Theo dõi báo điện tử Kiên Giang trên DẤU ẤN NỔI BẬT SAU NỬA NHIỆM KỲ - Bài 3: Điểm sáng Tân Hiệp

Thực hiện nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo; xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nổi bật là Đảng bộ huyện Tân Hiệp đã phát huy vai trò của các tôn giáo trong tham gia xây dựng nông thôn mới và thực hiện công tác an sinh xã hội...

Bài 1: Phú Quốc là động lực phát triển

Bài 2: Tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng yếu

Kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) thời gian qua rất phát triển. Huyện thực hiện tốt các tiêu chí về giảm nghèo, sử dụng nước hợp vệ sinh, y tế, giáo dục, điện, giao thông nông thôn… Hàng chục năm trước, Tân Hiệp nổi tiếng cả nước với mô hình hợp tác trong nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Tân Hiệp cũng dẫn đầu toàn tỉnh khi về đích đầu tiên và phấn đấu đến năm 2025 về đích huyện nông thôn mới nâng cao.

Hiện Đảng bộ huyện Tân Hiệp có 45 chi bộ, đảng bộ cơ sở, có 166 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, với 3.102 đảng viên, chiếm 2,45% dân số toàn huyện. Đồng chí Lâm Văn Út - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Tân Hiệp cho biết ở Tân Hiệp có 79 cơ sở thờ tự tôn giáo, trong đó Công giáo 57 cơ sở, Phật giáo 10 cơ sở, Tin Lành 2 cơ sở, Phật giáo Hòa Hảo 6 cơ sở…

Huyện có 61 linh mục, 14 dòng tu với 66 tu sĩ Công giáo, 3 mục sư Tin Lành, 42 chức sắc tu hành Phật giáo, có hơn 1.000 chức việc, 75.830 người theo các tôn giáo, chiếm hơn 60% dân số toàn huyện. Với phương châm “Sống tốt đời, đẹp đạo”, những năm qua, nhà tu hành, chức sắc, tín đồ tôn giáo ở Tân Hiệp luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Ông Đào Ngọc Phán (thứ hai, từ phải qua) - tín đồ Công giáo, ngụ ấp Đá Nổi B, xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) giới thiệu mô hình sản xuất lúa kết hợp nuôi cá tự nhiên với lãnh đạo xã Thạnh Đông. Ảnh: THU OANH

Theo đồng chí Lâm Văn Út, xác định rõ tầm quan trọng của việc tổ chức phong trào thi đua trong xây dựng nông thôn mới, nhất là trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, từ đầu nhiệm kỳ đến nay cấp ủy Đảng lãnh đạo quyết liệt, chính quyền các cấp thực hiện tốt trong công tác phối hợp, tạo điều kiện và sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và các tôn giáo trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Hàng năm, Mặt trận Tổ quốc tham mưu tổ chức các hội nghị biểu dương người tốt, việc tốt trong đồng bào tôn giáo để tuyên truyền, nhân rộng điển hình, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Huyện đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, cụ thể là cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, các hoạt động nhân đạo, từ thiện, đền ơn đáp nghĩa…

Từ năm 2020 đến nay, Tân Hiệp xây dựng 18 mô hình câu lạc bộ tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội và an ninh, trật tự trong vùng đồng bào tôn giáo; xây dựng 16 mô hình xứ đạo an toàn về an ninh, trật tự… “Các mô hình phát huy hiệu quả và có sức lan tỏa cao. Các chức sắc tôn giáo phát huy vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, vận động tín đồ tham gia xây dựng nông thôn mới, nâng cao ý thức trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong tham gia xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội và an ninh, trật tự…”, đồng chí Lâm Văn Út nói.

Phát huy tinh thần “đạo pháp đồng hành cùng dân tộc” của Phật giáo, “sống phúc âm giữa lòng dân tộc” của Tin Lành, “kính Chúa, yêu nước” của Công giáo, hòa quyện với truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, những năm qua, chức sắc, tín đồ các tôn giáo ở Tân Hiệp luôn thể hiện tinh thần sống tốt đời, đẹp đạo. Các tôn giáo chung tay xây dựng 120 nhà đại đoàn kết cho hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, với số tiền 4,8 tỷ đồng cùng chính quyền xây dựng 14 cầu bê tông, tổng kinh phí thực hiện hơn 11,9 tỷ đồng; tặng hơn 10.000 suất quà cho những hoàn cảnh khó khăn vào dịp lễ, tết…

Đặc biệt, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các tổ chức, chức sắc, tín đồ tôn giáo chung tay cùng Đảng bộ, chính quyền quyên góp, ủng hộ, trao tặng vật tư y tế, nhu yếu phẩm, tổ chức hoạt động thiện nguyện giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn với hơn 6.000 túi thuốc điều trị F0, 22 bình ô xy, 1.000 bộ kit test nhanh, thực hiện ATM gạo, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm và hàng ngàn suất quà… cho người dân, với tổng trị giá hơn 6 tỷ đồng.

Phòng khám nhân đạo Kênh 7, xã Thạnh Đông A của Công giáo đã cử y bác sĩ tham gia đội tình nguyện ra tuyến đầu chăm sóc, phục vụ bệnh nhân. Qua các hoạt động này xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiêu biểu là chức sắc, tín đồ với những hành động, việc làm đóng góp tích cực, lan tỏa tình yêu thương, gắn kết cộng đồng… góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Theo Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tân Hiệp, từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 về thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo và phát huy vai trò tôn giáo trong xây dựng nông thôn mới và an sinh xã hội cho thấy sự thành công cần các yếu tố như nắm và vận dụng tốt quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đối với dân tộc, tôn giáo; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

Đặc biệt phải thực hiện tốt công tác vận động chức sắc tôn giáo, nhất là chức sắc đứng đầu các tôn giáo, phải biết thông qua chức sắc để hướng dẫn thực hiện tốt quản lý các hoạt động tôn giáo, thông qua đó để hướng dẫn các tín đồ tôn giáo.

Quan tâm chăm lo xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo vững mạnh; thu hút, tập hợp đoàn viên, hội viên là người có đạo vào các tổ chức chính trị - xã hội nhằm phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết lương giáo, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

ĐỨC BÌNH

►Bài cuối: Quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/phong-su-ghi-chep/dau-an-noi-bat-sau-nua-nhiem-ky-bai-3-diem-sang-tan-hiep-16658.html