Theo chân những thanh niên thức trắng đêm vá xe miễn phí, đưa 'ma men' về nhà
Khi màn đêm buông xuống, những thanh niên thuộc đội Hỗ trợ nhân dân quận Bình Tân gác lại niềm vui riêng để cùng nhau ra đường, tình nguyện hỗ trợ người dân trên hành trình trở về giữa đêm muộn. Họ sẵn sàng giúp người say xỉn trở về nhà an toàn, kịp thời sơ cấp cứu, đưa người gặp tai nạn vào bệnh viện, tìm kiếm, đưa người đi lạc về nhà, vá xe miễn phí…
Vừa kết thúc chuyến hỗ trợ người dân về đêm, anh Lê Trường Hải, Phó Chủ nhiệm đội Hỗ trợ nhân quận Bình Tân háo hức "khoe" với PV báo Người Đưa Tin.
Anh cho biết, đội vừa nhận được Quyết định về việc thành lập đội Hỗ trợ nhân dân quận Bình Tân của ủy ban hội Liên hiệp Thanh Niên Việt Nam quận Bình Tân.
"Với quyết định này, đội đã trực thuộc một cơ quan hành chính sự nghiệp. Chúng tôi tự hào hoạt động theo quy chế của hội Liên hiệp thanh niên quận Bình Tân", anh Hải chia sẻ.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, những việc làm thầm lặng, hỗ trợ cộng đồng của đội đã sớm phủ khắp quận Bình Tân, TP.HCM.
Mỗi khi đêm về, người dân quận Bình Tân lại quen thuộc với hình ảnh những thanh niên mặc đồng phục, rong ruổi trên các tuyến đường thường xuyên xảy ra tai nạn để hỗ trợ người dân gặp sự cố.
Trao đổi về các hoạt động của đội, anh Nguyễn Thanh Hiền, Chủ nhiệm đội Hỗ trợ nhân dân quận Bình Tân cho biết, đội thường giúp đỡ người dân gặp sự cố trong đêm như: Hư xe, gặp tai nạn, say xỉn, người đi lạc, cảnh báo, phát giác tệ nạn xã hội...
"Bản chất công việc hỗ trợ của đội không có gì gọi là nguy hiểm. Công việc này chỉ tạm gọi là vất vả vào dịp lễ hội hoặc có sự kiện gì đó làm cho người dân ra đường nhiều vào buổi tối. Những thời điểm như vậy, đội hỗ trợ không kịp khi liên tục nhận được các cuộc gọi của người dân thông báo về việc bị hư xe, gặp tai nạn, say xỉn trên đường,….", anh Hiền thông tin thêm.
Tuy nhiên, các thành viên của đội đều khẳng định, việc hỗ trợ người dân về đêm vất vả hơn cả là khi tiếp xúc, giúp đỡ những người say xỉn.
Những trường hợp trên, người gặp sự cố thường có suy nghĩ các thành viên của đội tiếp cận họ để lợi dụng hoặc trộm cắp tài sản,… Một số trường hợp lại có phản ứng khá gay gắt khi chửi bới, lăng mạ thành viên của đội.
Tuy nhiên, bản thân các thành viên đã xác định họ đang say xỉn nên luôn giữ thái độ bình tĩnh, không tức giận khi tiếp cận, hỗ trợ.
Theo anh Hiền, để có thể làm tốt công việc thiện nguyện đầy nhân văn trên, các thành viên của đội cũng phải đi học.
Các thành viên điều được trang bị kiến thức sơ cấp cứu thông qua hoạt động của hội Liên hiệp thanh niên quận kết hợp với phường. Ngoài ra, lực lượng PCCC quận Bình Tân cũng hỗ trợ đội tập huấn về cứu hộ cứu nạn.
Mặc dù được tập huấn, có kỹ năng nhất định trong việc sơ cấp cứu, tuy nhiên, đôi lúc các thành viên cũng rơi vào các trường hợp "dở khóc, dở cười" trên hành trình thiện nguyện của mình.
Anh Hiền kể: "Kỷ niệm đáng nhớ nhất của đội là lần hỗ trợ cho một bạn nữ bị ngã xe trong đêm. Lần đó đúng vào dịp sinh nhật của tôi.
Trong lúc anh em đang mừng sinh nhật tôi, thì có một cô gái đang di chuyển trên đường rồi tự té ngã và bị thương khá nặng. Khi đến hỗ trợ, các thành viên trong đội thấy quần áo cô gái bị rách nhiều chỗ khá tế nhị”.
“Đội toàn thành viên nam mà nạn nhân là nữ nên cũng gặp không ít khó khăn trong việc hỗ trợ, sơ cứu. Lúc này, anh em lấy áo khoác của mình che lên cơ thể cô gái rồi thực hiện việc sơ cứu.
Dù cảm thấy rất ngại nhưng vì sự an toàn của cô gái, anh em cũng cố gắng sơ cứu rồi đưa nạn nhân đến bệnh viện”, anh Hiền thông tin thêm.
Cũng theo anh Hiền, những sự việc như trên chưa phải là rào cản, trở ngại lớn trong việc đảm bảo an toàn cho người dân di chuyển trên đường trong đêm.
Như lời anh nói, khó khăn nhất vẫn là việc các thành viên của đội nhiều lúc "phải xem mặt người khác" để hỗ trợ người gặp sự cố.
Anh cho biết, nhiều lần anh và các thành viên bị vu oan là cố tình tiếp cận người gặp tai nạn để trộm cắp tài sản, làm việc thiện để đánh bóng tên tuổi,...
Thậm chí, đội từng bị các tiệm sửa xe đe dọa, tìm cách kích bác vì bị cho là "dành miếng ăn" của họ trong đêm.
Anh kể: “Có một lần, các thành viên vá xe hỗ trợ cho người dân tại khu vực cổng khu Công nghiệp Vĩnh Lộc. Vì không để ý nên các anh không biết gần đó có một tiệm sửa xe còn mở cửa nên trực tiếp vá xe cho người dân. Vá xong, chủ tiệm này sang nói đội giật chén cơm của họ”.
“Phần lớn khi đi hỗ trợ người dân bị hỏng xe dọc đường, nếu đội biết gần đó có tiệm sửa xe, đội luôn đưa người dân đến đó sửa chữa. Tuy nhiên, lần này, đội không chú ý nên bị hiểu lầm.
Thực tế, đội vá xe, sửa chữa cơ bản cho người gặp sự cố hoàn toàn miễn phí nhưng người không hiểu lại cho rằng, đội đi sửa chữa lưu động để lấy tiền, làm ảnh hưởng đến công việc mưu sinh của họ”, anh Hiền thông tin thêm.
Cũng theo anh Hiền, đáng buồn hơn, có nhiều cá nhân còn lợi dụng hình ảnh, uy tín của đội để phục vụ cho việc làm sai trái, vi phạm pháp luật. Điều này khiến tinh thần của các thành viên ít nhiều bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, với tôn chỉ “vàng thật không sợ lửa”, các thành viên đều vượt qua và nhận được niềm tin từ người dân, chính quyền địa phương.
Chia sẻ về kỷ niệm buồn trên, anh Hiền nói: “Đó là lần đang đi tuần thì phát hiện một bạn say quá ngủ luôn trên lan can cầu Bình Thuận.
Lúc này có một nhóm người đến tự xưng là thành viên đội Hỗ trợ nhân dân quận Bình Tân rồi yêu cầu bạn này đưa giấy tờ ra để kiểm tra”.
“Bạn này tin tưởng nên đưa cái ví có tiền, giấy tờ cho những người này xem. Không ngờ nhóm này lấy luôn cái ví này của người thanh niên kia.
Sau khi tỉnh táo người này di chuyển về nhà, trên đường đi, anh ta gặp một chốt giao thông nên vào trình báo bị đội trấn lột tiền bạc, giấy tờ.
Lúc này, đội cũng vừa đi tuần đến vị trí này và bị các đồng chí công an nói giữ lại nói là có người trình báo đội trấn lột tài sản của họ”, anh Hiền kể thêm.
Trước thông tin trên, các thành viên đội vô cùng bất ngờ và buồn. Để giải quyết, anh Hiền đã để lại số điện thoại cá nhân, yêu cầu người bị hại đến đối chất bất cứ lúc nào.
Sau đó, anh và các thành viên trong đội được giải oan. Vượt qua nhiều thử thách, cuối cùng, đội đã được người dân tin yên, chính quyền địa phương công nhận.