Theo dõi gây mê bằng điện tử giúp giảm áp lực cho nhân viên y tế

Gây mê đóng vai trò quyết định dẫn đến thành công của một ca phẫu thuật. Bác sĩ gây mê không đơn thuần đưa bệnh nhân vào một 'giấc ngủ êm dịu', mà còn là 'những người hùng thầm lặng', bằng tài năng và kinh nghiệm của mình giúp bệnh nhân có cuộc phẫu thuật an toàn, thuận lợi.

Đây cũng là nhận định của PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế về sự đóng góp to lớn của đội ngũ bác sĩ gây mê hồi sức và tầm quan trọng của an toàn trong gây mê, tại Đại hội Gây mê Hồi sức toàn quốc (VSA) lần thứ VIII vừa diễn ra ở Hà Nội.

Theo các chuyên gia y tế, gây mê hồi sức ngày nay đã có những tiến bộ và bước phát triển vượt bậc, trở thành một trong những yếu tố quyết định làm nên những thành công của ngành ngoại khoa nói chung trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Ngoài yêu cầu quan trọng về nguồn nhân lực, gây mê hồi sức cần có điều kiện trang thiết bị cần thiết, hiện đại để đảm bảo theo dõi và điều trị bệnh nhân trong và sau phẫu thuật.

Xuất phát từ thực tế đó và đặc biệt trong bối cảnh ngành y tế đang có sự chuyển đổi số y tế ngày càng mạnh mẽ, PGS.TS. Công Quyết Thắng – Chủ tịch Hội Gây mê Hồi sức Việt Nam cho biết, các chuyên gia Việt Nam và nước ngoài đã sáng tạo xây dựng phần mềm phiếu theo dõi gây mê điện tử (eGM) với mục tiêu hỗ trợ các bác sĩ gây mê giảm áp lực hành chính và nâng cao chất lượng hoạt động gây mê hồi sức.

Theo đó, "trợ lý" này sẽ hỗ trợ các bác sĩ gây mê thu thập dữ liệu chuẩn xác và đưa ra các quyết định kịp thời, góp phần đưa ngành gây mê hồi sức tiến những bước dài, sánh ngang với các nước phát triển.

Phiếu theo dõi gây mê điện tử sẽ là cơ sở dữ liệu bước đầu cho các chuẩn đoán, tiên lượng của buổi gây mê, là bằng chứng để thực hiện các nghiên cứu khoa học, hỗ trợ hoạt động đào tạo các bác sĩ, điều dưỡng gây mê. Với các trường thông tin đầy đủ, cụ thể, chi tiết nó sẽ giảm tải công việc hành chính cho bác sĩ gây mê.

Theo chia sẻ của chuyên gia về giải pháp công nghệ y tế Ngô Thanh Sơn, phiếu theo dõi gây mê điện tử dùng công nghệ của thế giới, ngôn ngữ tiếng Việt và được nghiên cứu dành riêng cho Việt Nam có ưu điểm tự động, chính xác, hiệu quả. Quy cách vận hành đáp ứng các tiêu chuẩn của Bộ Y tế, quy trình thủ thuật trong hoạt động gây mê dựa trên kinh nghiệm thực tế các ca lâm sàng tại các cơ sở y tế tại Việt Nam...

Số liệu của Hội Gây mê Hồi sức Việt Nam cho thấy, đến giữa năm 2018, số lượng bác sĩ gây mê trên toàn quốc chỉ ước tính khoảng 1.000 người, chiếm tỷ lệ dân số 1/96.491, thấp hơn nhiều so với các nước cùng khu vực như Singapore (1/24.748) hay Philippines 1/28.118). Đặc biệt, tình trạng thiếu hụt bác sĩ gây mê càng trở nên rõ rệt ở các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện.
Ngoài yếu tố con người, các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của quy trình hướng dẫn sử dụng các trang thiết bị tiên tiến, cụ thể là sự kết nối giữa công nghệ và đội ngũ nhân sự gây mê hồi sức - nhất là trong thời đại số hiện nay.

L.Nguyên

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/theo-doi-gay-me-bang-dien-tu-giup-giam-ap-luc-cho-nhan-vien-y-te-n184522.html