Theo hay không theo tôn giáo -quyền tự do của mỗi người dân

Trong mấy năm lại đây, các thế lực phản động, thù địch, cơ hội chính trị giở nhiều chiêu trò, thủ đoạn để chống phá nước ta.

Một trong những thủ đoạn chúng đưa ra, hòng phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc là lớn tiếng la lối: Ở Việt Nam không có tự do tôn giáo, những người theo tôn giáo luôn bị chính quyền cản trở hoặc đàn áp, trù dập...

Để góp phần làm rõ sự thật, chúng tôi đã về một vùng quê cũng như bao vùng quê khác ở Việt Nam để tìm hiểu. Nằm cách trung tâm huyện lỵ Thanh Hà chừng hơn chục cây số, người dân xã Thanh Lang chủ yếu sống bằng nghề trồng trọt. Cùng với sự đổi mới của đất nước, đời sống của bà con xã Thanh Lang nói riêng và huyện Thanh Hà nói chung đang từng ngày thay da đổi thịt. Điểm nổi bật là ở Thanh Lang hiện có hơn 200 người xuất gia và tín đồ, chấp tác ở nhiều ngôi chùa trong cả nước. Những người đang tu hành ở Thanh Hà có người quê ở địa phương, có người ở huyện khác, tỉnh khác. Theo ông Tăng Bá Hoành, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Lang, số lượng người đi tu hoặc trụ trì ở địa phương nào, chính quyền địa phương đều nắm được. Những con em xã Thanh Lang xuất gia tu hành ở đâu cũng đều hướng về quê hương, giúp đỡ địa phương cải tạo, nâng cấp, tu bổ các địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân địa phương; hỗ trợ tiền xây dựng trường học, đường giao thông và chăm sóc sức khỏe người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật.

Theo Phòng Nội vụ huyện Thanh Hà thì ngoài xã Thanh Lang, các xã khác trong huyện còn có hơn 50 người tu hành.

Không chỉ là vùng quê vải thiều nổi tiếng trong và ngoài nước, Thanh Hà còn có nhiều đền, chùa danh tiếng như: Đền Ngọc Hoa ở xã Thanh An, chùa Minh Khánh hay còn gọi là chùa Hương Đại ở thị trấn Thanh Hà (nơi lưu giữ 9 viên ngọc xá lợi tương truyền là của Trúc Lâm đệ nhất tổ Trần Nhân Tông), chùa Hào (xã Thanh Xá)… Ngoài ra, Thanh Hà còn có gần chục nhà thờ lớn nhỏ với hàng nghìn giáo dân. Với sự quan tâm của các cấp chính quyền, chùa chiền, nhà thờ ở Thanh Hà luôn được tu bổ, trùng tu từ nguồn kinh phí của các phật tử, giáo hội, các tổ chức và cá nhân hảo tâm đóng góp. Hằng năm (trừ thời gian dịch Covid-19), lễ hội truyền thống được tổ chức để phật tử và người dân từ mọi miền quê xa gần về dự hội.

Hiến pháp nước ta quy định: "Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào". Việc theo tôn giáo hay không theo tôn giáo nào là quyền của mỗi người dân. Ngay ở xã Thanh Xá, vừa có chùa Hào nổi tiếng nhưng Thanh Xá cũng có cả nhà thờ Thiên chúa giáo, ai muốn theo tôn giáo nào thì tùy. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, đoàn kết xây dựng quê hương. Chúng tôi được biết, không ít cặp vợ chồng ở đây cô dâu, chú rể theo hai tôn giáo khác nhau. Vậy mà họ vẫn đến với nhau và rất hạnh phúc, gia đình thông gia đôi bên vẫn vui vẻ, hòa thuận.

Rõ ràng không ít người, do không hiểu biết tình hình thực tế hoặc cố tình không hiểu đã xuyên tạc, phủ nhận và bóp méo sự thật về chính sách tự do tôn giáo ở Việt Nam. Việc làm của họ không những làm dư luận nhân dân trong nước và những người hiểu biết về sự thật tôn giáo ở Việt Nam phẫn nộ, mà còn phơi bày mục đích xấu xa, làm mất uy tín, danh dự của chính họ.

LÊ QUÝ HOÀNG (Hà Nội)

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/goc-nhin/theo-hay-khong-theo-ton-giao--quyen-tu-do-cua-moi-nguoi-dan-189930