Theo dõi sát diễn biến thời tiết, xây dựng phương án ứng phó khi xảy ra tình huống bất thường
Mưa lớn 2 ngày qua ở Hà Tĩnh đã 'giảm nhiệt' nắng hạn, bổ sung nguồn nước cho cây trồng, tuy nhiên cần đề phòng mưa kéo dài gây lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ.
Mưa lớn ở Hà Tĩnh do ảnh hưởng hoàn lưu của bão gây ra.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới (đã mạnh lên thành bão vào chiều 1/8 – cơn bão số 2 Sinlaku) nên hai ngày qua, toàn tỉnh Hà Tĩnh có mưa, mưa vừa, có nơi mưa rất to.
Theo Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, tổng lượng mưa tính từ chiều 31/7 tới sáng 2/8 phổ biến ở mức 170 - 250 mm, nhiều nơi có lượng mưa lớn như Thạch Đồng 317 mm; Hoành Sơn 324 mm; Cẩm Nhượng 396 mm; Kỳ Anh 408 mm.
Nhiều diện tích bưởi sắp tới vụ thu hoạch được cung cấp lượng nước đáng kể.
Thời gian qua, Hà Tĩnh phải trải qua các đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiệt độ luôn duy trì ở mức 38 – 40 độ C. Nhiều địa phương có số ngày nắng nóng kéo dài như Hương Khê, Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh, Nghi Xuân…
Thời tiết nắng nóng dẫn tới hạn hán ở một số địa phương, ảnh hưởng tới cây trồng, vật nuôi, đặc biệt trên cây ăn quả có múi (cam, bưởi), hoa màu, chè.
Đến 10h sáng nay (2/8), lúa hè thu vào thời kỳ trổ đòng ở xã Thạch Trung (TP Hà Tĩnh) không còn bị hạn.
Theo số liệu từ Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh gieo cấy hơn 44 nghìn ha lúa và đang bước vào thời kỳ trổ đòng. Khô hạn kéo dài khiến nhiều diện tích lúa bị ảnh hưởng do thiếu nước. Nắng nóng kết hợp gió phơn Tây Nam thổi mạnh làm nước bốc hơi nhanh khiến nước ngầm và mực nước trong các hồ đập, kênh mương xuống thấp, ảnh hưởng lớn tới việc chống hạn.
Vừa qua, một số nơi của Hà Tĩnh có mưa, tuy nhiên, đây là hiện tượng mưa dông nhiệt, diện mưa hẹp, lượng mưa không đáng kể nên gần như không mang nhiều tác dụng, chỉ mang tính “giải nhiệt” tức thời.
Mưa lớn trong hai ngày qua đã bổ sung nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, nhất là những nơi bị thiếu nước sinh hoạt như Hương Khê, vùng thượng Kỳ Anh, Đức Thọ. “Tính tới thời điểm này, mưa lớn đã cung cấp cho cây trồng, vật nuôi và các hồ đập lượng nước đáng kể” - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh Trần Duy Chiến đánh giá.
Tàu thuyền vào tránh trú bão ở cảng Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà).
Huyện Hương Khê có 4.300 ha cây ăn quả có múi, trong đó cam 1.900 ha, bưởi 2.400 ha. Thời điểm này, bưởi Phúc Trạch sắp bước vào vụ thu hoạch. Nắng nóng kéo dài đã khiến người dân nơi đây từng lo lắng về chất lượng quả.
“Mưa đã giúp cây phục hồi, quả bưởi vì thế cũng sẽ căng mọng nước, chất lượng được nâng lên đáng kể”, anh Trần Xuân Loát (SN 1987, xã Hương Trạch) cho hay.
Nhiều diện tích chè ở huyện Kỳ Anh hồi sinh.
Còn tại huyện Kỳ Anh, nhiều diện tích cây trồng được “hồi sinh”, tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở nhiều xã như Kỳ Thượng, Kỳ Tây, Kỳ Lạc… cũng được khắc phục.
“Trận mưa đã giải quyết được các khó khăn lâu nay mà địa phương gặp phải về nguồn nước tưới tiêu, nước sinh hoạt”, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh Lê Văn Trọng nhìn nhận.
Trận mưa lớn kéo dài từ ngày 31/7 đến trưa 2/8 cũng đã kịp thời giải nhiệt cho gần 50 nghìn ha rừng, 3.540 ha cây ăn quả, 365 ha lúa và hơn 530 ha hoa màu trên địa bàn Vũ Quang (Hà Tĩnh).
Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT Vũ Quang, trận mưa đã bổ sung được lượng nước lớn vào hệ thống hồ đập sau thời gian trơ đáy, đảm bảo được nguồn nước tưới cho đồng ruộng, khôi phục các diện tích cây nông nghiệp trước nguy cơ chết vì nắng nóng.
Trận mưa lớn kéo dài 2 ngày giúp cho cây ăn quả ở Vũ Quang có điều kiện phục hồi nhanh.
Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vũ Quang Nguyễn Sỹ Tiến cho hay: Nắng nóng kéo dài đã khiến cho hơn 3.540 ha cây ăn quả, 365 ha lúa, 530 ha cây hoa màu và gần 50 ha rừng trên địa bàn bị ảnh hưởng khá lớn, rất cần nguồn nước tưới. Trận mưa này thực sự rất quý, góp phần làm ẩm đất, cây trồng có điều kiện phục hồi.
Theo ông Ngô Đức Hợi - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh, tới sáng nay, chưa ghi nhận tình trạng ngập úng ở các địa phương. Diện tích lúa hè thu không có gì đáng ngại, các công trình thi công dang dở vẫn đang đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, các địa phương, đơn vị vẫn cần phải theo dõi sát diễn biến thời tiết để có phương án ứng phó khi xảy ra tình huống bất thường.
Trong ngày 1/8, trên địa bàn có mưa nên mái taluy tiếp tục sạt trượt đất đá tràn xuống lòng đường Phúc Trạch - Hương Liên (Hương Khê). Ảnh Đức Quyền
Trong chiều 1/8, mưa lớn gây sạt lở mát taluy khiến đất đá tràn xuống tuyến đường Phúc Trạch - Hương Liên (Hương Khê). UBND huyện Hương Khê đã có văn bản chỉ đạo gắn biển cấm người và phương tiện lưu thông trên tuyến đường này.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, vùng biển khu vực Hà Tĩnh có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9-10, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 9-10. Sóng biển cao từ 1,5-2,5m, vùng gần tâm bão đi qua 2,0-4,0m.
Ngày 2/8, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục có mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa cả đợt dự báo phổ biến 200 – 400 mm, cục bộ có nơi trên 500 mm.
Do đó, cần đề phòng mưa lớn gây lũ, lũ quét, sạt lở đất ở trung du và vùng núi. Khu vực đô thị và vùng trũng thấp cần đề phòng ngập úng.
Thông tin từ Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh, tới thời điểm này, cao trình mực nước thượng lưu ở Thủy điện Hố Hô là 63,92m, lưu lượng về hồ 345 m³/giây. Do lượng nước lớn, để đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du, từ 10h sáng nay (2/8), Nhà máy Thủy điện Hố Hô sẽ xả qua tràn với lưu lượng 100 – 500 m³/giây.