Theo dõi chặt diễn biến của vùng áp thấp trên biển

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, ở phía bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía nam. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ đêm nay (24-11) ở Bắc Bộ có mưa vài nơi, riêng các tỉnh vùng núi phía bắc đêm và sáng có mưa, mưa rào rải rác.

Hiện trường sạt lở đường dẫn lên cầu Chắc Rè (huyện An Phú, tỉnh An Giang).

Hiện trường sạt lở đường dẫn lên cầu Chắc Rè (huyện An Phú, tỉnh An Giang).

Khoảng trưa và chiều 25-11, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh thuộc vùng núi phía bắc của Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, một số nơi Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ; từ chiều 25-11, các tỉnh Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông. Ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đêm 25-11 trời trở rét. Từ ngày 25-11, ở khu vực bắc Biển Đông gió đông bắc mạnh dần lên cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8; biển động mạnh. Ở vịnh Bắc Bộ gió chuyển hướng đông bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7; biển động.

Ngày 23-11, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai có Thông báo số 618/TWPCTT-VP gửi các tỉnh, thành phố ven biển từ Đà Nẵng đến Cà Mau cùng các bộ, ngành liên quan về việc xuất hiện một vùng áp thấp trên khu vực giữa Biển Đông. Hồi 1 giờ ngày 23-11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 9,5-10,5 độ vĩ bắc; 110,5-111,5 độ kinh đông và sẽ dịch chuyển hướng tây tây nam. Do ảnh hưởng của vùng áp thấp vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực phía tây quần đảo Trường Sa có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, sóng biển cao từ 2 đến 3m, biển động. Theo đó, các đơn vị cần theo dõi chặt diễn biến của vùng áp thấp trên biển; thông báo cho các tàu, thuyền đang hoạt động biết vị trí, hướng di chuyển để phòng tránh. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu...

Cũng theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, mực nước sông Cửu Long, sông Sài Gòn tiếp tục lên theo triều và đạt đỉnh vào các ngày 27 và 28-11, tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long dao động ở mức báo động 1; tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) dao động trên báo động 3 từ 0,05 đến 0,1m. Nguy cơ ngập lụt xảy ra tại các vùng trũng thấp, vùng ven sông ở TP Hồ Chí Minh. Cảnh báo cấp độ rủi ro do ngập lụt: Cấp 3.

Gần đây, bờ sông Nông Giang đoạn qua thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) bị sạt lở nghiêm trọng. Những vết sạt cao tới 3 đến 4 m, dài hàng chục mét ngày càng tiến sát vào mặt quốc lộ 47C, đe dọa sự an toàn của người, phương tiện lưu thông qua đây. Chính quyền địa phương đã cho rào lại đoạn sạt và đặt biển cảnh báo, tuy nhiên đây chỉ là biện pháp tạm thời, về lâu dài cần phải được kè kiên cố...

Khoảng 23 giờ ngày 22-11 đã xảy ra sạt lở đất nghiêm trọng với chiều dài 100 m thuộc tổ 3, ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú (An Giang) làm sụp hoàn toàn đường dẫn lên cầu Chắc Rè đang thi công xây dựng bắc qua sông Hậu. Vụ sạt lở đã kéo theo một xe lu, hơn hai tấn sắt thép, một phà máy bơm cát, một nhà dân sụp xuống sông và đe dọa bốn nhà khác, tổng thiệt hai hơn bốn tỷ đồng… Lực lượng chức năng đã hỗ trợ người dân di dời nhà và tài sản các hộ dân trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn...

Theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền nam, khu vực bán đảo Cà Mau có tốc độ sụt lún cao nhất. Nguyên nhân do các đập thủy điện ở thượng nguồn làm suy giảm nguồn phù sa bùn cát. Hiện lượng bùn cát đổ về đồng bằng sông Cửu Long giảm khoảng 70% đến 80%, đến năm 2040 có thể giảm đến 95%. Xu thế xói lở bờ sông, bờ biển sẽ ngày càng nghiêm trọng.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/42341602-theo-doi-chat-dien-bien-cua-vung-ap-thap-tren-bien.html