Theo dõi chặt chẽ các sinh vật gây hại trên lúa Hè Thu, Mùa

Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đề nghị các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ theo dõi chặt chẽ các sinh vật gây hại trên lúa Hè Thu, Mùa để có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Nông dân Hà Nam phun thuốc trừ sâu bảo vệ lúa mùa. Ảnh: Nguyễn Chinh - TTXVN

Nông dân Hà Nam phun thuốc trừ sâu bảo vệ lúa mùa. Ảnh: Nguyễn Chinh - TTXVN

Theo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục đề nghị các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ theo dõi chặt chẽ một số đối tượng như rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân hai chấm, bệnh đạo ôn lá, chuột và ốc bươu vàng trên mạ và lúa Hè Thu, Mùa sớm 2022 để có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Các địa phương kiểm tra theo dõi chặt chẽ nguồn rầy lưng trắng chuyển vụ, tiến hành thu thập mẫu rầy lưng trắng, chủ động giám định virus gây bệnh lùn sọc đen để nhận định nguy cơ và có biện pháp chủ động phòng chống kịp thời hiệu quả. Đồng thời, áp dụng các biện pháp quản lý ngay từ đầu vụ để hạn chế tối đa thiệt hại do lúa cỏ gây ra.

Các tỉnh Nam Bộ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến sinh vật gây hại trên đồng và tiến độ xuống giống vụ Thu Đông- Mùa 2022. Nông dân thăm đồng thường xuyên, phát hiện sớm những diện tích lúa nhiễm bệnh vàng lùn- lùn xoắn lá hại lúa. Khi phát hiện diện tích lúa nhiễm bệnh cần thực hiện triệt để và đồng bộ các biện pháp phòng chống rầy nâu và bệnh vàng lùn- lùn xoắn lá, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Các tỉnh Duyên Hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của các đối tượng sinh vật gây hại trên lúa vụ Xuân Hè và Hè Thu để chủ động các biện pháp phòng chống.

Trong tuần vừa qua, bệnh đạo ôn cổ bông đã có diện tích bị nhiễm gần 8.360 ha, tăng 2.800 ha so với tuần trước đó và tăng 5.516 ha so với cùng kỳ năm ngoái. Phân bố chủ yếu tại các tỉnh: Lâm Đồng, Bình Thuận, Long An, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang.

Riêng bệnh đạo ôn lá, diện tích nhiễm có giảm nhưng vẫn còn 21.704 ha. Bệnh phân bố chủ yếu tại các tỉnh: Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Quảng Trị, Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Gia Lai, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tây Ninh, Đồng Nai.

Rầy hại lúa cũng tăng 2236 ha so với tuần trước đó, diện tích bị nhiễm lên 4.387 ha. Phân bố chủ yếu tại các tỉnh: Yên Bái, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng ngãi, Bình Định, Bình Thuận, Quảng Nam, Long An, Kiên Giang, Sóc trăng, Vĩnh Long, Hậu Giang.

Sâu đục thân 2 chấm và bệnh bạc lá cũng ghi nhận sự gia tăng diện tích bị nhiễm với diện tích lần lượt là 3.319 ha và 13.705 ha. Đặc biệt, bệnh đen lép hạt có mức độ bị nhiễm gia tăng mạnh, tăng 8.258 ha so với tuần trước đó và tăng 7.270 ha so với cùng kỳ năm ngoái, dẫn đến diện tích nhiễm lên trên 15.320 ha. Nhiều địa phương có diện tích lúa bị bệnh đen lép hạt như: Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Long An, Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang.

Nhiều đối tượng sinh vật gây hại khác cũng cho thấy diện tích bị nhiễm tăng như: bệnh khô vằn, ốc bươu vàng. Bên cạnh đó, cũng có một số đối tượng sinh vật gây hại được kiểm soát tốt, diện tích bị nhiễm giảm mạnh như: bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ…

Hiện Bắc Bộ đã gieo cấy 503.985 ha lúa Mùa, chiếm khoảng 70% kế hoạch. Lúa Hè Thu- Mùa tại các tỉnh Bắc Trung Bộ gieo cấy được 298.939 ha, đạt 96% kế hoạch.

Các tỉnh Duyên Hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã gieo cấy 336.959/445.680 ha lúa Hè Thu và trên 1.600 ha lúa Mùa. Đến nay, các địa phương đã thu hoạch được 780 ha trà sớm vụ Hè Thu, chiếm 1,7% diện tích gieo cấy; tập trung chủ yếu tại các tỉnh: Bình Định. Bình Thuận, Quảng Ngãi. Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Nam, Lâm Đồng.….

Vụ Hè Thu 2022, các tỉnh Nam Bộ đã gieo cấy được 1.557.900/1.575.334 ha (đạt 99% kế hoạch) và đã thu hoạch 390.055 ha (chiếm 25% diện tích gieo cấy). Vụ Thu đông – Mùa, toàn vùng đã gieo cấy được 262.080/392.328 ha, đạt 66,8% kế hoạch./.

Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/theo-doi-chat-che-cac-sinh-vat-gay-hai-tren-lua-he-thu-mua/251629.html