Theo chân cô giáo ở Cun Pheo thăm học trò nghèo
Xã Cun Pheo là khu vực khu vực giáp ranh của 3 tỉnh (Hòa Bình, Sơn La và Thanh Hóa), điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt. Đường đến cái chữ của nhiều em còn vất vả.
Từ 7:00 sáng, khác với những ngày khác, hôm nay thay vì lên lớp giảng dạy, cô Đinh Thị Yển, giáo viên trường Tiểu học và Trung học cơ sở Cun Pheo ( xã Cun Pheo, huyện Mai Châu, Hòa Bình) đến thăm gia đình các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của trường, của lớp.
Đường từ trường Cun Pheo vào đến xóm Mượt cô phải đi gần 10 cây số, qua con đường mòn với vệt đất loang lổ, nhão bùn vì mưa đầu xuân. Nhìn về phía xa, con đường ngoằn ngoèo như một sợi chỉ dẫn vào trong núi.
Địa chỉ đầu tiên mà cô Yển đến là nhà em Hà Thị Huyền Trinh ở xóm Mượt. Huyền Trinh năm nay học lớp 4 trường Tiểu học và Trung học cơ sở Cun Pheo.
Nhà Huyền Trinh nằm ở ngay sườn dốc lối vào xóm Mượt ngôi nhà nhỏ được xây bằng gỗ từ nhiều năm, nếu đi qua không để ý khó tìm được nhà Trinh bởi nó nhỏ xíu và đường vào chỉ là một vệt của dấu chân người.
Hôm nay, cô Yển vào nhà Trinh để trao đổi với phụ huynh về việc học tập của Trinh, Gia đình Huyền Trinh gần như nghèo nhất xóm Mượt. Gia đình em Trinh thu nhập chính hoàn toàn bằng nghề nông, tiền hằng ngày kiếm ra đều phụ thuộc vào việc có kiếm được sắn, ngô để bán không, có những ngày còn không làm ra thu nhập, chỉ có thể kiếm ăn cho qua bữa.
Bố mẹ Huyền Trinh cố gắng lắm mới có được chiếc điện thoại trị giá vài trăm nghìn, đủ để cho Trinh học trực tuyến.
Khi nhận thông báo học trực tuyến mẹ của em Trinh đã rất băn khoăn, vội gọi cho cô giáo: “Cô ơi bây giờ nhà chỉ có mỗi một chiếc điện thoại, mà điện thoại còn không có mạng, cô xem thế nào giúp các em với lên trường học trực tiếp được không cô”.
Nhà Trinh lại có 2 anh em đi học, bố mẹ Trinh đã rất lo lắng. "Có mỗi chiếc để dùng mà có 2 đứa phải học.
Hiểu được hoàn cảnh của Trinh, nhà trường đã tạo điều kiện hết sức để em không phải dang dở đường đến trường.
Tiền học của Trinh đều được chia nhỏ đóng theo từng đợt một, nhưng gia đình em Trinh có hai người con, mà hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, nên cứ mỗi đợt đóng góp gia đình lại đau đầu suy nghĩ xem làm thế nào để có tiền đóng học cho hai em ăn, học.
Sau khi học trực tuyến được vài ba buổi, nhiều em học sinh khó khăn quá, trường đã tạm thời dừng học trực tuyến. Rất may, đến thời điểm cô Yển đến thăm gia đình Trinh, em đã được đến trường học trực tiếp.
Men tiếp theo con đường mòn ở xóm Mượt, cô Yển đến nhà Bùi Thị Diễm, Diễm học lớp 1A2. Nhà Diễm cũng không khá hơn nhà Trinh khi nhà được làm bằng những miếng gỗ cũ ghép vào để có thể che nắng, che mưa sàn nhà được lợp bằng những miếng tre, nứa.
Gia đình nhà Diễm thuộc hộ nghèo trong xóm,thu nhập gia đình dựa hoàn toàn vào việc cày cấy, có những ngày kiếm không nổi 40.000 đồng vì không đi cấy thuê được.
Mẹ Diễm tâm sự: “có những hôm trời mưa quá cũng phải cố gắng lội ra ruộng để cấy, vì nếu không đi cấy thì lấy đâu ra thóc để ăn, mỗi bữa cơm gia đình cũng chỉ có măng lên đồi kiếm được, còn thi thoảng mới có một bữa thịt để ăn”.
Khó khăn chồng chất khó khăn, khi chị em Diễm bị mắc bệnh tim bẩm sinh, khoảng thời gian đấy gia đình chạy đôn chạy đáo lo sao cho đủ tiền viện phí, hồi ấy gia đình còn phải vay ngân hàng chính sách để lo cho viện phí cho chị của em Diễm, cũng chính vì thương con nên dù gia đình có khăn đến mấy cũng cố gắng lo tiền chạy chữa để cho con được khỏe mạnh đến trường.
Tuy nhà nghèo nhưng Diễm rất ham học hỏi, Diễm là một học sinh có tiếp thu nhanh ở lớp. Diễm được đi thi Trạng Nguyên. Nhà khó khăn, không có thiết bị học tập nhưng Diễm vẫn cố gắng học chữ cẩn thận, Diễm cũng được các thầy, cô trong trường hỗ trợ máy tính, để có thể tiếp xúc và làm quen máy tính trước khi lên đường đi thi”.
Khi được hỏi về ước mơ, cô bé mang trong mình trọng bệnh nhưng vẫn tươi cười chia sẻ ước mơ: “sau này con muốn trở thành cô giáo, để có thể dạy học cho các bạn có hoàn cảnh đặc biệt giống như con, con muốn được dạy học cho mọi người tại nơi con sinh sống”.
Rời xóm Mượt, cô Yển tìm đến căn nhà chênh vênh trên ngọn đồi của xóm Cun. Ngôi nhà ọp ẹp, bước chân vào như chực rơi xuống vực này là nhà của em Lường Thị Lan, học sinh lớp 1A2.
Hoàn cảnh của Lan rất đặc biệt, bố mẹ đi làm xa, để lại Lan ở với ông bà từ khi Lan còn học mẫu giáo. Ông, bà Lan không được bình thường như người ta, nên Lan đã độc lập từ khi 5 tuổi.
Khi vào lớp 1, mỗi sáng thức dậy, Lan phải tự mình chuẩn bị quần áo, sách vở để đến trường. Có những lúc cô Yển thấy học sinh của mình đến lớp với trang phục "lạ" khi cúc cái không thẳng lối, đầu tóc bù xù vội vã. Tuy vây, Lan rất ngoan, lễ phép và rất chịu học.
Điều xa xỉ nhất của Lan có lẽ chính là bữa sáng, nhà cũng chẳng có gì ăn và Lan cũng chẳng có tiền mà ăn sáng. Nhiều buổi học, chỉ đến tầm 10h, Lan đã uể oải không thể học được vì đói.
Lan cũng chẳng có bàn để học tập, chỗ em học chỉ là một miếng gỗ trong xó nhà, tối lờ mờ với bóng đèn leo lét ám muội bếp...
Sau khi đến thăm nhà Lan, các thầy cô giáo ở trường Cun Pheo cũng hỗ trợ đóng bàn cho em để học tập, nhắc nhở ông bà thay bóng để để cho em có góc học tập tốt hơn.
Các thầy cô mỗi người một chút, hỗ trợ Lan được ăn bữa sáng.
Lan chịu khó học, nhưng thiếu đi sự chăm sóc của bố, mẹ việc học lại không được liên tục vì dịch bệnh nên Lan có chậm hơn bạn bè.
Cô Yển bảo rằng: “sau thời gian thầy cô hỗ trợ, Lan đã vui vẻ hơn, hoạt bát, thích nói chuyện với bạn bè hơn, thế nhưng do không được bố, mẹ kèm học từ nhỏ nên đến bây giờ em tập đánh vần vẫn rất chậm, em viết cũng chậm hơn so với bạn bè cùng lớp".
Lan bảo, Lan muốn ở với bố mẹ như các bạn khác, muốn được mẹ mặc áo, chải tóc trước khi đến trường cùng các bạn.