Theo chân công nhân thủy lợi Hà Tĩnh chống hạn, cứu lúa hè thu

11 giờ đêm - chiếc máy bơm dã chiến tưởng chừng chỉ nổ máy là có thể hút nước về cho vùng cao hạn nhất huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Thế nhưng, bùn sụt lún, các cán bộ thủy nông buộc phải kéo máy ra, tìm vị trí khác…

30 ha ruộng lúa ở Sơn Ninh “nứt toác” vì nắng hạn

Đó là công việc đã trở nên quen thuộc của công nhân Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh mỗi mùa hạn về. Nhiều đêm gần đây, họ gần như thức trắng, bằng mọi cách ép nước về để cứu hơn 30 ha lúa hè thu gặp hạn của xã Sơn Ninh (Hương Sơn).

Anh Phan Đình Hoàng, Tổ trưởng Tổ quản lý hồ Cơn Trường, Cụm Thủy nông Hương Sơn là cán bộ được điều động đột xuất để ứng cứu cho khu vực tưới của Trạm bơm Sơn Ninh. Công việc chính của anh là tham gia nạo vét kênh mương, hỗ trợ kỹ thuật bơm dã chiến cứu hạn.

Anh Phan Đình Hoàng được điều động xuống Sơn Ninh để hỗ trợ vận hành máy bơm dã chiến

Anh cho biết: “Bình thường, chúng tôi chịu trách nhiệm quản lý, vận hành theo từng vùng tưới, còn những tháng cao điểm thì cứ có lệnh là đi. Vùng Bàu Eo, Sơn Ninh này đã bỏ không nhiều năm, lún sụt và bèo tây phủ kín nên chúng tôi phải tính toán kỹ lưỡng từ việc ứng cứu tức thời, tính lưu lượng nước bơm, nguồn nước có thể bổ sung bao nhiêu cho đồng ruộng”.

Khổ nhất là vận chuyển máy bơm, nặng và cồng kềnh, đường vào lại khó khăn. Ở vị trí đầu tiên, tổ công nhân ở đây đã phải thua cuộc vì đất sụt lún, kéo máy vào rồi lại kéo ra khiến ai cũng mệt mỏi. “Nếu bỏ cuộc thì đồng nghĩa với việc 30 ha lúa của bà con nông dân có thể hư hại vì thiếu nước.

Thời tiết dự báo còn nắng gắt, trong khi nước từ Trạm bơm Sơn Ninh lại không đẩy về kịp vì đường đi quá xa, lưu lượng không đủ bù đắp sự bốc hơi của nước. Chúng tôi phối hợp cùng với UBND xã làm lại từ đầu, khảo sát tìm vị trí mới để đặt được máy bơm dã chiến” - ông Trần Quang Thanh, Cụm trưởng Cụm Thủy nông Hương Sơn nói thêm.

Trước khi tìm được điểm bơm, cán bộ thủy nông đã phải quăng quật suốt 1 ngày đêm để vận chuyển máy vào vị trí

Từ cánh đồng nơi gần nhất đến hồ Bàu Eo cách nhau khoảng gần 100 m. Thời tiết bức nóng, cái nắng hầm hập đốt trên đầu càng khiến cho những cán bộ như lửa đốt. Nếu nước không bơm được thì chỉ 3- 4 ngày nữa, hàng chục ha lúa sẽ chết héo.

Rồi, nước cũng được bơm lên, hòa vào dòng kênh, mọi gương mặt như giãn ra, vui sướng. Họ chẳng còn có thời gian để bận tâm về mình, cứ thế lao xuống lòng kênh vét rác, sủi cỏ và đào dọn đất đá để không làm cản đường của dòng nước về ruộng.

Nước về...

Toàn bộ xã Sơn Ninh sản xuất 130 ha lúa hè thu, sau khi kết thúc gieo cấy thì hạn hán cũng kéo đến khiến cho 30 ha bị thiếu nước trầm trọng, bà con không thể tỉa dặm đúng quy trình. Không có nước, đất đai nứt nẻ, lúa chuyển màu úa vàng.

Vốn dĩ, toàn bộ diện tích thuộc vùng tưới của Trạm bơm xã Sơn Ninh (do Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh quản lý). Tuy nhiên, nắng nóng gay gắt kéo dài, tuyến kênh dài 4 km chưa kịp đổ nước đủ cho chân ruộng đã khô cạn. Hơn thế, nằm trong vùng tưới rộng lớn, thời điểm này không chỉ có xã Sơn Ninh mà còn khoảng 40 ha ở xã An Hòa Thịnh cũng đang bị hạn hán nghiêm trọng. Nước từ trạm bơm buộc phải chia sẻ cho vùng cuối kênh cao cạn và bất khả kháng.

Vừa bơm nước, công nhân vừa phải khơi thông tuyến kênh cũ

Bà Phan Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh cho biết: “Trong điều kiện nắng hạn căng thẳng, chúng tôi phải thực hiện điều tiết linh hoạt, vừa ép nước công suất tối đa, liên tục, vừa khảo sát nguồn nước bổ sung tại chỗ để bơm dã chiến cứu hạn.

Tại điểm xung yếu Trạm bơm Sơn Ninh, trước đó công ty đã cho nạo vét, khơi thông đáy bể, nới dài ống hút để đảm bảo dẫn nước đầu vào tốt nhất”.

Bà con ra đồng dẫn nước về ruộng, chấm dứt đợt hạn gay gắt

Chúng tôi vẫn nói đùa với các anh chị công nhân thuộc Cụm N1-9 Kẻ Gỗ (Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh) rằng: mùa hạn, công nhân thủy lợi ăn - ngủ trên kênh! Ấy thế mà không nói quá chút nào, với họ, không có ngày lễ, không kỳ nghỉ phép nào trong mùa cao điểm nắng hạn.

Anh Trần Viết Trọng, Cụm trưởng Cụm N1-9 Kẻ Gỗ cho biết: “Từ ngày 22/5, đã 36 ngày nước hồ Kẻ Gỗ liên tục mở thì cũng chừng đó thời gian chúng tôi phải túc trực trên tuyến kênh. Mặc dù năm nay lưu lượng mở lớn hơn, nhưng do nắng hạn gay gắt, chiều dài kênh lớn (12 km) nên vẫn phải tưới luân phiên. Tưới cho xã Thạch Trung thì phải đóng tuyến Thạch Hạ và Thạch Đồng, Thạch Môn và ngược lại”.

Những ngày nắng nóng, những công nhân thủy lợi luôn túc trực trên các tuyến kênh...

Muốn vận hành thông suốt nhất, bắt buộc cán bộ phải chốt chặn cống, dẫn nước về ruộng hợp lý và giải quyết những tranh chấp về nước của người sản xuất. Mùa thả nước, công nhân cũng vất vả hơn trong việc làm vệ sinh mặt kênh, cứ vài giờ lại dùng vợt, ven vớt rác, khơi thông dòng chảy.

...vừa vận hành, vừa làm vệ sinh thông thoáng mặt kênh

Nước đổ về tưới tắm đồng ruộng, đó là lúc những trăn trở của cán bộ thủy nông phần nào giảm bớt. Họ trở về đơn vị, thay phiên nhau nghỉ ngơi, để ngày mai - khi nắng nóng đang còn, họ vẫn còn bền bỉ với cuộc chiến chống hạn…

Nguyễn Oanh

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/nong-nghiep/theo-chan-cong-nhan-thuy-loi-ha-tinh-chong-han-cuu-lua-he-thu/194534.htm