Theo cờ Tổ quốc vươn khơi Kỳ 3 - Phải quyết tâm gỡ 'thẻ vàng' IUU

Với những cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với hải sản xuất khẩu từ Việt Nam do vi phạm quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), ngư dân Khánh Hòa đang quyết tâm cùng với ngư dân cả nước để gỡ “thẻ vàng” IUU.

Không để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

Không lâu trước khi lên tàu KH 90127 TS vươn khơi, tôi được dự đưa tin cuộc họp trực tuyến lần thứ 7 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU. Khi ấy, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU nhấn mạnh: Nếu không quyết liệt gỡ “thẻ vàng” có thể bị tăng lên mức “thẻ đỏ”, Việt Nam sẽ mất thị trường xuất khẩu hải sản sang châu Âu. Tình trạng đánh bắt hải sản bất hợp pháp không chỉ thu hẹp thị trường xuất khẩu hải sản mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng nêu rõ: Việc tiếp và làm việc với Đoàn thanh tra của EC vào tháng 10 tới là cơ hội cao nhất để Việt Nam gỡ cảnh báo “thẻ vàng” IUU. Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt hơn, trách nhiệm hơn trong thực hiện các nhiệm vụ chống khai thác IUU.

Tàu KH 90127 TS tuân thủ các quy định chống khai thác IUU trong suốt chuyến biển.

Ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về IUU tỉnh cho biết: “Từ năm 2017 đến nay, Khánh Hòa đã quyết liệt triển khai chống khai thác IUU nhằm cùng cả nước gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC. Thực tế, cuối năm 2022, Đoàn thanh tra của EC lần thứ 3 sang Việt Nam, đến thanh tra tại Khánh Hòa đã đánh giá cao kết quả chống khai thác IUU của tỉnh. Hiện nay, tỉnh tập trung tháo gỡ, khắc phục ngay một số hạn chế”. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hòa Nam, để gỡ “thẻ vàng” IUU, việc quan trọng hàng đầu là phải chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Muốn vậy, phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động của đội tàu khai thác, kể cả tàu của tỉnh hoạt động dài ngày ở địa phương khác. UBND tỉnh sẽ xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân liên quan nếu để tàu cá bị nước ngoài bắt giữ. Những trường hợp cố tình hợp thức hóa hồ sơ liên quan đến xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác sẽ bị xử lý hình sự khi có đủ căn cứ…

Phải thực hiện nghiêm các quy định

Bám biển cùng ngư dân, tôi thêm hiểu, để gỡ “thẻ vàng” IUU trước hết phải từ chính ngư dân, trên hết là trách nhiệm của chủ tàu và thuyền trưởng. Thuyền trưởng tàu KH 90127 TS Võ Đông Sang (phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang) nói: “Chủ tàu - thuyền trưởng nào cũng biết tàu hoạt động vùng khơi mà tắt thiết bị giám sát hành trình, cho tàu vào khai thác vùng lộng là vi phạm IUU, bị xử phạt 25 triệu đồng. Nhưng vì lợi nhuận, một số người vẫn vi phạm. Hay cá đuối là loài cấm đánh bắt, nhưng giá bán cao nên một số tàu vẫn bắt”. Ông Sang còn cho biết, chuyện ghi nhật ký khai thác không trung thực, không đúng với vị trí, sản lượng khai thác… vẫn còn diễn ra. “Những tàu vi phạm tìm đủ cách để qua mặt lực lượng chức năng ở bờ. Cứ như vậy thì bao giờ mới gỡ được “thẻ vàng”?" - ông Sang thở dài.

Lực lượng chức năng tại cảng Hòn Rớ nhắc nhở ngư dân tuân thủ các quy định chống khai thác IUU trước khi vươn khơi.

Qua tìm hiểu, tôi được biết, hệ thống giám sát hành trình đều có cảnh báo. Khi cách đường ranh giới được phép khai thác 2 hải lý, hệ thống sẽ phát tín hiệu cảnh báo liên tục, thuyền trưởng cần phải quay tàu để không vượt khỏi ranh giới vùng biển Việt Nam. Tuy nhiên, cũng do một số tàu đi khai thác hải sản nhưng không chấp các quy định về chống khai thác IUU nên trên các vùng biển giáp ranh rất cần có sự hiện diện thường xuyên của lực lượng chấp pháp của Việt Nam để cảnh báo, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm.

Qua trò chuyện với ông Sang, khi tôi thông tin có tới 200 lượt tàu cá mất tín hiệu kết nối thiết bị giám sát hành trình. Là người đi biển lâu năm, ông Sang cho biết có rất nhiều nguyên nhân xảy ra, như: mất kết nối do lỗi thiết bị; cố tình tắt thiết bị, trạm bờ không thể biết được vị trí tàu, từ đó tàu hoạt động sai vùng, thậm chí sang vùng biển nước ngoài khai thác...; cũng có trường hợp tắt thiết bị để giấu ngư trường… "Tôi biết, gần đây, các trường hợp cố tình tắt thiết bị đã bị xử phạt rất nặng, đưa vào danh sách tàu cá vi phạm IUU" - ông Sang nói.

Trò chuyện qua bộ đàm về tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, thuyền trưởng Văn Đức Tuấn - chủ 2 tàu khai thác hải sản ở phường Vĩnh Phước tâm sự: “Một khi tàu cá bị nước ngoài bắt giữ thì coi như mất trắng tàu, ngư cụ… tới hàng tỷ đồng; thuyền viên còn bị tù giam. Hầu hết chủ tàu, thuyền trưởng chẳng dại gì đánh đổi cả con tàu, bạn tàu để lấy vài chục tấn cá. Thế nhưng, vẫn còn một số tàu khai thác bất chấp...”.

Những lần đến Khánh Hòa kiểm tra công tác chống khai thác IUU, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã trực tiếp trao đổi và khẳng định vai trò tiên phong của ngư dân trong chống khai thác IUU. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói, không chỉ Liên minh Châu Âu (EU) mà thị trường Mỹ, Nhật Bản… cũng đang thực hiện các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác. Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới nên không có cách nào khác là phải thực hiện nghiêm quy định của các tổ chức quốc tế về chống khai thác IUU.

Vẫn còn đó những nỗi lo

Trong suốt chuyến đi, thuyền trưởng Sang nhiều lần bày tỏ lo lắng chuyện “thẻ vàng” IUU đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiêu thụ hải sản của ngư dân. Ông cho rằng, phải gỡ được “thẻ vàng” thì mới có thể ổn định được đầu ra của hải sản. Đối với việc tiêu thụ hải sản, cần giải quyết được tình trạng sản phẩm từ tàu cá vào nhà máy chế biến qua quá nhiều khâu trung gian. Chính lý do này mà ngư dân không được hưởng lợi cao nhất từ thành quả lao động của mình.

Những lần đến cảng Hòn Rớ, thấy cảnh đã vào “vụ mùa” nhưng hàng trăm tàu cá vẫn nằm bờ, tôi hỏi chuyện ngư dân mới vỡ lẽ, không như tàu lưới rê, lưới vây còn có lãi, tàu câu cá ngừ đại dương của các tỉnh Nam Trung Bộ thường xuyên bị thua lỗ sau mỗi chuyến biển. Do đó, ngư dân buộc lòng cho tàu nằm bờ, rồi kéo theo việc không duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình tàu cá, chưa thực hiện thủ tục đăng ký, đăng kiểm… Vì vậy, các chủ tàu đều mong muốn Nhà nước tăng số chuyến biển được hỗ trợ tiền dầu từ 4 lên 6 chuyến/năm; hỗ trợ thêm ngư dân kinh phí lắp đặt, cước phí duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra việc lưu kho, truy xuất nguồn gốc hải sản xuất khẩu tại 1 doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Suối Dầu.

Từ khi EC áp dụng cảnh báo “thẻ vàng” IUU, thiệt hại đối với ngành thủy sản Việt Nam rất lớn, kéo theo đời sống của ngư dân, đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam đã kiến nghị đến Chính phủ quan tâm, có các chính sách hỗ trợ ngư dân, đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá. “Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát nguồn lợi thủy sản, ngư trường; phát triển đội tàu khai thác, tổ chức lại sản xuất để phát triển bền vững. Bên cạnh đó, tham mưu chính sách hỗ trợ trực tiếp cho ngư dân, đoàn viên Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam khai thác hải sản trên vùng biển xa bờ; đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ bảo hiểm, hỗ trợ dầu…”, ông Đỗ Tiến Dũng - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam chia sẻ với tôi khi đến TP. Nha Trang mới đây. Ông Dũng còn cho rằng, mỗi ngư dân, đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá phải tiên phong khắc phục “thẻ vàng”, bởi một khi bị nâng mức lên “thẻ đỏ” thì EU sẽ đóng cửa đối với hải sản của Việt Nam; đời sống ngư dân càng khó khăn gấp bội.

Trong 6 tháng đầu năm nay, các lực lượng chống khai thác IUU trong tỉnh đã tổ chức gần 450 tổ tuần tra, kiểm soát, tiến hành kiểm tra 6.550 lượt phương tiện, với 41.200 lượt ngư dân xuất bến, nhập bến. Qua đó, đã phát hiện 24 trường hợp vi phạm IUU; xử phạt các đối tượng hơn 600 triệu đồng; tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng 24 trường hợp.

Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trước thời điểm tháng 10-2017, khi EC cảnh báo “thẻ vàng”, EU từng là thị trường nhập khẩu hải sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm 30-35% tổng kim ngạch xuất khẩu hải sản của cả nước. Thế nhưng đến năm 2022, tỷ lệ này giảm rất sâu, chỉ còn 9,4%...

HẢI LĂNG

Kỳ 1: Cùng ngư dân bám biển

Kỳ 2: Làm giàu từ biển

Kỳ cuối: Trường Sa - điểm tựa giữa trùng khơi

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202307/theo-co-to-quoc-vuon-khoi-ky-3-phai-quyet-tam-go-the-vang-iuu-cce0887/