Theo dấu con đường vào 'thủ phủ' lâm tặc tàn phá rừng Kon Plong

Con đường mòn trở thành những vũng trâu đằm, những cánh rừng chỉ còn trơ những gốc cây mặc dù nơi đây có 'chốt' bảo vệ rừng nghiêm ngặt.

Từ con đường nhỏ sau lưng ngôi nhà rông tại thôn Vi Rin, xã Đắk Tăng, huyện Kon Plong, phóng viên tiến sâu vào trong rừng. Đi bộ khoảng 2km, những lóng gỗ tròn lớn đã nằm rải rác hai bên đường. Càng tiến sâu vào rừng thì những vệt bánh xe cơ giới càng lộ rõ, người dẫn đường khẳng định là dấu xe chở gỗ của lâm tặc. Theo người này, con đường mòn xưa nay là lối đi lại của người dân bản địa khi đi rừng làm nương, rẫy cũng như phục vụ công tác cho ngành chức năng trong công tác tuần tra, bảo vệ rừng. Nhưng đến nay, khó có thể đi lại như trước bởi con đường đã trở thành "vũng trâu" do xe chở gỗ phá nát hết cả.

Con đường mòn bị tan nát con hằn nguyên vết xe cơ giới

Con đường mòn bị tan nát con hằn nguyên vết xe cơ giới

Ngay phía sau ngôi làng Vi Ring, (xã Đắk Tăng, huyện Kon Plong), có một con đường được chắn cẩn thận bằng cổng gỗ. Đi bộ khoảng 1km, trên mặt đường hằn rõ vệt bánh của các chủng loại xe cày độ chế, la liệt những thân gỗ đường kính 2 người ôm đã bị "xẻ thịt" ngổn ngang hai bên đường.

PV ghi nhận hiện trường rừng bị tàn phá tại Kon Plong

PV ghi nhận hiện trường rừng bị tàn phá tại Kon Plong

Tiếp tục tiến sâu vào rừng, phóng viên choáng ngợp trước cảnh tượng nhiều cây đại thụ bị đốn ngã ngang dọc. Theo lời người dẫn đường; Để băng qua những đoạn đường đồi núi hiểm trở, lâm tặc phải độ một chiếc tời vào đầu xe máy cày, móc cáp cố định vào một thân cây lớn chắc chắn trên đỉnh núi, sau đó tời sẽ kéo máy cày có rèn thêm khung sắp thép, bảo đảm đủ độ bền khi vượt núi. Tại đó có một cột mốc bằng xi măng ghi "Ranh giới rừng phòng hộ lâm trường Măng Cành II". Cách mốc khoảng 5 mét có một gốc hồng tùng lớn cỡ 2 người ôm vừa bị cưa hạ, xẻ lóng mang đi.

Trong lúc ghi nhận thực trạng với hơn 70 gốc cây đại thụ lớn mới bị cắt, phóng viên phát hiện tiếng ồn của cưa máy, tiếng xe của máy cày độ chế đang tiến vào hiện trường. Tìm chỗ tránh, phóng viên lại gặp một lán trại có nhiều đối tượng canh gác. Không thể đi tiếp bởi phía trước và sau lán trại này đều là vách núi sâu, để đảm bảo an toàn, phóng viên rút khỏi hiện trường trong lúc các đối tượng vẫn đang cật lực đốn hạ, vận chuyển các cây gỗ tự nhiên ra khỏi rừng.

Muốn đến được hiện trường rừng bị phá phải đi qua Chốt bảo vệ rừng...?

Muốn đến được hiện trường rừng bị phá phải đi qua Chốt bảo vệ rừng...?

Tiếp tục theo chân người dẫn đường để đi qua khu vực khác, tại đây khi vượt chốt bảo vệ rừng, phóng viên phải cải trang thành người dân bàn địa đi tìm lan rừng, tránh sự soi xét, nghi ngờ của lực lượng chức năng. Từ khu vực cầu Nước Ngom (xã Đắk Tăng) đi qua chốt quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông khoảng 2km có một con đường bên tay trái đâm thẳng lên núi. Vượt núi khoảng 1,5km nữa phóng viên chứng kiến có 20 thân gỗ bị cắt hạ, cũng được đưa ra bằng máy cày độ.

Đường rừng bị cày xới do xe chở gỗ

Đường rừng bị cày xới do xe chở gỗ

Được biết, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông hiện đang quản lý hơn 55 nghìn ha rừng và đất rừng nằm trên địa bàn 7 xã thuộc huyện Kon Plong. Trong đó, rừng và đất rừng quy hoạch chức năng phòng hộ hơn 6,5 nghìn ha; còn diện tích rừng và đất rừng quy hoạch chức năng sản xuất hơn 48,8 nghìn ha.

Còn theo ông Võ Sỹ Chung - Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, đơn vị cũng mới nhận được thông tin từ người dân báo có vụ phá rừng ở huyện Kon Plong. Hiện các cán bộ của Chi cục đang đi kiểm tra hiện trường. Trong thời gian kiểm tra đề nghị phóng viên cung cấp thêm thông tin để đơn vị thuận tiện trong công tác điều tra, xử lý. “Nếu có dấu hiện tiếp tay sẽ xử lý nghiêm cán bộ vi phạm. Sau khi có kết quả kiểm tra cụ thể sẽ cung cấp đầy đủ thông tin đến báo chí...”, ông Chung nói. Phản ánh trực tiếp vụ việc, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plong cho biết, sẽ cử lực lượng đi xác minh, có kết quả sẽ thông tin lại báo chí. Cùng với đó, ông Hà Đức Vịnh – Chánh văn phòng UBND huyện Kon Plong chia sẻ, UBND huyện đã ra rất nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt, xử lý nghiêm các đối tượng lâm tặc phá rừng. Tuy nhiên tình trạng này vẫn chưa thể ngăn chặn triệt để. Vụ việc này, ông Vịnh nói sẽ gửi đến lãnh đạo huyện tiến hành chỉ đạo kiểm tra, xử lý.

Tuy nhiên, tại thời điểm phóng viên tiếp cận 2 vị trí rừng bị tàn phá đều có các chốt bảo vệ rừng.

Tạp chí GTVT tiếp tục thông tin vụ việc.

Hằng Nga - Trọng Nghị

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/theo-dau-con-duong-vao-thu-phu-lam-tac-tan-pha-rung-kon-plong-d81563.html