Theo chân những người giữ Voọc

Anh Quan Văn Tuyển, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Nà Muông, xã Khuôn Hà (Lâm Bình), Trưởng nhóm Bảo tồn cộng đồng và lực lượng kiểm lâm thuộc Trạm Kiểm lâm xã Thượng Lâm đánh thức chúng tôi từ 5 giờ sáng để lên rừng. Anh bảo: 'Một là phải đi thật sớm, hai là phải 'mai phục chờ trời nhá nhem tối mới gặp được Voọc. Tuy nhiên không phải cứ đi là gặp được đâu. Còn phải do may rủi nữa'.

Họ, những cán bộ kiểm lâm và người dân nơi đây vẫn ngày đêm không quản ngại khó khăn, vất vả giữ gìn và bảo vệ loài Voọc đen má trắng, loài động vật nằm trong danh mục quý hiếm cần được bảo vệ trên thế giới ngày càng phát triển.

Những con người gắn bó với công việc bảo tồn Voọc

Chúng tôi theo chân những cán bộ kiểm lâm và các thành viên trong nhóm Bảo tồn cộng đồng do Tổ chức Con người, tài nguyên và bảo tồn (PRCF) thành lập và hỗ trợ men theo những con đường mòn dựng đứng lên rừng. Trước khi đi, chúng tôi luôn được nhắc nhở phải giữ trật tự để Voọc không bị động. Anh Tuyển nhìn sương giăng trên đỉnh núi Lũng Nhòi, dự báo: “Hôm nay khó gặp được Voọc đấy”.

Cả đoàn vừa đi vừa chốc chốc lại dừng lại lắng nghe, quan sát theo chỉ đạo của anh Tuyển để phát hiện tiếng động từ Voọc trên dãy núi cao trước mặt. Anh Tuyển tham gia nhóm Bảo tồn cộng đồng đến nay đã được 7 năm. Anh được cán bộ kiểm lâm gọi vui là Tuyển “Voọc”.

Từng ấy năm anh Tuyển tham gia công tác bảo tồn loài Voọc đen má trắng, anh không những thông thạo từng khu vực có Voọc, nắm được đặc tính loài Voọc mà còn gắn bó và yêu quý loài động vật này. Anh Tuyển bảo, mỗi tháng anh và các thành viên trong nhóm đi tuần tra, nắm tình hình về Voọc 10 ngày. Việc tuần tra được giám sát chặt chẽ nhờ sử dụng máy GPS và phần mềm SMART. Vì vậy, hàng tháng, các anh phải báo cáo về Hạt Kiểm lâm số lượng của từng cá thể Voọc.

Cán bộ Trạm kiểm lâm Thượng Lâm và các thành viên trong nhóm Bảo tồn đi tuần tra bảo vệ Voọc.

Cán bộ Trạm kiểm lâm Thượng Lâm và các thành viên trong nhóm Bảo tồn đi tuần tra bảo vệ Voọc.

Để thấy được Voọc thì những cán bộ kiểm lâm và các thành viên trong nhóm phải trông chờ vào thời tiết và chọn đúng thời điểm. Thậm chí phải mai phục, ăn nằm trên rừng chờ đợi. Vật dụng mang theo ngoài máy ảnh, ống nhòm còn có cả Bi-đông nước và cơm nắm, muối lạc. Anh Tuyển bảo, dọc theo dãy núi Lũng Nhòi, hiện nhóm của anh đang quản lý 46 cá thể Voọc đen má trắng. Nhiều khi phải thống kê số lượng Voọc, những thành viên như anh Tuyển phải mắc võng ngủ trong rừng, trong hang đá. Nếu đi từ sáng sớm không gặp được Voọc thì bắt buộc phải chờ đến tối. Đây là thời điểm Voọc trở về hang.

Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Thượng Lâm Nguyễn Lê Đoàn cũng là người gắn bó nhiều năm với công tác bảo tồn Voọc. Anh bảo, cán bộ Trạm luôn phối hợp chặt chẽ với các thành viên của nhóm không chỉ trong công tác tuần tra, phát hiện, ngăn chặn các dấu hiệu săn bắt mà còn thường xuyên tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo tồn loài Voọc đen má trắng. Việc bảo tồn Voọc rất vất vả, muốn gặp được phải đi rất xa, đường rừng cheo leo. Nhiều đêm ngày phải ăn nằm ở rừng sâu, hang núi để gặp Voọc. Những ngày ở rừng sâu sợ nhất là gặp phải trời mưa, sấm sét…

Chúng tôi đi bộ khoảng 5km đường rừng với 2 tiếng đồng hồ thì anh Tuyển ra hiệu cho cả đoàn dừng lại. Tất cả im lặng rồi chúng tôi bắt đầu nghe thấy tiếng động phát ra từ vách núi đá. Hướng đôi mắt về phía trước, tôi phát hiện ra những bóng đen đang truyền từ cây này sang cây kia. Anh Tuyển bảo tôi "Voọc đấy!", rồi khuôn mặt anh bừng lên niềm vui. Tôi có cảm giác mọi vất vả đường rừng bỗng tan biến trên khuôn mặt anh và những cán bộ kiểm lâm trong đoàn.

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Bình, hiện nay, toàn huyện có 7 nhóm Bảo vệ cộng đồng với 19 thành viên tham gia ở 2 xã Khuôn Hà và Thượng Lâm. Mức hỗ trợ mỗi thành viên là 1.800.000 đồng/tháng. Với mức hỗ trợ ít ỏi, công việc khá vất vả như vậy, song, các thành viên trong nhóm đều là người dân bản địa nhiệt tình, có trách nhiệm với công việc, thông thạo địa hình. Họ chính là lực lượng nòng cốt cùng với lực lượng kiểm lâm bảo tồn loài Voọc đen má trắng.

Niềm vui khi thấy Voọc

Khi cả đoàn chúng tôi nhìn thấy Voọc, mọi người đều im lặng quan sát nhưng ai nấy đều không giấu nổi niềm vui. Sau một chặng đường dài mỏi chân, chùn gối, cuối cùng cúng tôi cũng nhìn thấy Voọc.

Các cá thể Voọc đi tìm thức ăn trên ngọn cây thuộc khu vực núi Lũng Nhòi, xã Khuôn Hà (Lâm Bình). Ảnh do Tổ chức con người, tài nguyên và bảo tồn (Tổ chức PRCF) cung cấp.

Các cá thể Voọc đi tìm thức ăn trên ngọn cây thuộc khu vực núi Lũng Nhòi, xã Khuôn Hà (Lâm Bình). Ảnh do Tổ chức con người, tài nguyên và bảo tồn (Tổ chức PRCF) cung cấp.

Câu chuyện về Voọc cũng khá thú vị. Theo số liệu của Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Bình, nếu như năm 2011, toàn huyện có 56 cá thể Voọc đen má trắng thì đến tháng 4-2019, con số này đã lên tới 121 cá thể với 12 đàn. Voọc sinh sống ở 10 tuyến/24 tuyến tuần tra bảo vệ rừng của kiểm lâm. Voọc đen má trắng thuộc loài linh trưởng, chúng rất thích ăn chồi non lá cây, nhất là lá cây Dưỡng và lá Muồng, vì đây là những loại lá cây rất mềm. Mùa thức ăn dồi dào nhất cho Voọc từ tháng 3 đến tháng 5 dương lịch hàng năm. Voọc đen má trắng sinh sống theo bầy đàn và thường có một con đứng đầu. Chúng cũng phân chia khu vực sinh sống theo bầy đàn và các bầy đàn tuân thủ nguyên tắc không xâm phạm lãnh thổ của nhau.

Anh Tuyển cho biết, từng đấy năm tham gia công tác bảo tồn Voọc, điều khiến anh vui nhất là được nhìn thấy Voọc, nhất là khi chúng nô đùa, nghịch ngợm trên cây, trên những vách núi đá vôi. Những lúc chúng đi ăn về hang khi trời tối cũng rất thú vị. Thường thì có con đầu đàn về trước, nếu quan sát thấy an toàn chúng mới ra hiệu cho các con khác về hang.

Cán bộ kiểm lâm Trạm Kiểm lâm Thượng Lâm kiểm tra các dấu vết trên đường tuần tra.

Cán bộ kiểm lâm Trạm Kiểm lâm Thượng Lâm kiểm tra các dấu vết trên đường tuần tra.

Anh Hoàng Văn Chưởng, thành viên nhóm Bảo tồn cho biết, anh tham gia công tác bảo tồn từ năm 2016 đến nay. Anh cho biết: “Có những chuyến đi mất cả ngày trời cũng không gặp được Voọc đâu. Muốn gặp được hầu như phải ngủ lại rừng. Vui nhất là được quan sát chúng leo trèo, nghịch ngợm. Quan sát chúng cũng phải rất cẩn thận, không được gây ra tiếng động. Vì thế chúng tôi thường phải giữ im lặng và đi thật nhẹ nhàng”. Anh Chưởng nhớ lại, có một lần cả nhóm đi tuần tra mất một ngày trời đi sâu vào trong rừng. Nhưng cũng chẳng gặp được Voọc. Mọi người rút xuống núi mà khuôn mặt ai nấy đều buồn bã, chẳng ai nói với ai câu gì.

Có lẽ những vất vả của người làm công tác bảo tồn Voọc được bù đắp bằng chính những khoảnh khắc được thấy những cá thể Voọc khỏe mạnh, sinh trưởng và ngày càng phát triển. Anh Chưởng cũng như những thành viên khác đều mong muốn Dự án bảo tồn loài Voọc đen má trắng dựa vào cộng đồng tại huyện Lâm Bình tiếp tục nhận được sự quan tâm của tỉnh để những người dân địa phương như anh tuy vất vả nhưng rất vui vì được đóng góp công sức bảo vệ loài động vật quý hiếm của thế giới tại địa phương.

Hình ảnh đàn Voọc đen má trắng đang tìm thức ăn trên ngọn cây rừng tại khu vực núi Lũng Nhòi, xã Khuôn Hà.

Thủy Châu

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/theo-chan-nhung-nguoi-giu-vooc-121346.html