Theo dấu những điệu múa cổ đất Thăng Long

Trong số những người say mê và có nhiều đóng góp với múa cổ đất Thăng Long - Hà Nội, thì GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh và Nghệ nhân dân gian Triệu Đình Hồng rất nổi bật.

Đóng góp của hai ông suốt những năm qua trong việc bảo tồn, khôi phục những điệu múa cổ rất đáng trân trọng. Tuy nhiên việc khôi phục, phát huy những giá trị truyền thống bao giờ cũng là chuyện khó khăn.

GS Lê Ngọc Canh.

GS Lê Ngọc Canh.

Tình yêu dành cho văn hóa truyền thống

GS Lê Ngọc Canh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) là một trong 10 công dân Thủ đô ưu tú năm 2020. “Tôi sinh ra, lớn lên ở Hà Nội nên có quá nhiều kỷ niệm gắn bó với mảnh đất này. Tự nhủ mình là người Hà Nội cần có những đóng góp cho Thủ đô thứ gì đó và tôi đã tìm hiểu, nghiên cứu các công trình về múa cổ Hà Nội”- ông nói.

Năm 2004, công trình lý luận “Nghiên cứu, kế thừa và phát triển múa truyền thống Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội” của ông gây tiếng vang lớn trong giới nghiên cứu văn hóa truyền thống nói chung, giới nghiên cứu chuyên ngành múa nói riêng. Tiếp đó, ông được Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội mời làm chủ nhiệm công trình “Phục dựng múa cổ Thăng Long - Hà Nội”, thời gian thực hiện trong 15 năm, từ năm 2005 - 2019. Ông coi đây là cơ hội để mình được góp sức mình hồi phục các điệu múa cổ Thăng Long đã mai một, hiện thực hóa mong ước bấy lâu của mình.

Nhưng công việc không đơn giản vì nhiều người hiểu sâu và thực hành di sản đã cao tuổi hoặc đã mất, nhiều điệu múa đã lâu không xuất hiện, kẻ cả trang phục ra sao thì cùng khó nắm rõ để phục dựng.

Không nản lòng, với tất cả sự say mê, GS Lê Ngọc Canh cùng cộng sự liên tục thực hiện những chuyến điền dã ở các quận/ huyện và kết quả là 44 điệu múa cổ đã được sưu tầm, phục dựng. Trong đó, có nhiều điệu múa đặc sắc với giá trị văn hóa, thẩm mỹ, hình tượng múa xuất sắc như múa bồng xã Triều Khúc (huyện Thanh Trì), múa Phù Đổng làng Phù Đổng (huyện Gia Lâm), múa hát Ải Lao phường Phúc Lợi (quận Long Biên), múa rắn lột phường Lệ Mật (quận Long Biên)…

Và một điều rất đáng quý, GS Lê Ngọc Canh xuất thân từ một liên lạc viên của Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu trong những năm kháng chiến chống Pháp. Ông từng tham gia cuộc chiến đấu 60 ngày đêm khói lửa bảo vệ Hà Nội, giam cầm chân Pháp, bảo vệ Trung ương, tạo điều kiện cho cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Sau đó, ông cùng Trung đoàn Thủ đô rút an toàn lên chiến khu Việt Bắc. Cũng chính những ngày gian khổ ở chiến khu, cơ duyên nghệ thuật múa đến với ông…

Nghệ nhân dân gian Triệu Đình Hồng.

Nghệ nhân dân gian Triệu Đình Hồng.

Còn với Nghệ nhân dân gian Triệu Đình Hồng, múa cổ như đã sẵn trong tim. Ông là “công dân chính hiệu” của làng Triều Khúc, nơi có nhiều làn điệu múa cổ, trong đó “múa trống bồng” hết sức danh giá. Thường thì hàng năm người làng Triều Khúc lại tổ chức 4 lần múa trống bồng, đó là vào dịp lễ hội làng từ 10-12 tháng Giêng; 20/2; 13/8; 20/8 (âm lịch).

Nhiều năm ròng rã, ông Hồng cùng người anh là ông Triệu Đình Vạn say sưa truyền dạy các kĩ thuật múa cổ cho lớp trẻ. Cái hay, cái lạ của múa trống bồng là trai giả gái để múa. Các chàng trai phải mặc váy đụp, chít khăn mỏ quạ, tô son, điểm phấn như phụ nữ để phù hợp với các động tác của điệu múa giả gái lẳng lơ. Đây chính là sự độc đáo khi những hành động đầy nữ tính của nữ giới lại được nam giới thể hiện qua điệu múa.

Nghệ nhân dân gian Triệu Đình Hồng luôn đau đáu một tình yêu với những điệu múa cổ của làng mình. Và tình yêu sâu đậm ấy của ông thấm dần vào những thế hệ sau, cho dù việc phục dựng, duy trì nó thường xuyên trong dòng chảy gấp gáp của cuộc sống hôm nay là việc khó khăn.

Múa cổ Hà Nội trong dòng chảy hiện đại

Theo giới nghiên cứu, Hà Nội có hơn 50 điệu múa cổ, thuộc các dòng chính là múa dân gian, múa cung đình và múa tín ngưỡng tôn giáo. Thời gian và những biến động lịch sử đã làm mất đi rất nhiều điệu múa độc đáo, nhất là những điệu múa cung đình. Kết quả khảo sát của Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội cho thấy chỉ còn khoảng 20 điệu múa, chủ yếu là múa dân gian, tồn tại trong các lễ hội truyền thống của các làng cổ.

Trước sự vơi hụt dần, kể từ năm 2006 Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội đã triển khai dự án khôi phục các điệu múa cổ. Cái khó không chỉ ở việc tìm kiếm, phát hiện mà trong quá trình phục hồi phải bảo đảm tính nguyên sơ, tự nhiên của các điệu múa. Nếu không khéo, sẽ dẫn đến cái mà người ta rất lo ngại là sự lai căng.

Cái khó khi muốn thể hiện đúng hồn cốt của những làn điệu múa cổ là không dùng diễn viên múa chuyên nghiệp, mà phải là những người dân ở chính vùng có điệu múa ấy. Chỉ có như vậy mới bảo đảm sự tự nhiên thanh thoát của văn hóa truyền thống và bảo đảm được tính cộng đồng.

Múa trống bồng làng Triều Khúc.

Múa trống bồng làng Triều Khúc.

Những nỗ lực không mệt mỏi đã thành công, khi mà liên hoan những điệu múa cổ Hà Nội bên Hồ Gươm thu hút rất đông người xem. Người ta thích thú và ngạc nhiên trước múa chạy cờ, múa trống bồng của làng Triều Khúc; múa chạy (xếp) chữ, múa gậy của làng Trung Quan (xã Văn Ðức, huyện Gia Lâm); múa thiên long bát bộ của xã Long Biên (quận Long Biên); múa bài bông của làng Phú Nhiêu (xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên); múa giảo long làng Lệ Mật và múa rắn lột làng Trường Lâm; múa sênh tiền làng Nhật Tân (quận Tây Hồ); múa tứ linh làng Lỗ Khê (huyện Đông Anh)…

Rất đáng quý là những điệu múa cổ Thăng Long - Hà Nội khi được phục dựng vẫn giữ được tính nguyên bản, không bị sân khấu hóa cũng như không bị chen ngang bởi những yếu tố quá mới. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, chính việc tuân thủ triệt để tính nguyên bản đã tạo nên giá trị lớn của nghệ thuật múa cổ Thăng Long - Hà Nội trong dòng chảy đương đại khi nó xuất hiện trở lại.

Dù đã có những thành công, nhưng cũng không thể không lo lắng cho những điệu múa cổ Thăng Long - Hà Nội. Vì rằng, dòng chảy thời gian quá gấp gáp, tác động qua lại giữa kinh tế với văn hóa, giữa các yếu tố văn hóa mới - cũ… và số nghệ nhân am hiểu ngày một ít dần cũng như lớp trẻ hôm nay không nhiều người chịu khó thực hành nó. Chính vì thế, để các giá trị múa cổ nói riêng, giá trị văn hóa truyền thống nói chung, lan tỏa xa hơn thì cần có sự hợp lực của cộng đồng và sự quan tâm đầu tư của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý văn hóa.

Người ta nói rằng, chỉ thiếu một trong những yếu tố ấy thì sẽ không thành công.

An Hà

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/theo-dau-nhung-dieu-mua-co-dat-thang-long-554918.html