Theo dấu 'dòng tiền lớn' trên thị trường chứng khoán
Dòng tiền cá nhân chảy vào thị trường chứng khoán tăng vọt với kỳ vọng đi theo 'dòng tiền lớn', trong khi khối ngoại vẫn ngược chiều bán ròng.
Tiền chảy nhiều vào cổ phiếu vốn hóa lớn
Giá trị các loại tài sản tài chính tăng vọt đang hấp dẫn dòng tiền nhà đầu tư cá nhân trở lại, trong đó có thị trường chứng khoán, trong bối cảnh có hơn 125.000 tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 1.
Bảo Ngọc, nhà đầu tư có 7 năm kinh nghiệm trên thị trường, nói môi giới của cô khuyến nghị rằng “không có gì phải sợ” khi dòng tiền vẫn chảy mạnh mẽ vào thị trường.
Có không ít nhà đầu tư cũng đặt kỳ vọng tương tự vào xu hướng tăng ngắn hạn của chỉ số VN-index, khi quan sát dòng tiền chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong đó đóng góp chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và Nguyên vật liệu.
Trong tháng hai, VN-Index tiếp tục tăng khoảng 90 điểm, tương ứng tăng 7,6%, kéo dài chuỗi tăng điểm sang tháng thứ tư liên tiếp. Tính đến phiên giao dịch 13-3 đã tăng hơn 12% so với hồi đầu năm, điểm số có lần thứ hai trong vòng một tuần thử thách ở mốc 1.270 điểm.
Tiền chảy vào thị trường cũng trở nên nhiều hơn là điều thấy rõ. Trong tuần trước, giá trị giao dịch bình quân phiên (tính trên cả 3 sàn) ở mức 28.052 tỉ đồng, tăng 16,1% so với tuần trước đó, và tăng 44,1% so với mức trung bình 5 tuần. Đây cũng là tuần có giá trị giao dịch bình quân phiên ở mức cao nhất kể từ đầu tháng 4-2022, theo đánh giá của Fiintrade, nền tảng cung cấp dữ liệu tài chính chuyên sâu.
Tính chung trong hai tháng đầu năm, giá trị giao dịch trung bình hàng ngày tăng 24% so với cùng kỳ, lên mức 18.700 tỉ đồng, tương ứng với khoảng 760 triệu đô la Mỹ.
Còn nếu tính riêng trong tháng 2-2024, thanh khoản thậm chí còn cao hơn. Giá trị giao dịch trung bình của tháng là 20.800 tỉ đồng, tương ứng khoảng 866 triệu đô la Mỹ, ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 9-2023.
Nhưng vẫn có một mối lo ngại được nhiều nhà đầu tư đặt vấn đề, đó là diễn biến bán ròng của khối ngoại. Bất chấp nhà đầu tư bán lẻ trong nước mua ròng, nhóm ngoại vẫn bán ròng 3.000 tỉ đồng trong 2 tháng đầu năm.
Không chỉ thanh khoản khớp lệnh giảm, khối ngoại vẫn đi ngược chiều trong dòng chảy của các quỹ. Việt Nam ghi nhận là một trong hai thị trường bị rút ròng trong cả 2 tháng đầu năm 2024 trong khu vực. Điều này thể hiện bức tranh trái ngược khi dòng vốn ngoại chảy vào các thị trường vẫn tăng tốc.
Tương tự, các quỹ ETF tiếp tục “quán tính” bán ròng trong tháng 2, dù quy mô có thu hẹp so với hai tháng trước. Tổng giá trị rút ròng trong tháng 2 là 833 tỉ đồng, nâng con số rút ròng trong hai tháng đầu năm là 2.700 tỉ đồng, vượt xa so với giá trị rút ròng cả năm 2023 (1.700 tỉ đồng).
Trong khi đó, các quỹ chủ động cũng có diễn biến kém tích cực, và rút ròng hơn 1.000 tỉ đồng trong tháng 2. “Xu hướng rút ròng phần nhiều đến từ các quỹ chủ động đầu tư đa quốc gia cho thấy, việc tái cơ cấu danh mục và chuyển hướng sang các thị trường hấp dẫn hơn”, báo cáo mới đây của công ty chứng khoán SSI đánh giá.
Kỳ vọng về “dòng tiền lớn” trong dài hạn
Bất chấp thanh khoản thị trường tăng vọt đáng kể trong thời gian qua, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM đánh giá, thị trường vẫn còn thiếu vắng “dòng tiền lớn”, chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân giao dịch với nhau.
“Bài toán chưa giải được vẫn là vấn đề đầu cơ trên thị trường, khiến cho thị trường biến động lớn và rủi ro nhiều. Đa số dòng tiền vô ra ngắn hạn, liên tục thì sẽ tạo ra sự không ổn định cho sự phát triển của thị trường”, ông Huân bình luận.
Tương tự, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024, ông Johan Nyvene, Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán TPHCM (HSC) cho rằng, thị trường chứng khoán có tỷ trọng khá lớn từ các nhà đầu tư cá nhân trong nước, khi thường xuyên chiếm trên dưới 90% toàn bộ giá trị giao dịch hằng ngày.
“Việc tăng cường đào tạo kiến thức và nhận thức rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân là một việc làm hết sức cần thiết. Nhất là đối với một xã hội với thu nhập người dân tăng lên và đất nước đang tiến dần đến trở thành một nền kinh tế lớn trên thế giới”, ông Johan nhận định.
Dòng tiền từ cá nhân chảy mạnh hơn là một thách thức lớn đối với thị trường đang chuẩn bị nâng hạng. Bởi diễn biến này không mang tính bền vững bằng các dòng tiền lớn từ các tổ chức.
Theo đánh giá của Công ty chứng khoán SSI, về ngắn hạn, sức hấp dẫn của thị trường cổ phiếu Việt Nam khó có thể đem lại sự bứt phá, trừ trường hợp các giải pháp giúp nâng hạng được thực hiện quyết liệt hơn.
Còn về trung hạn, dòng tiền đầu tư vào thị trường Việt Nam có thể được hưởng lợi từ dòng tiền chuyển dịch sang thị trường đang phát triển. Tuy nhiên điều này thường sẽ chỉ xuất hiện sau khi Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Trong khi đó, cuộc chơi nâng hạng được nhắc đến nhiều trong thời gian qua giờ đang dần rõ ràng hơn bao giờ hết. “Tiến độ đang rất vững chắc”, như nhóm phân tích của Công ty chứng khoán Maybank Investment Bank (MSVN) bình luận trong báo cáo chiến lược phát hành hồi giữa tháng 3.
Theo MSVN, kỳ vọng đặt ra là việc nâng hạng sẽ diễn ra trong đợt đánh giá tháng 3-2025 của FTSE, đi cùng đó là khả năng dòng tiền mua vào thời điểm thích hợp khoảng 6 tháng trước khi thời điểm nâng hạng.
Điều này hàm ý dòng tiền lớn sẽ còn được kích hoạt trong thời gian tới. Theo nghiên cứu và ước tính từ Ngân hàng Thế giới, việc “nâng cấp” thành thị trường mới nổi có thể mang đến thêm 10 tỉ đô la Mỹ đầu tư gián tiếp mới cho Việt Nam.
“Câu chuyện không chỉ là giá trị tuyệt đối, “dòng tiền lớn” được kỳ vọng thay đổi nhiều thứ. Thị trường chứng khoán nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung sẽ được hưởng lợi ở nhiều khía cạnh như tăng cường tính hội nhập toàn cầu, nâng tầm thị trường Việt Nam và vị thế quốc gia”, ông Johan đánh giá.
Nhưng trước khi đó vẫn có nhiều chuyện cần làm. Đại diện Công ty chứng khoán HSC khuyến nghị các bài toán cần phải tập trung giải quyết gồm tính minh bạch và chuẩn mực quản trị doanh nghiệp; mức độ thanh khoản đủ cao (tức khả năng mua bán các cổ phiếu và tài sản tài chính một cách dễ dàng và hiệu quả); sự phát triển của hạ tầng và các dịch vụ tài chính đi kèm.
Trong đó, câu chuyện tăng cường đào tạo và tăng cường ý thức đầu tư đối với nhà đầu tư cá nhân được vị này nhấn mạnh. Điều này có thể bao gồm việc cung cấp thông tin, tài liệu hướng dẫn, tổ chức các khóa đào tạo về đầu tư chứng khoán, sự chủ động của các tổ chức tài chính trung gian trong thị trường (bao gồm các công ty quản lý quỹ và các công ty chứng khoán).
Giải quyết được những bài toán trên, viễn cảnh huy động “dòng tiền lớn” sẽ trở nên rõ ràng hơn. Đáng nói, không chỉ đón dòng vốn thông qua các quỹ tìm đến Việt Nam theo bộ chỉ số của MSCI và FTSE mà còn là sự “hợp sức” của nhiều nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ thông qua đa dạng loại hình quỹ đầu tư với triết lý đầu tư khác nhau.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/theo-dau-dong-tien-lon-tren-thi-truong-chung-khoan/