Theo chân y tế lưu động đến chăm sóc F0 tại nhà ở Bình Dương
Không kể ngày nắng đêm mưa, cứ sau một cuộc gọi vào đường dây nóng, đội ngũ y tế của trạm y tế lưu động (TYTLĐ) lại tức tốc lên đường ứng cứu người bệnh. Trên xe được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, bình ô xy, máy đo SpO2, túi thuốc các loại.
Nhận cuộc gọi tức tốc lên đường
Để tìm hiểu về mô hình hoạt động của TYTLĐ, chúng tôi liên hệ đến trạm y tế phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, nơi đầu tiên hình thành mô hình y tế theo dõi, chăm sóc F0 tại nhà thuộc tỉnh này.
Ngày 30/10, khi trời vừa sáng, chuông điện thoại đường dây nóng của TYTLĐ phường Thái Hòa vang lên, nhân viên y tế nghe máy. Đầu dây bên kia cầu cứu: “Tôi mệt, khó thở cần được hỗ trợ ngay. Người gọi là N.T.P ở tổ 1, khu phố Vĩnh Phước”. Do trong đội hình nhân sự của trạm luôn có người nắm rõ địa bàn nên mọi người sau khi tiếp nhận cuộc gọi lập tức lên đường.
Mọi dụng cụ, thuốc men đều đã được chuẩn bị sẵn sàng từ trước trên xe ô tô lưu động nên nhân viên y tế cùng chúng tôi di chuyển đến nơi người dân cầu cứu. Chưa tới 10 phút, chúng tôi có mặt trước nhà bà N.T.P.
Nhân viên y tế Đặng Quang Vinh thuộc TYTLĐ Thái Hòa là người trực tiếp vào nhà bà P,. một F0 đang cách ly tại nhà. Sau khi kiểm tra tình hình sức khỏe bệnh nhân, nhận thấy tình hình không đến mức phải chuyển đi cơ sở y tế điều trị, nhân viên y tế tư vấn, hướng dẫn F0 uống thuốc và khi cần nên dùng bình oxy được trang bị sẵn.
“F0 điều trị tại nhà, hầu hết đều bị tâm lý. Có nhiều trường hợp báo tin khó thở nhưng khi chúng tôi đến thì sức khỏe ổn. Sau khi được tư vấn, hướng dẫn kỹ, F0 bình tĩnh trở lại. Chúng tôi luôn động viên F0 cách ly tại nhà tập thể dục và ăn uống điều độ sẽ sớm bình phục”, nhân viên y tế Vinh nói.
Khi chúng tôi đang ở căn nhà F0, một thành viên của TYTLĐ nhận cuộc gọi từ đường dây nóng do một thành viên đang trực ở trụ sở báo vừa có một F0 khác cần giúp đỡ. Sau khi đã tư vấn xong cho một F0 và nắm rõ địa chỉ F0 tiếp theo, chúng tôi lại tiếp tục di chuyển.
Trường hợp F0 mà chúng tôi đến là chị H.P.L ở khu phố Ba Đình, phường Thái Hòa. Chị P. cho biết có cảm giác mệt mỏi, nóng sốt hơn ngày bình thường nên đã gọi đến TYTLĐ để được tư vấn. Tuy nhiên, người trực đường dây nóng nói rằng, lực lượng y tế lưu động đang ở gần đó nên sẽ thông báo để đến trực tiếp kiểm tra an toàn.
“Mặc dù, mỗi ngày tôi đều được nhân viên y tế đến kiểm tra theo dõi. Tuy nhiên, do mắc căn bệnh xưa nay chưa từng có (COVID-19) nên tôi thấy bất an. Chỉ cần có biểu hiện khác thường, tôi đều lo lắng và cần có nhân viên y tế. Tôi thấy mừng vì khi gọi điện sẽ có y tế đến ngay”, chị L. chia sẻ.
Y tế lưu động giúp người dân tiếp cận nhanh nhất
Ra đời đúng thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, TYTLĐ giúp giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung, các cơ sở điều trị F0 tầng 1, giảm tỷ lệ người bệnh chuyển nặng và tử vong. Khi địa phương trở về trạng thái bình thường mới, TYTLĐ càng quan trọng khi phải thay thế nhiệm vụ của các khu cách ly, điều trị COVID-19. Mặt khác, mô hình này được bao phủ nên người dân tiếp cận dễ dàng và sớm nhất.
BS Nguyễn Thị Liên, thành viên TYTLĐ phường Thái Hòa chia sẻ, với những người mắc COVID-19 sau khi điều trị, có những diễn biến rất bất ngờ, mà không ai dự báo được trước. Vì vậy, vai trò của TYTLĐ kịp thời xử lý ngay tại chỗ nếu vượt quá khả năng sẽ được xe cấp cứu đưa đi ngay lên tuyến trên.
Bà N.T.P, (ngụ phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên), chia sẻ mẹ của bà có biểu hiện ho, sốt nhẹ, tự xét nghiệm nhanh cho kết quả dương tính với SARS-COV-2. “Khi phát hiện dương tính, mọi người rất hoang mang, lo lắng. Sau khi gọi điện thoại tới TYTLĐ, khoảng 20 phút nhân viên y tế có mặt tại nhà để khám sức khỏe và xét nghiệm lại với kết quả dương tính. Nhờ được thăm khám, cấp phát thuốc kịp thời nên đến nay tình hình sức khỏe của mẹ tôi ổn định, không có triệu chứng tăng nặng”, bà P. nói.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Chi, đại diện Công ty Thép Việt Nam (TX.Tân Uyên) cho biết: “Công ty chúng tôi đã và đang duy trì tổ chức hoạt động sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” với hơn 100 lao động. Địa phương đã thành lập và đưa vào hoạt động TYTLĐ trong doanh nghiệp, tôi thấy rất thiết thực và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận y tế khi cần thiết, đặc biệt là trong vấn đề phòng, chống dịch bệnh COVID-19”.
Bác sĩ CKII Huỳnh Minh Chín, Giám đốc Trung tâm Y tế TX.Tân Uyên, cho biết các TYTLĐ trên địa bàn đã hỗ trợ ứng cứu y tế cho nhiều người dân. Với tần suất trung bình 30 - 50 cuộc gọi điện thoại cấp cứu hàng ngày của mỗi trạm, đội ngũ y, bác sĩ của TYTLĐ phải đến nhà người dân để khám bệnh, xử lý và chuyển viện cấp cứu kịp thời.
TS.BS Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương, cho biết, mỗi TYTLĐ có ít nhất 5 – 7 thành viên, gồm cán bộ khu phố, nhân viên y tế, tình nguyện viên (có thể F0 đã khỏi bệnh và nhân viên y tế nghỉ hưu hoặc người dân). Bình Dương tổ chức đào tạo, bồi dưỡng 1.300 nhân lực y tế, trong đó có 600 cán bộ, nhân viên cho TYTLĐ.
Trên cơ sở này, ngành y tế xây dựng chính sách đặc biệt cho trạm, đầu tư trang thiết bị y tế, tổ chức lại nhân lực từ 4 nguồn công lập, tư nhân, cán bộ về hưu và tình nguyện viên. Nhân lực TYTLĐ được hưởng chế độ trợ cấp lương theo quy định. Cũng theo TS.BS Chương, đến nay, Bình Dương đã đưa vào hoạt động 153 TYTLĐ, trong đó có 31 trạm đặt tại cụm, khu công nghiệp.