Theo chân người nuôi vịt chạy đồng
Hôm nay ở đây, mai mốt dời đi địa phương khác là chuyện thường xuyên ở ruộng của những người làm nghề nuôi vịt chạy đồng. Nghề nào cũng có sự vất vả và niềm vui riêng của nó, nhưng đối với nghề nuôi vịt chạy đồng đã vận vào họ như một cái nghiệp không thể bỏ được.
Ăn bờ ngủ bụi
Trong một buổi chiều của tháng 9, chúng tôi có dịp theo các anh chăn vịt trên những cánh đồng mênh mông thuộc ấp Thọ Hòa Đông A, xã Phú Tâm, huyện Châu Thành (Sóc Trăng). Len lỏi giữa cánh đồng là những đốm trắng di động của những con vịt chạy đồng của anh Nguyễn Văn Triều, quê ở xã An Mỹ, huyện Kế Sách (Sóc Trăng). Thấy chúng tôi là khách lạ mà tò mò về cuộc mưu sinh "ăn bờ ngủ bụi", anh Triều tâm sự: “Nghề nuôi và chăn vịt chạy đồng di chuyển khắp nơi, mai ở đây, vài tuần sau lại đi nơi khác. Biết chỗ nào “cò đồng” báo tin cho hay là sắp xếp thời gian lên đường, dựng căn lều tạm ăn ở, sinh hoạt tại đó. Hiện đàn vịt đẻ của tôi hơn 4.000 con, mỗi đêm cũng thu hoạch được hơn 3.000 quả trứng. Với nghề này tuy vất vả, bấp bênh, đồng ruộng, liếp vườn là nhà, bầy vịt là tài sản… cứ thế mà theo nó, nhưng có thu nhập đều đặn, nuôi con cái ăn học đến nơi đến chốn, tôi cảm thấy vui và hạnh phúc lắm rồi”.
Theo anh Triều, thức ăn chính của chúng là lúa còn sót lại sau thu hoạch của các hộ dân, hay các loại ốc bươu vàng, trứng ốc... nên người nuôi cứ phải theo con vịt ra đồng. Mặc cho mưa to, gió lớn, giông sét hay trời nắng, người chăn vịt cũng không dám rời mắt khỏi đàn vịt. Người chăn vịt lúc nào cũng suốt ngày lội dưới bùn lầy, ngâm dưới nước... Tối đến, người chăn vịt phải nằm ngủ dưới đất, mùa nắng còn đỡ, mưa đến sân ẩm ướt càng lạnh hơn.
Chiều về nơi trú ẩn
Cuộc sống lang thang chọn nghề chăn vịt cứ nay đây mai đó, có nhà cũng chẳng ở được bao nhiêu, suốt ngày ăn bờ ngủ bụi với đàn vịt. Để đến căn lều tạm của gia đình anh Nguyễn Văn Triều, chúng tôi tiếp tục men theo con đường dân sinh nhỏ gập ghềnh trên bờ kênh. Căn lều của anh nằm cách ngã tư con kênh lớn, nước thì đang dâng cao, chúng tôi phải lụy một chuyến đò của anh thanh niên vùng quê tên Luân. Khi biết chúng tôi muốn qua bờ kênh bên kia, anh Luân lấy chiếc vỏ lãi cỡ nhỏ của mình chạy theo dòng nước để đưa đến đó. Trước mặt chúng tôi là căn lều dựng tạm để sinh hoạt hàng ngày, cũng là nơi dành cho đàn vịt trú đẻ trứng. Khi tìm hiểu, hành trang của họ mang theo chỉ vài bộ quần áo, bếp, xoong nồi, chén đũa, ít gạo, cá khô... Vịt đi tới đâu, người chăn nuôi cắm căn lều ăn ngủ ở đó.
Khi lùa đàn vịt vô trại xong, anh Nguyễn Văn Triều chia sẻ: “Gia đình tôi gắn bó với nghề nuôi vịt chạy đồng đã hơn 20 năm nay. Lúc đầu mới làm quen với đàn vịt, tôi chỉ nuôi có 700 con. Những năm sau đó, tôi mới phát triển đàn vịt lên đến hơn 4.000 con. Làm nghề này, phải chấp nhận sống rày đây mai đó, ăn bờ ngủ bụi, sống xa nhà thời gian dài, kể cả rủi ro, đổi lại thời điểm thu hoạch trứng trúng thì mê lắm, quên mọi cực nhọc. Cứ mỗi sáng sớm khoảng 3 giờ, cả nhà thức dậy, nhìn vào căn lều nơi vịt trú đẻ, thấy hàng ngàn quả trứng vịt trắng như những cục nấm nằm la liệt trên mặt rạ, cùng nhau lượm trứng đến khoảng 4 giờ bắt đầu đổ thức ăn cho đàn vịt. Đến khoảng 7 giờ sáng, bắt đầu thả vịt ra đồng kiếm ăn”.
Chị Từ Lệ Hồng (vợ anh Triều) phấn khởi cho biết: “Hôm nay, đàn vịt cho thu hoạch cũng khá, số lượng trứng cũng ổn định, với hơn 3.000 quả trứng. Đây cũng là một tín hiệu vui”.
Vận chuyển liên tỉnh tìm đồng
Nghề này vất vả lắm, nhất là thời điểm vận chuyển vịt đi liên tỉnh hoặc địa phương khác tìm đồng cho chúng ăn, gặp đồng trúng còn nhiều lúa rài, ốc, cá thì chúng ăn no nê, đẻ nhiều trứng, còn không đủ thức ăn thì thất thu. Anh Nguyễn Văn Triều bộc bạch: “Mỗi lần vận chuyển đàn vịt đi địa phương khác tìm đồng, thì lượng trứng cũng hụt theo và mất thời gian khoảng 1 tuần vịt mới đẻ lại như bình thường. Mỗi năm, gia đình tôi dẫn đàn vịt của mình về đến một số địa phương của thành phố Cần Thơ, hay huyện Thoại Sơn (An Giang). Trước khi vận chuyển đi, “cò đồng” báo về ở đó có đồng rộng khoảng 1.500 công. Đến đó, cắm căn lều tạm ở vài tuần, có khi lên đến hơn 2 - 3 tháng mới di chuyển đến nơi khác. Khi hết đồng, quay lại đón đồng ở các địa phương trong tỉnh. Dù đi xứ lạ, nhưng an ninh cũng ổn định. Cứ vài ba hôm, thương lái theo đến tận nơi thu mua một lần được khoảng hơn 10.000 trứng. Sau khi trừ các chi phí, gia đình tôi vẫn còn lời”.
Với nghề nuôi vịt chạy đồng dù gặp rủi ro, khó khăn, nhưng gia đình anh Triều vẫn gắn bó với nghiệp của mình. Theo tâm sự của anh Triều, nghề nào cũng vất vả và có đặc thù riêng nên phải bám lấy nó, yêu nó mới có cái ăn. Nhờ theo nghề nuôi vịt chạy đồng, mà cuộc sống gia đình anh có phần khấm khá hơn trước.