Theo đạo lạ, người Việt cuồng tín hay mê muội?

Có bệnh hiểm nghèo không cần uống thuốc; con người không phải do cha mẹ sinh ra mà từ hòn đá lăn; chết càng sớm càng tốt, cúng dường càng nhiều càng giải nghiệp; gia đình, con cái là vô nghĩa… Là những lý thuyết ma mị của nhiều tà đạo thời gian gần đây.

Sáng 15/3/2021, xét xử vụ giết người, đổ bê tông phi tang xác ở Bình Dương. (Ảnh minh họa).

Sáng 15/3/2021, xét xử vụ giết người, đổ bê tông phi tang xác ở Bình Dương. (Ảnh minh họa).

Đặc biệt, khi con người rơi vào trạng thái khủng hoảng, xáo động công việc, sức khỏe, gia đình,... nghe theo giáo phái lạ người ta dễ có những hành động bộc phát, vi phạm pháp luật

Xa lánh, bỏ rơi… người thân

Cuồng tín và tin vào sức mạnh của một thế giới vô hình khiến nhiều người vẫn đang đánh cược tiền bạc, hạnh phúc, tính mạng của mình. Thậm chí sức mạnh của thánh thần, quỷ dữ còn được chia sẻ rầm rộ trên các trang mạng xã hội để lôi kéo những kẻ nhẹ dạ cả tin. Hồng Anh (tên đã được thay đổi - PV), một giảng viên tiếng Anh có cuộc sống êm đềm và hạnh phúc cùng chồng và hai con nhỏ tại một thành phố miền Trung.

Một ngày, gia đình bỗng tá hỏa khi cô “mất tích”, bỏ đi biền biệt suốt ba tháng nghỉ hè không một lời nhắn nhủ với chồng con, chị em, cha mẹ… Rồi cũng như khi cô biến mất, một ngày cô lặng lẽ về nhà, nhưng khóa chặt cửa phòng, không nhìn mặt chồng và hai con đang ở độ tuổi tiểu học. Gia đình tìm cách nói chuyện sao cũng không nghe, chỉ ngồi trong bóng tối, cười vu vơ.

Cô cứ như vậy, thoắt ẩn, thoắt hiện, với con thì còn trò chuyện dăm ba câu, nhưng tuyệt nhiên nhìn anh chồng vốn yêu chiều vợ con như người lạ. Sau kỳ nghỉ hè, cô cũng về với công việc của mình, nhưng với gia đình thì không màng. Và chuyện gì đến đã đến, chồng cô ly hôn. Từ người vợ chỉn chu, tay hòm chìa khóa kha khá, cô đã bỏ lại tất cả nhà cửa, tài sản, mang con về bên ngoại và cũng không mấy quan tâm tới các con, cha mẹ…

Tương tự, anh Nguyễn Việt D (phường Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang), có con theo tà đạo “Hội thánh của đức chúa trời mẹ” cho biết: Trước đây, con anh là Nguyễn Thế A rất mực yêu thương gia đình, nhưng kể từ khi tin theo cái gọi là “Hội thánh của đức chúa trời mẹ”, con anh trở thành một người khác hẳn. Bất kính với cha mẹ, xa lánh người thân, không màng tới bàn thờ tổ tiên, phỉ báng tín ngưỡng, tôn giáo khác, sống cô lập và có ý định không lập gia đình riêng.

Cũng giống như nhiều gia đình khác, anh Hoàng Văn V, trú tại phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang, có vợ tin theo tà đạo “Hội thánh của đức chúa trời mẹ”. Trước đây chị là người mẹ, người vợ đảm đang, hiếu thảo, nhưng kể từ khi chị tin theo tà đạo thì vợ chồng anh chuyển sang một trạng thái khác.

Vợ anh suốt ngày u mê theo một đấng hư vô mà cầu nguyện, van xin, tin vào một tương lai không có thực ở cõi vĩnh hằng. Chị cho rằng cuộc sống hiện tại là khổ nạn, kiếp sau nơi thiên đàng mới là cuộc sống hạnh phúc. Anh đã nhiều lần giải thích, động viên nhưng vợ anh vẫn u mê, tin tưởng vào cuộc sống vĩnh hằng nơi thiên đường không có thực…

Cùng với đó, nhiều cái chết oan nghiệt đã xảy ra khi người bệnh tin rằng cứ niệm phật, không cần điều trị, không cần uống thuốc. Hiện câu chuyện về Lương y Võ Hoàng Yên, tốt nghiệp trung cấp y sỹ y học cổ truyền Trường Trung cấp Tuệ Tĩnh Thanh Hóa, nhưng nhiều năm nay, ông nổi lên như cồn và được đồn thổi như “thần y” có thể chữa được bách bệnh, đặc biệt là các loại bệnh khó, bẩm sinh như: Câm, điếc, bại liệt, xương khớp... bằng bấm huyệt, day ấn, vỗ tai, giật lưỡi, bẻ chân…

Còn nhớ, cuối năm 2018 tại xã Đan Hội, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang xảy ra vụ án mạng giết người. Đối tượng là Trần Thị Thêm đã giết chính hàng xóm của mình. Tại cơ quan công an, đối tượng khai nhận do mê tín dị đoan nên giết người để thế mạng.

Cách đây không lâu, năm 2017, vụ án bà nội sát hại cháu ruột 20 ngày tuổi ở Thanh Hóa từng gây rúng động dư luận. Kết quả điều tra cho thấy, đối tượng được thầy bói phán “cháu gái bà là yêu nghiệt trong gia đình, nếu cháu gái sống thì bà sẽ tử vong và ngược lại”. Tin lời thầy bói, bà đã sát hại chính cháu nội của mình và dựng lên màn kịch bắt cóc trẻ em.

Kinh hoàng hơn, vụ án 4 người phụ nữ ở tỉnh Bình Dương, theo Pháp luân công giết 2 đồng môn của mình rồi phi tang trong thùng nhựa đổ bê tông gây rúng động dư luận cả nước năm 2019...

Lòng tham và nỗi sợ hãi?

Theo các nhà nghiên cứu, từ năm 2001 đến nay, trên thế giới có khoảng 20.000 “hiện tượng tôn giáo mới” với trên 130 triệu tín đồ (trung bình xuất hiện 2-3 tôn giáo mới/ngày). Còn theo thống kê của các cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu Việt Nam thì từ năm 1980 đến nay, nước ta có khoảng 80 “tôn giáo mới”, hay “hiện tượng tôn giáo mới”, “đạo lạ”, “tà đạo” với nhiều nguồn gốc khác nhau.

Bởi thế, có nhiều gia đình phải ly tán, khuynh gia bại sản hoặc mất người thân cũng chỉ vì tin theo “đạo lạ”. Không ít người vì tin vào những tín điều của giáo chủ “đạo lạ” mà có những việc làm gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của mình và người thân. Một số giáo chủ đã mê hoặc tuyên truyền mê tín, dị đoan, tuyên truyền về “ngày tận thế”, “Đức mẹ hiện hình”, “cứu vớt chúng sinh” hoặc kích động một số người tin theo hành xác… (Đạo Dương Văn Minh).

Mặc dù mê tín gắn với con người từ ngàn xưa, tồn tại phổ biến và đa dạng trong các nhóm người khác nhau, từ các bộ tộc cổ xưa đến những người hiện đại. Ban đầu là do nhận thức còn thấp kém, thiếu tri thức khoa học nên con người tin vào sự tồn tại của thế giới thần linh, ma quỷ, “cõi âm”.

Thế rồi, khi xã hội phát triển cũng ẩn chứa bên trong nhiều mặt trái, tiêu cực, thay đổi bất thường, chiến tranh, thảm họa… khiến người ta thiếu niềm tin, cảm thấy bất an nên tìm đến thế giới siêu nhiên, cầu mong sự phù hộ, che chở. Người ta tin vào thần thánh để lấp đi khoảng trống sợ hãi và cảm thấy tốt hơn, tự tin hơn.

Điều đáng nói, chúng ta đang ở thời đại con người đã lên cung trăng, lý giải hầu hết các hiện tượng thiên nhiên, có nhiều phát minh vĩ đại… nhưng sự cuồng tín, mê muội không mất đi mà vẫn tồn tại, thậm chí ngày càng nhiều, khiến con người không phân biệt đúng sai, chân lý, thiếu sự kiểm soát. Phải chăng bởi lòng tham và sự mong cầu quá lớn khiến người ta mất lý trí, bị mê tín dị đoan chi phối.

Không chỉ đi theo các tà giáo, không ít người cứ nghe ở đâu có miếu, có chùa thiêng là liền đến lễ bái cầu xin, cúng dường. Đơn giản chỉ vì quá tham lam, lo sợ vuột mất những gì đang có hoặc muốn giàu nhanh và nhiều hơn… Đau lòng hơn, những tín chủ là nạn nhân của những kẻ trục lợi tôn giáo không bị giới hạn, mà bất kể ai cũng dễ dàng trở thành nạn nhân nếu không đủ tỉnh táo nhận định. Thậm chí người ta còn có thể dẫn ra rất nhiều trí thức đang là những thành phần cuồng tín không kém người dân.

Dẫu ở một góc độ nào đó, tín ngưỡng góp phần ổn định tâm lý cho con người. Tuy nhiên, tín ngưỡng thiếu lý trí, cộng thêm suy diễn, tưởng tượng sẽ nhuốm màu thần bí, huyễn hoặc trở thành mê tín dị đoan. Từ đó, nhiều người nhẹ dạ, cả tin, cuồng tín si mê dễ dàng trở thành đối tượng của những kẻ trục lợi tín ngưỡng.

Đại tá PGS.TS, chuyên gia tâm lý tội phạm học Bộ Công an Đỗ Cảnh Thìn nhận định: Trước hết chúng ta phải thấy rằng niềm tin mơ hồ của tôn giáo có sức mạnh ghê gớm, nó dẫn dắt con người ta vào những hành vi đôi khi vô thức.

Về lý do vì sao hiện nay còn rất nhiều người tin vào thế lực siêu nhiên, ảnh hưởng cuộc sống, bởi nhận thức còn rất hạn chế về mặt xã hội, thiếu kiến thức, đặc biệt là kiến thức về khoa học, kiến thức về xã hội. Bên cạnh đó, nhận thức về pháp luật còn hạn chế, chúng ta thấy rằng họ bị mê muội, bị dẫn dắt bởi những thông tin mơ hồ và lừa bịp. Chính vì đó, họ bị lôi kéo tham gia những giáo phái lạ.

PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn cho biết, chính sách Nhà nước rất rộng mở và tiến bộ trong các vấn đề về tự do tín ngưỡng và các tôn giáo được tôn trọng hành nghề. Nhưng những giáo phái không chính thống, có hiện tượng bất thường và không mang lại lợi ích cho xã hội thì chúng ta cần phải cảnh giác.

Điều quan trọng nhất, chúng ta cần có niềm tin tích cực trong cuộc sống và nhận biết để hành động theo đúng pháp luật và tôn trọng những giá trị con người tôn trọng đạo đức xã hội. Qua đó, hạn chế được những điều mê muội, bị dẫn dắt bởi những thông tin sai lệch, có thể phương hại đến tính mạng, tài sản.

Trước những lý thuyết mà Câu lạc bộ Tình người đang bị đưa ra ánh sáng với những rao giảng trái ngược hoàn toàn với thực tế. Mục đích chính của họ là khiến người tham gia phải “cống nạp” vật chất, càng nhiều tiền càng được trọng dụng…

Thượng tọa Thích Nhật Từ, Tiến sĩ Phật học, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam TP HCM cho hay, bất cứ học thuyết nào chủ trương giải nghiệp bằng tiền đều là tà đạo, mà mục tiêu của nó là trục lợi, phục vụ lợi ích cho người chủ trương. Theo đức Phật, muốn có phúc nào phải gieo đúng nhân của phúc đó. Bỏ tiền ra cúng dường không thể có phước trí tuệ được.

Về vong, ma quỷ: Sau khi chết, con người sẽ tái sinh. Trong thời gian chờ tái sinh, dân gian thường hay gọi là ma, quỷ. Về bản chất, đạo Phật cho rằng họ không có khả năng quậy phá con người, đeo bám con người, hại con người. Hầu hết các tà đạo thường lợi dụng điều này để hù dọa con người nhằm trục lợi phi pháp.

Đạo Phật dạy con người ta muốn sống hạnh phúc phải phát triển trí tuệ. Để làm được điều này cần tránh xa các thầy pháp, thầy bùa, thầy bói… Tất cả các ước hẹn dựa vào cúng ma, quỷ… đó là mê tín, cuồng tín không phù hợp với giáo lí đạo Phật.

Và tín ngưỡng, tôn giáo, Phật pháp chính là ở trong tâm mỗi người, về những hành xử, về nhân quả trong mỗi hành xử từ tâm từ mỗi việc nhỏ trong cuộc sống thực tại. Nói như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, mỗi người đừng bỏ quên ngôi chùa trong tim mình! Không phải là sự cuồng tín, mê muội, chối bỏ gia đình, người thân, thậm chí giết người cho những ảo vọng trời ơi… Điều đơn giản, không giáo lý nào dạy con người làm điều ác với cái tâm bất an!

Nguyễn Mỹ

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/theo-dao-la-nguoi-viet-cuong-tin-hay-me-muoi-581675.html