Theo dòng chảy âm nhạc xứ Trầm

Cũng như nhiều địa phương khu vực phía nam vĩ tuyến 17, âm nhạc cách mạng ở Khánh Hòa chỉ thực sự phát triển kể từ sau ngày giải phóng. Theo dòng chảy của lịch sử, những đoàn văn công được thành lập, phong trào văn nghệ phát triển rộng khắp, được xem là nền móng cho sự phát triển của âm nhạc Khánh Hòa.

Dấu ấn thuở ban đầu

Khi đề cập đến chặng đường 50 năm âm nhạc Khánh Hòa, nhiều nhạc sĩ đều có chung nhận định, có thể chia làm 2 giai đoạn chính: Từ năm 1975 đến năm 2000 và từ năm 2001 đến 2025. Theo nhạc sĩ Hình Phước Liên: “Trong giai đoạn 1975 - 2000, âm nhạc Khánh Hòa xuất hiện những tác giả và tác phẩm có ý nghĩa đặt nền móng bước đầu cho thời kỳ mới. Trong niềm vui quê hương được giải phóng, đất nước được thống nhất, các nhạc sĩ Hoàng Thơ Huy, Văn Ký, Văn Dung đã sáng tác những ca khúc đầy tự hào như: "Mừng Nha Trang giải phóng", "Nha Trang mùa thu lại về", "Nha Trang thành phố tôi yêu"… Những sáng tác đó đã mở ra cho các nhạc sĩ hướng sáng tác ca khúc về quê hương Khánh Hòa, trong đó có tôi và một số anh em khác như: Tố Hải, Văn Chừng, Bằng Linh, Hình Phước Long, Đỗ Trí Dũng… Đến hôm nay, khán giả vẫn dành tình cảm yêu mến đối với những ca khúc: “Tiếng hát mùa xuân trên thành phố biển” (Tố Hải), “Bài ca 23 tháng 10” (Văn Chừng), “Đàn ơi! hát cùng ta” (Bằng Linh), “Ơi con sông Dinh” (Hình Phước Liên), “Gần lắm Trường Sa” (Hình Phước Long), “Nguyện làm con sóng” (Đỗ Trí Dũng)…”.

Ca sĩ Trọng Tấn và ca sĩ Hoài Thương thể hiện ca khúc “Nha Trang mùa thu lại về”.

Ca sĩ Trọng Tấn và ca sĩ Hoài Thương thể hiện ca khúc “Nha Trang mùa thu lại về”.

Vào năm 1983, chỉ 8 năm sau ngày giải phóng, được sự chỉ đạo của ông Cung Giũ Phú - Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Khánh Hòa, Công ty Vật tư Văn hóa tỉnh đã phối hợp với Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh sản xuất băng nhạc “Nha Trang biển hẹn”. Đây có thể xem là album âm nhạc đầu tiên tập hợp các sáng tác về Nha Trang - Khánh Hòa do các nhạc sĩ nổi tiếng ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa viết. Sau khi phát hành, băng nhạc này đã được công chúng trong tỉnh đón nhận nhiệt tình và trở thành nguồn cổ vũ đối với các nhạc sĩ để tiếp tục sáng tác thêm những tác phẩm mới có chất lượng về Khánh Hòa. Đến nay, giới nhạc sĩ ở Khánh Hòa vẫn xem việc ra đời băng nhạc này là một dấu son của nền âm nhạc tỉnh.

Trong lĩnh vực biểu diễn thời kỳ này, âm nhạc Khánh Hòa cũng ghi nhận sự ra đời của Đoàn Văn công Khánh Hòa, sau này được cơ cấu lại thành Đoàn Ca múa nhạc Phú Khánh, rồi đổi tên là Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng. Đây không chỉ là đơn vị biểu diễn nghệ thuật, mà còn là cái nôi, ngôi nhà chung chắp cánh cho sự trưởng thành của nhiều ca sĩ. Đã từng có một thời, danh tiếng của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng sánh ngang với các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trong toàn quốc. Những ca sĩ như: Anh Đào, Nguyễn Hải, Ánh Tuyết, Ngọc Thúy, Mỹ Hạnh, Ngọc Liên… từng một thời khiến khán giả yêu nhạc say đắm giọng hát. Và như một lẽ tự nhiên, ở các liên hoan, hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, các ca sĩ của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng đã gặt hái nhiều thành tích xuất sắc.

Tiếp nối thành công

Nếu thời kỳ 25 năm đầu sau giải phóng được xem là giai đoạn vàng của âm nhạc Khánh Hòa, thì giai đoạn từ năm 2001 đến nay là sự kế thừa, tiếp nối những thành công. Điều đó được minh chứng qua việc âm nhạc Khánh Hòa có đến 5 nhạc sĩ (Tố Hải, Hình Phước Long, Văn Chừng, Hình Phước Liên, Nguyễn Tiến Liêu) được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Khi cả nước chuyển mình bước sang thế kỷ XXI đã mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng có nhiều thách thức đối với hoạt động sáng tác của các nhạc sĩ ở Khánh Hòa. Tính chất thị trường ngày càng có tác động sâu rộng tới hoạt động sáng tác; những làn sóng, xu hướng âm nhạc từ bên ngoài du nhập ngày càng mạnh mẽ. Nhưng điều đáng mừng là hoạt động sáng tác âm nhạc ở Khánh Hòa vẫn giữ được dòng chảy của những ca khúc chính thống và vẫn được công chúng đón nhận. Có thể kể đến những tác phẩm như: “Khánh Hòa một khúc ca” (Hình Phước Long), “Khi tôi hát về Người” (Nguyễn Tiến Liêu), “Những ngôi sao xanh” (Tố Hải), “Khánh Hòa chào ngày mới” (Hình Phước Liên)… Cùng với những nhạc sĩ đã tạo được tên tuổi ở giai đoạn trước, âm nhạc Khánh Hòa cũng xuất hiện những gương mặt nhạc sĩ kế cận như: Ngọc Anh, Huỳnh Liên, Kiên Thanh, Xuân Lâm, Lê Văn Cầu, Lê Hà, Nguyễn Văn Hảo, Trường Lâm…

Ca sĩ của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng biểu diễn ca khúc “Gần lắm Trường Sa”.

Ca sĩ của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng biểu diễn ca khúc “Gần lắm Trường Sa”.

Với hoạt động biểu diễn âm nhạc, trước áp lực của thị trường nghệ thuật, sự thay đổi phương thức giải trí, sự bùng nổ của công nghệ đã làm cho việc tổ chức biểu diễn theo cách thức cũ của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng gặp nhiều khó khăn. Nhiệm vụ chính của đoàn lúc này chủ yếu biểu diễn phục vụ theo các chương trình, kế hoạch được giao hằng năm. Thời gian gần đây, được sự quan tâm của tỉnh, Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng đã dần nâng cao chất lượng biểu diễn. Tại các liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc vào các năm 2012, 2023, 2024, đoàn đã nhận được nhiều giải thưởng cao cho chương trình và tiết mục thi diễn. Một số ca sĩ hiện tại của đoàn cũng được khán giả biết đến như: Hoài Thương, Trọng Khải, Hải Lý, Đức Thọ, Đình Hội…

Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhìn lại chặng đường 50 năm của âm nhạc Khánh Hòa đã cho thấy sự phát triển, tiếp nối một cách rõ ràng. Từ chỗ không có nhạc sĩ hoạt động chuyên nghiệp, tỉnh đã xây dựng được một lực lượng sáng tác đông đảo từ chính các hạt nhân phong trào. Số lượng, chất lượng các ca khúc về Nha Trang - Khánh Hòa ngày càng nhiều hơn và được phổ biến ngày càng rộng rãi hơn. Trong đó, có nhiều ca khúc đã sống cùng năm tháng với các thế hệ khán giả ở trong và ngoài nước. Nhưng để hành trình âm nhạc Khánh Hòa trong thời gian tới tiếp tục có những mốc son, rất cần sự nỗ lực nhiều hơn của các nhạc sĩ sáng tác, ca sĩ biểu diễn; sự đầu tư đồng bộ, bài bản cho hoạt động sáng tác, biểu diễn của các nghệ sĩ hôm nay.

GIANG ĐÌNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202504/theodong-chay-am-nhac-xu-tram-2d672f3/