Theo Bác lòng ta càng vững tin

Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 144-QĐ/TƯ về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Trong bối cảnh đó, chúng ta càng thêm thấm thía, vững tin về tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã hiến dâng cả đời mình cho Tổ quốc, nhân dân, vì độc lập, tự do, vì hòa bình và công lý trên toàn thế giới...

1. Đại hội XIII của Đảng nêu bật khát vọng dân tộc: “Phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đó là mệnh lệnh chính trị của Đảng, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, cùng người dân nêu cao tinh thần yêu nước, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, hiện thực hóa Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Đảng phải tiên phong, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải đứng mũi chịu sào, chấp nhận hứng chịu gian khó trước để dẫn lối quần chúng. Kiến thức khoa học, công nghệ trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi cán bộ, đảng viên, người đứng đầu nỗ lực học hỏi không ngừng; nhưng quan trọng hơn là phải tu dưỡng phẩm chất đạo đức theo Quy định số 144-QĐ/TƯ ngày 9-5-2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Cốt lõi đạo đức cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh là cả cuộc đời phụng sự tổ quốc, phụng sự nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh có các mối quan hệ gia đình, dòng họ, quê hương bản quán, song chưa khi nào để các mối quan hệ đó chi phối, làm ảnh hưởng tiêu cực tới lợi ích của Đảng, của nước, của dân. Tính gương mẫu của Người trong lời nói, bài viết đi đôi với việc làm ở bất kỳ đâu, trong bất kỳ tình huống nào cũng nhất quán nguyên tắc chính trị bất di bất dịch là đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của đồng bào mình, của Đảng ta lên trên hết, trước hết.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đảng cầm quyền luôn được bồi đắp làm nên giá trị đạo đức, giá trị văn minh của Đảng.

Đảng “là văn minh”, vì Đảng tiêu biểu cho trí tuệ của dân tộc, mọi chủ trương, đường lối, quyết sách chiến lược của Đảng phải là sự kết hợp hài hòa giữa lý luận và thực tiễn, kết tinh trí tuệ của Đảng, đáp ứng được nguyện vọng của quần chúng nhân dân, đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, tiến cùng thời đại.

Đảng “là đạo đức”, vì Đảng chiến đấu, hy sinh cho sự nghiệp chung, đem lại độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Đảng gắn bó máu thịt với nhân dân, nên nếu dân đói khổ, rách rưới, bệnh tật, mù chữ, thiếu chỗ ở… đều là lỗi ở Đảng, ở chính quyền. Đảng không cậy quyền cậy thế mà nhũng nhiễu, ức hiếp dân. Đảng phải phụng sự, làm công bộc của dân.

Thấu hiểu những giá trị cốt lõi của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cần phải gương mẫu thực hành đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Khi người đứng đầu gương mẫu thì lẽ tất nhiên cấp dưới sẽ “trông lên” để gìn giữ sự liêm khiết và sửa những lỗi lầm, khuyết điểm, hạn chế của mình, còn người ngoài nhìn vào thấy tin tưởng, đồng thuận, hưởng ứng nhiệt thành với phong trào thi đua yêu nước, một lòng một dạ đi theo Đảng.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chủ động, mạnh dạn sáng tạo mô hình mới, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết liệt xông pha tiến về phía trước thực hiện cho bằng được mục tiêu chung, chống chủ nghĩa cá nhân một cách thực sự ngay với chính bản thân và giúp đồng chí của mình tránh sa vào chủ nghĩa cá nhân, cục bộ. Làm được như thế tức là giữ được lòng dạ trong sáng, chẳng sợ gì bị “gièm pha”.

Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, thái độ ân cần với dân, thấu hiểu lòng dân, chia sẻ, đồng cảm với dân không có nghĩa là “dân túy”, mà là biết thực sự trọng dân, gần dân, lo cho dân, lắng nghe, học hỏi dân.

2. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được phản ánh như gương trong giữa cuộc đời hiện thực nên lòng dân tôn kính Bác vô cùng. Ngày nay, cán bộ ta tuy được nâng cao trình độ, đọc nhiều, nghiên cứu nhiều, viết hay, nói tốt; tuy nhiên, ở đâu đó, lúc nào đó, vẫn có những cán bộ hách dịch với cấp dưới, xa rời nhân dân. Lỗi ấy trước hết là do tự thân cán bộ, đảng viên thiếu rèn luyện, thiếu gương mẫu trong hình thành văn hóa cầm quyền nhưng cũng phải nói tới lỗi của những người ham xu nịnh, tung hô thủ trưởng của mình, ngành mình là “nhất”, địa phương mình là “nhất”, “ngủ quên trên vòng nguyệt quế”. Như thế là thiếu sự cầu thị, bảo thủ, trì trệ; một khi đầu tàu chậm chạp, ì ạch thì làm sao có thể kéo đoàn tàu băng băng về phía trước.

Đảng muốn cầm quyền vững còn phải gìn giữ được “lẫy nỏ thần Kim Qui”, đó là sự đoàn kết trong Đảng. Cán bộ, đảng viên có thể phân tích rạch ròi, luận giải hùng biện tư tưởng Hồ Chí Minh về ý nghĩa và tính tất yếu phải đoàn kết trong Đảng. Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận rằng, không ít cơ sở Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương, ngành nào đó còn để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ, căn nguyên cũng chỉ vì xung đột lợi ích cá nhân, cục bộ, có khi là vì chức tước, có khi vì khen thưởng, nâng bậc lương, điều chuyển công tác, có khi là vì trù úm cá nhân, cũng có khi là vì bị lôi kéo bè cánh vào mục đích hạ bệ người khác.

Những lỗi ấy không lớn nhưng hệ lụy lại khôn lường, vì suốt ngày mất thời gian xử lý đơn kiện, không có tâm trí nghĩ và lo việc chung. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khuyến cáo rằng, đọc thiên kinh vạn quyển mà sống với nhau không có tình, không có nghĩa thì cũng vô ích. Cho nên, đoàn kết hiểu đúng nghĩa chân thiện là biết cùng nhau gánh vác nhiệm vụ chính trị, chia sẻ với nhau trong cuộc sống đời thường. Lời Bác dạy nhuần nhị mà sâu sắc, học và làm theo Bác ắt hẳn mỗi cán bộ, đảng viên và toàn Đảng càng vững tin hơn vào lý tưởng cách mạng mà Người đã xác định, dành trọn cuộc đời phấn đấu, trao truyền cho con cháu mai sau.

Trong cuốn Lịch sử nước ta (viết năm 1941), Chủ tịch Hồ Chí Minh có câu kết: “Dân ta xin nhớ chữ đồng/Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”. Theo lời Bác, cán bộ, đảng viên cần phải thấu hiểu và thực hành đúng với thông điệp lịch sử, chính trị nêu trên, như thế sẽ giữ được đoàn kết trong Đảng, bồi đắp truyền thống yêu nước thương nòi, làm tiền đề củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là trường lũy bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, nâng tầm dân tộc hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/theo-bac-long-ta-cang-vung-tin-669555.html