Theo chân ê-kíp trực can thiệp nội mạch cấp cứu thành công bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp

Sau khi tiếp nhận thông tin theo đơn “đặt hàng” từ bác sĩ chuyên khoa 2 (BS CK2) Đinh Minh Đức - Trưởng Khoa Tim mạch - Lão học, Trưởng đơn vị can thiệp nội mạch, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Đồng Tháp, phóng viên Báo Đồng Tháp nhanh chóng có mặt tại Khoa Tim mạch - Lão học, BVĐK Đồng Tháp ghi nhận việc can thiệp nội mạch cho 10 bệnh nhân bị tắc, hẹp mạch vành. Qua đó, các y, bác sĩ của BVĐK Đồng Tháp nói chung, Đơn vị can thiệp nội mạch nói riêng đã nỗ lực, kịp thời cứu sống nhiều bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp.

Ê-kíp thuộc Đơn vị can thiệp nội mạch thuộc Khoa Tim mạch - Lão học (Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp) can thiệp nội mạch cho bệnh nhân L.V.V.

Ê-kíp thuộc Đơn vị can thiệp nội mạch thuộc Khoa Tim mạch - Lão học (Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp) can thiệp nội mạch cho bệnh nhân L.V.V.

“Hồi sinh” những quả tim

Trong không khí tất bật, khẩn trương, đội ngũ y, bác sĩ Đơn vị can thiệp nội mạch cùng với các chuyên gia hỗ trợ chuyên môn đến từ Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM phối hợp rất nhịp nhàng. Trên gương mặt của những người thầy thuốc, bác sĩ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên Đất Sen hồng luôn nở nụ cười thân thiện. Bệnh nhân trong Khoa Tim mạch - Lão học khá đông, nhưng mọi người đều ý thức chấp hành nội quy, giữ trật tự, yên ắng đến lạ. Công tác tư vấn, chuẩn bị tâm lý, vệ sinh cá nhân cho từng bệnh nhân trước can thiệp được thực hiện chu đáo. Tiếp xúc với chúng tôi, tất cả các bệnh nhân và thân nhân đều tỏ rõ sự hài lòng và tin tưởng vào chuyên môn của y, bác sĩ.

Lúc 7 giờ 30 phút ngày 16/9/2024, bệnh nhân đầu tiên được đưa vào Phòng can thiệp DSA để chụp và can thiệp mạch vành thành công. Rồi đến lượt bệnh nhân thứ 2, thứ 3, thứ 4 thành công, những quả tim “lỗi nhịp” được “hồi sinh” một cách kỳ diệu trong niềm vui vỡ òa của cả thầy thuốc, bệnh nhân và thân nhân người bệnh. Các bác sĩ làm việc rất khẩn trương, nghiêm túc, nhưng cũng hết sức thân tình, cởi mở. Ê-kíp tiến hành can thiệp cẩn trọng, tỉ mỉ từ thao tác, đảm bảo an toàn, chính xác. Bác sĩ làm việc liên tục, dường như không mệt mỏi, không nghỉ trưa, mà chỉ chia nhau luân phiên ăn cơm hộp tại chỗ để tiết kiệm tối đa thời gian chờ đợi của bệnh nhân.

Hình ảnh DSA của một bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim do bị tắc hoàn toàn LAD I được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp

Hình ảnh DSA của một bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim do bị tắc hoàn toàn LAD I được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp

Khoảng 14 giờ 30 phút ngày 16/9/2024, khi bệnh nhân thứ 5 vừa được can thiệp thành công, chuẩn bị đến bệnh nhân thứ 6, thì một tình huống khẩn cấp được báo cáo. Một nam bệnh nhân L.V.V. (53 tuổi, ngụ xã Long Khánh B, huyện Hồng Ngự), bị nhồi máu cơ tim cấp, nguy kịch, vừa được tuyến dưới chuyển đến trong tình trạng đau ngực dữ dội và không có thân nhân đi cùng. Các bác sĩ khẩn trương thăm khám, chỉ định các cận lâm sàng cần thiết và hội chẩn xác định bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên thành trước giờ thứ 6 Killip I cần can thiệp nội mạch khẩn cấp, nếu chậm trễ có thể đe dọa tính mạng.

BS CK2 Tạ Tùng Lâm - Giám đốc BVĐK Đồng Tháp đã chỉ đạo ê-kíp can thiệp nội mạch khẩn cấp cho bệnh nhân L.V.V. mà không phải chờ thân nhân người bệnh. Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển đến Phòng can thiệp DSA, Đơn vị can thiệp nội mạch (Khoa Tim mạch - Lão học) để tiến hành thông mạch vành cấp cứu. Kết quả chụp mạch vành xác định bệnh nhân bị tắc hoàn toàn LAD I, hẹp dài lan tỏa 80% RCA I-II-III và được chỉ định đặt stent mạch vành thành công. Sau 17 phút, vị trí mạch vành tắc, hẹp được tái lưu thông, cơ tim được tái tưới máu, bệnh nhân tỉnh táo, giảm đau ngực, sinh hiệu ổn và qua cơn nguy kịch.

Bác sĩ Chuyên khoa 2 Đinh Minh Đức - Trưởng Khoa Tim mạch - Lão học, Trưởng đơn vị can thiệp nội mạch, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp thăm khám bệnh nhân sau hậu phẫu

Bác sĩ Chuyên khoa 2 Đinh Minh Đức - Trưởng Khoa Tim mạch - Lão học, Trưởng đơn vị can thiệp nội mạch, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp thăm khám bệnh nhân sau hậu phẫu

Tranh thủ “giờ vàng” trong điều trị nhồi máu cơ tim

Khi bệnh nhân L.V.V. qua cơn nguy kịch, ê-kíp bác sĩ của Đơn vị can thiệp nội mạch ngay lập tức bắt tay can thiệp cho các bệnh nhân còn lại. Ca bệnh cuối cùng được can thiệp trong ngày là bệnh nhân thứ 11, kết thúc thành công cũng là lúc màn đêm buông xuống. Các chuyên gia của Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM vội vã lên đường về TP HCM để kịp ca làm việc sáng mai. Tiếp chúng tôi sau 1 ngày làm việc cật lực, hiệu quả, với hơn chục quả tim được hồi sinh, bác sĩ Đinh Minh Kha - Trưởng ê-kíp can thiệp nội mạch, tâm sự: “Chúng em thật sự không thấy mệt khi thấy nhiều bệnh nhân khỏe lại!”

BS CK2 Đinh Minh Đức - Trưởng Khoa Nội Tim mạch - Lão học, Trưởng Đơn vị can thiệp nội mạch, BVĐK Đồng Tháp cho biết: “Can thiệp tim mạch, chụp và can thiệp mạch vành qua da là một kỹ thuật cao, sử dụng các dụng cụ chuyên dụng luồn vào lòng mạch tới vị trí mạch máu bị tắc, hẹp làm khôi phục dòng chảy trong lòng mạch, tái tưới máu cơ tim. Triệu chứng điển hình nhất của nhồi máu cơ tim là đột ngột đau ở ngực trái hoặc giữa ngực, sau xương ức. Khởi phát sau gắng sức, xúc cảm mạnh, hoặc gặp lạnh, cảm giác đau như bị chèn ép, bóp chặt vùng tim, cơn đau thường kéo dài trên 20 phút, đau có thể lan cả lên vai, cổ, hàm hoặc lan dọc theo cánh tay, đặc biệt là bên tay trái. Có trường hợp nhồi máu cơ tim lại biểu hiện như một tình trạng rối loạn tiêu hóa, đau vùng thượng vị. Người bị nhồi máu cơ tim cần được tái lưu thông mạch máu nuôi tim càng sớm càng tốt nhằm hạn chế tế bào cơ tim bị tổn thương và hoại tử, dẫn đến biến chứng nặng nề hoặc tử vong”.

Ngay khi cơ thể có dấu hiệu nêu trên, người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch can thiệp để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời. Ngoài ra, người dân nên bỏ thói quen hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, tập thể dục thường xuyên, không để cơ thể béo phì, giữ cân nặng hợp lý, tránh những căng thẳng tâm lý, điều trị tốt các bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, điều chỉnh rối loạn lipide máu... là các yếu tố nguy cơ thúc đẩy nhồi máu cơ tim. Theo BS CK2 Tạ Tùng Lâm - Giám đốc BVĐK Đồng Tháp, trước khi bệnh viện triển khai can thiệp mạch vành, trung bình mỗi ngày, bệnh viện phải chuyển tuyến trên 4 - 5 bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp. Do quãng đường chuyển viện khá xa, cộng với phần lớn bệnh nhân đến viện trễ nên mất khá nhiều thời gian, lỡ mất giờ vàng trong điều trị nhồi máu cơ tim cấp bằng liệu pháp tái tưới máu hiện đại như can thiệp mạch vành qua da (PCI), dẫn đến nguy cơ tử vong cao. Một số trường hợp cứu sống được nhưng cơ tim đã bị tổn thương, hoại tử, dẫn đến suy tim, rối loạn nhịp tim...

Trước đó, ngày 22/5/2024, BVĐK Đồng Tháp triển khai can thiệp mạch vành dưới sự hỗ trợ chuyên môn từ các chuyên gia của Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, giúp người dân không phải đi điều trị tuyến trên, lỡ mất giờ vàng, tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí điều trị. Đến nay, BVĐK Đồng Tháp đã chụp mạch vành, đặt stent mạch vành thành công cho gần 170 bệnh nhân, nghĩa là đã có ngần ấy quả tim được hồi sinh nhờ bàn tay vàng của những thầy thuốc Đất Sen hồng.

Tiến Đạt - Duy Đông

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/suc-khoe/theo-chan-e-kip-truc-can-thiep-noi-mach-cap-cuu-thanh-cong-benh-nhan-nhoi-mau-co-tim-cap-125739.aspx