nội tôi) phúc đức quá, đẻ cho ông bà nội đến ba cháu giai cơ đấy. A, cậu giai cả, con trưởng đây, còn đây gái cả (là chị em tôi đấy). Người phố Hà Nội có khác, xinh giai xinh gái đáo để, áo bông hoa đẹp ghê là đẹp. Cho đến giờ tôi mới nhớ ra người quê nội tôi nói gì, chứ ngày ấy chỉ thấy giọng ai cũng cao vút, véo von nghe như hát…

Thế là ngày tết nào cũng như ngày nào, cứ đều đều ngày ba bữa cỗ, sáng, trưa và chiều xâm xẩm tối, chúng tôi theo bà đi hết nhà này đến nhà khác trong cái làng đầy người họ hàng xa gần ấy của ông nội. Vì còn bé, và còn rất ham chơi nên chị em tôi ăn không mấy ngon mâm cỗ tết nhà quê hồi đó. Đúng là ăn tết ở làng, “mâm cao cỗ đầy”. Mâm cỗ nhà nào nhà nấy in hệt nhau, ngần ấy món, nào đĩa thịt gà, thịt lợn luộc chặt miếng to, đĩa đầy tú ụ, nào nộm đu đủ, dưa hành muối, canh măng, canh bóng miến, bánh chưng và kết thúc bằng món chè kho, đỗ xanh đồ chín, xay mịn nhỏ ngào đường, lên đĩa đặc quánh mà vàng mơ, xắn ra từng miếng một, uống với trà xanh, và là món đặc sản quê nội. May mà bà nội tôi là dân uống rượu, có lẽ bà uống chả thua gì ông nội, đến nhà nào ăn cỗ, được họ hàng bên chồng mời mọc, bà cứ uống hết chén này chén kia, mà chẳng chối từ. Bà chẳng hề say, lại còn ăn hết thứ mà tôi cùng thằng em vốn không thích, như da gà, bì lợn và thịt mỡ, dưa hành… Bà bảo cứ gắp sang bát cho bà, đừng bỏ mà phí của giời. Bà gật gù dặn dò chúng tôi mấy chữ phải kiêng nói khi chơi tam cúc: Nhớ chưa? Hào thì phải gọi là hìu, xu thì phải gọi là xi, rõ chưa? Tôi hỏi, sao lại phải nói sai thế hả bà, thì bà gắt, lệ ở đây phải kiêng, đấy là tên của các cụ tằng tổ gia tộc này, không được hỏi lôi thôi, cứ phải nghe lời bà. Tất nhiên là hai đứa rối rít vâng dạ, rồi quên ngay, chơi tam cúc cứ hét ời ời, xu xu hào hào và bị bà giận dữ lôi phắt dậy, không cho chơi tam cúc nữa, và ăn mỗi đứa mấy cái cốc đầu đau thật lực. Tôi còn đầy ghen tị khi thấy bà cốc đầu thằng em, vừa nhẹ hơn lại vừa ít hơn tôi, chỉ vì nó là “đít tôn” của bà.

Sau này, khi chiến tranh B52, Mỹ điên cuồng ném bom Hà Nội 1972, bà đem ba em giai tôi sơ tán về Thường Tín, quê ngoại bà. Bố mẹ tôi theo tục quê, mua sẵn cho bà bộ áo quan, để ngay góc buồng của bà, lo trước cho bà ngày trăm tuổi.

Bà vẫn giấu kẹo bi cho riêng thằng cháu “đít tôn” trong cái áo quan sơn đỏ ấy, thi thoảng lại bảo, nóng quá, bà vào nằm ở đây cho mát, rồi lấy kẹo bi dấm dúi đưa riêng cho nó ăn… Cho đến giờ, đã tuổi bảy mươi, em giai tôi vẫn giữ cái thói nghiễm nhiên được chiều, muốn gì được nấy, mà bà nội đã gieo rắc vào tính nết nó từ thuở bé. Biết làm sao cái tôn ti dòng chảy huyết thống ấy vẫn di truyền trong làng quê Việt từ ngày xưa, còn rơi rớt trong gia tộc tôi, đến tận hôm nay?

Thật lòng, con bé bảy tuổi là tôi đã không ấn tượng gì lắm về mâm cỗ tết ở làng ông nội, bởi nhà nào trong làng cũng làm cỗ tết giống hệt nhau, từng đã được đưa vào ca dao tết từ xửa xưa. Đã là tết thì phải đủ món: thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh… Tôi và thằng Hùng em tôi chỉ thầm thì với bà, chúng cháu no rồi, và xin bà cho chơi với những đứa trẻ làng, cùng dây mơ rễ má họ hàng với ông nội chúng tôi. Nào là chơi tam cúc, nào là nhảy dây, nhảy ngựa, sướng nhất là được trẻ làng dìu lên lưng trâu, ôm lưng một đứa anh em họ tên Tí tên Tèo, thằng Cu cái Hĩm, cái Cò cái Vạc… nào đấy, vừa ngồi ngất ngưởng, sợ hãi, vừa cười vang thích thú… Rồi hò nhau ra đồng bãi, trộm mía, bẻ ngô về bếp nướng thơm lừng, ăn luôn hai ba bắp ngô nướng đến no kềnh bụng… Rồi vào vườn nhà ai cũng có vài cây táo, quả chín sai trĩu trịt đầy cành, tha hồ hái ăn, rồi bưởi vàng thơm Canh Diễn, nhà nào cũng cất dành hàng chục quả, núm bôi vôi, xếp dưới gầm chõng hay dưới ban thờ, để sau ăn cỗ mặn thì gọt bưởi hay bày một đĩa táo vườn cho món “đét xe” (tráng miệng, tiếng Pháp bồi rất thông dụng thời bấy giờ, bố tôi hay nói).

Hai chị em tôi hóa ra mê ham chơi trò lạ với trẻ làng, lần đầu được cưỡi trâu, biết con trâu là trâu, da xám đen, con bò là bò, da vàng. Sáng sáng nghe gà trống gáy vang làng và được bà dắt ra tận chuồng gà, nhặt lấy những quả trứng gà trắng hồng, con gà mái mới đẻ xong, cục ta cục tác ầm ĩ. Rồi nghe tiếng chim hót ríu ran từ rặng tre, giật áo bông bà, hỏi dồn, con chim gì đấy bà ơi. Nếu bà bảo để yên bà nhớ xem con se sẻ hay con chèo bẻo hay con chim cu gáy thì khóc ầm lên mè nheo, sao bà không nói, sao bà không nhớ hả bà. Rồi đêm đến, tiếng trống chèo vang vang ngoài đường làng, bà bảo ông nội mà còn sống thì thể nào, ngày xưa, cũng cõng bác Huyền (chị bố tôi) đi xem, chứ chẳng chịu ngồi vậy yên ở nhà…

Thế mới biết về quê với bà chao ôi là sung sướng, được chơi bời hả hê thỏa thích với trẻ trâu làng, trong cái mùa tết xa ngăn ngắt ngon lành ấy.

Nguyễn Minh Thái viết / Hồ Anh Thái chủ biên / NXB Văn học & Đông A

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/theo-ba-noi-ve-que-an-tet-post1395492.html