Theo xe chở sinh viên Thái Nguyên cứu trợ vùng sạt lở, ngập lụt

Chúng tôi đến Thái Nguyên với tâm thế tìm hiểu, phản ánh đời sống của sinh viên lúc ngập lụt nhưng chưa kịp hỏi han, thầy Duy đã 'khoe' học trò: 'Sinh viên Thái Nguyên đang đi đắp đê với lực lượng công an, quân đội, có những nhóm đang nấu cơm để chuyển đến người dân, ngày mai có đoàn lên Định Hóa để cứu trợ…'.

Ngày 10/9, chúng tôi đến thành phố Thái Nguyên, trời mưa tầm tã. Thầy Nguyễn Quang Đông (Trường Đại học Y dược Thái Nguyên) đón chúng tôi về văn phòng Đoàn của trường, gặp thầy Hà Duy – Bí thư Đoàn Thanh niên, tôi biết thầy Đông cũng từng là cán bộ Đoàn - Hội kỳ cựu. Chúng tôi đến với tâm thế tìm hiểu, phản ánh đời sống của sinh viên lúc ngập lụt nhưng chưa kịp hỏi han, thầy Duy đã ‘khoe’ học trò: “Sinh viên Thái Nguyên đang đi đắp đê với lực lượng công an, quân đội, có những nhóm đang nấu cơm để chuyển đến người dân, ngày mai có đoàn lên Định Hóa để cứu trợ…”.

Cô và trò đến từ nhiều trường đại học cùng tham gia nấu suất cơm 'o đồng'.

Cô và trò đến từ nhiều trường đại học cùng tham gia nấu suất cơm 'o đồng'.

Thầy Duy vừa dứt lời, tôi thốt lên: “Ôi thật ạ? Nếu thế thì tuyệt vời quá, đúng là tinh thần thanh niên.” Tôi lúc ấy, thật sự muốn đi ngay đến các điểm ‘nóng’ để ghi lại hình ảnh những sinh viên Thái Nguyên đang dầm mưa ngoài kia, những cơn mưa như trút nước nhưng chẳng thể tắt được ngọn lửa nhiệt huyết, xung kích vì cộng đồng. Hôm sau, tôi còn biết một bạn bơi từ vũng lụt ra ngoài rồi tham gia đội nấu cơm tình nguyện.

Để tròn nhiệm vụ phản ánh đời sống sinh viên vùng lụt, chúng tôi di chuyển sang các khu ký túc xá, trường đại học. Những trường ngập lụt sâu, những khu ký túc xá bị bao vây bởi biển nước, sự khó khăn, thiếu thốn của các bạn sinh viên… chúng tôi đã phản ánh trên chuyên trang Sinh viên Việt Nam ngày hôm qua.

Nhìn chung, mọi khó khăn của sinh viên đều được nhà trường quan tâm, sát sao. Điều quan trọng là các bạn sinh viên luôn giữ được tinh thần lạc quan và mạnh mẽ, các bạn nói với chúng tôi rằng khó khăn thì tìm cách khắc phục, chúng em chỉ bất tiện một chút, ngoài kia còn nhiều khu vực còn đang chờ cứu hộ.

Ngày 11/9, nhận được thông tin từ thầy Duy, chúng tôi biết có một đội sinh viên tình nguyện đang di chuyển lên Định Hóa để cung cấp nhu yếu phẩm cho những gia đình bị thiệt hại nặng do ngập lụt, sạt lở. Điểm đến là UBND xã Định Biên, cách thành phố Thái Nguyên chừng 50km. Trên thùng xe tải, 13 sinh viên ngồi cạnh hàng hóa, đến xã vùng cao cấp phát nhu yếu phẩm. Chúng tôi liên lạc với Thành Công - bạn trưởng đoàn để nắm tình hình rồi lập tức lên đường.

Hàng loạt điểm sạt lở trên tuyến đường từ thành phố Thái Nguyên đến Định Hóa.

Hàng loạt điểm sạt lở trên tuyến đường từ thành phố Thái Nguyên đến Định Hóa.

Công gọi điện thoại, nhắc chúng tôi đường lên Định Biên hiện khó đi, nhiều đoạn sạt lở. Chúng tôi dù được cảnh báo nhưng vẫn không thể ngờ có đoạn đường cứ 80m lại có một điểm sạt lở. Đất, đá và nước trải khắp mặt đường, thành bùn nhão, trơn trượt. Vào tuyến đường xã, đoạn đường nhiều ổ ‘voi’ ổ gà, có đoạn, đường sạt lở chỉ còn 1 nửa. Tôi nghĩ đến 13 bạn trẻ đang ngồi trên thùng xe tải…

Mưa lũ kéo dài, đường vào xã Định Biên sạt lở.

Mưa lũ kéo dài, đường vào xã Định Biên sạt lở.

Đường xấu, sau 2 tiếng, chúng tôi mới đến xã Định Biên, lúc này, đội của Công đang phát đồ cứu trợ tại thôn Khau Lộc. Tôi gặp Công và đồng đội đang trao nhu yếu phẩm cho bà con.

Chẳng kịp hỏi han nhiều, tôi nhảy lên thùng xe, cùng đội của Công đến điểm cứu trợ tiếp theo. Giờ tôi mới có thời gian quan sát kỹ những sinh viên tiên phong đến những điểm xa xôi. Trên thùng xe chật chội, rung lắc liên tục, chúng tôi trò chuyện, Công hỏi tôi “Một lát nữa, chúng em phải lội suối, vào rừng, anh có đi được không?”. Tôi đáp lời ngay “Đội nhiều nữ thế này còn xông pha được thì anh ngại gì mà không đi, biết đâu có lúc cần hỗ trợ thì nhóm em có thêm 2 người, nhìn anh thế này thôi nhưng khỏe lắm”. Có lẽ, các bạn lo lắng cho chúng tôi, thực tế, thể trạng của chúng tôi cũng không chênh nhau là bao, ba cậu sinh viên trường y đúng chất thư sinh: cao, gầy, đeo kính.

Từ những câu chuyện trên thùng xe, tôi biết đoàn của Công có 2 xe cứu trợ, một xe tôi đang ngồi và một xe đi Bắc Kạn từ sáng sớm. Công tâm sự, những ngày qua, nhiều lực lượng tình nguyện đổ về thành phố Thái Nguyên, nhưng còn nhiều vùng ở xa hơn cũng đang rất cần sự hỗ trợ, vì thế Công đã tự thành lập một đội cứu trợ, tiên phong đến những vùng xa để kịp thời hỗ trợ người dân.

Niềm vui của những người dân khi nhận được sự giúp đỡ kịp thời.

Niềm vui của những người dân khi nhận được sự giúp đỡ kịp thời.

Công nhanh chóng tìm được 2 xe vận chuyển, kết nối với các thành viên trong CLB, Đoàn - Hội để kêu gọi quyên góp nhu yếu phẩm. Chỉ trong một thời gian ngắn, lời kêu gọi được sinh viên hưởng ứng nhiệt tình, Công nói với tôi “Sinh viên trường y dược lúc nào cũng sẵn sàng, chúng em lúc nào cũng có một trái tim nóng và một cái đầu lạnh”.

“Cái đầu lạnh” của các bạn làm chúng tôi nể phục, thành lập đội cứu trợ, Công đã lên kế hoạch chi tiết, tìm phương tiện di chuyển, liên lạc với chính quyền địa phương cần hỗ trợ để nắm rõ tình hình thực tế, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên và luôn sẵn những phương án đảm bảo an toàn. Bởi vậy, nên khi liên lạc với Hội Chữ thập đỏ và Công an thành phố, đội nhanh chóng được hỗ trợ, giúp đỡ.

Một số đoạn đường vào sâu trong xã Định Biên sạt lở nghiêm trọng, bênh cạnh đường là dòng nước xiết, nguy hiểm trập trùng.

Một số đoạn đường vào sâu trong xã Định Biên sạt lở nghiêm trọng, bênh cạnh đường là dòng nước xiết, nguy hiểm trập trùng.

“Chuyên nghiệp đấy, làm việc rất chuẩn chỉ” – tôi nói. Công cười: “Chúng em là sinh viên trường Y Dược mà, tiếp xúc với bệnh nhân thường ngày, việc chăm sóc, hỗ trợ người bệnh hay các hoạt động cứu trợ, các bạn đều nắm rõ. Đợt dịch bệnh Covid-19 hoành hành, sinh viên trường Y Dược cũng xung phong vào những điểm nóng nhất anh ạ.”.

Đội tình nguyện nào cũng làm chuẩn chỉ như này thì tốt biết mấy. Thực tế, có những đoàn cứu trợ đến các điểm ngập lụt nhưng không nắm được tình hình, cũng chẳng có kế hoạch cụ thể công việc cần làm. Ngày đến Thái Nguyên, tôi cũng theo một đoàn cứu trợ đến thành phố, rồi trên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, cả đoàn quay xe đến huyện Phú Bình, bỏ tôi giữa cao tốc. Tôi để lại 5 chiếc áo phao cho đoàn vì thấy họ đi cứu trợ mà chẳng ai mang áo phao, rồi đến điểm ngập lụt cũng không có thuyền để di chuyển...

Tiếp đoạn, chuyến xe dừng lại tại nhà bác Lý Văn Lệ, gia đình chịu thiệt hại nặng nề do bão lũ. Tại đây, đội tiếp cận, hỗ trợ 7 hộ dân khác bị thiệt hại nặng nề do sạt lở, ngập lụt. Xuống xe, cả đội nhanh chóng chuyển đồ từ thùng xe vào trong nhà. Công hỏi thăm gia đình bác Lệ, còn tôi tranh thủ trò chuyện với chị Nông Thị Nghị - Chủ tịch UB MTTQ xã Định Biên, chị là người theo sát đội cứu trợ từ sáng.

Đội cứu trợ tiên phong đến những điểm vùng xa.

Đội cứu trợ tiên phong đến những điểm vùng xa.

Thấy tôi nói ghi âm phỏng vấn, chị trả lời có phần nghiêm nghị, tôi đùa chị rằng chị đúng là cán bộ, nói như công văn. Hai chị em cười, tôi nói với chị “Chúng em làm báo cho sinh viên chị ạ, chị thấy sinh viên Thái Nguyên có... ‘chất’ không?”. Lúc này, chị Nghị mới thoải mái, chị cười: “Quá chất, chị thấy các bạn năng động, chịu khó, đến những vùng xa, đến từng nhà để hiểu rõ hoàn cảnh thực tế khó khăn nơi này, các bạn sinh viên nhưng có sự chững chạc, trưởng thành lắm.”

Đường phía trước sạt lở nặng, đất đá, cây cối chắn ngang đường. Những vùng xa quốc lộ rất khó để huy động nhanh lực lượng mở đường, chưa kể nguy cơ sạt lở thêm vẫn còn. Tôi thấy Công buồn, đứng lúc lâu trước đoạn đường sạt lở. Công nói với tôi: “Ngày hôm nay, em bất lực và thất vọng nhiều lần, đích đến đầu tiên của chúng em là xã Bảo Linh, nhưng đường đến Bảo Linh đã sạt lở nặng, chia cắt. Những món quà của các bạn sinh viên Đại học Thái Nguyên gửi xã Bảo Linh đành để lại ở điểm gần nhất. Chúng em phải thay đổi kế hoạch liên tục, hy vọng người dân được giúp đỡ kịp thời, giờ đến đoạn này lại tiếp tục sạt lở, em buồn.”

Đội cứu trợ phải lên xe về thành phố. Một bà lão tặng đội cứu trợ nải chuối chín vàng, bà nói: “Bà cũng muốn cháu bà thi đỗ thành sinh viên Thái Nguyên giống các cháu.” Chị Nghị cùng người dân bắt tay, vẫy chào các bạn sinh viên.

Bầu trời Định Hóa xám xịt cả ngày nhưng cuối ngày lại hắt lên ánh hoàng hôn. Tôi nán lại một lúc, nhìn đoàn xe rời đi, trong lòng nhiều cảm xúc. Xã Định Biên là xã thuộc vùng ATK Định Hóa, là nơi ra đời Việt Nam Giải phóng quân, là chiến khu Việt Bắc lừng lẫy một thời. Hôm nay, trên đường “chiến khu” có những trái tim quả cảm, nhiệt huyết noi gương các thế hệ đi trước.

Về đến Hội Chữ thập đỏ thành phố, công việc của những tình nguyện viên chưa dừng lại.

Vượt qua các điểm sạt lở, chừng 7 giờ tối, xe về đến Hội Chữ thập đỏ thành phố, công việc của những tình nguyện viên chưa dừng lại. Tại đây, tôi lại thấy nhiều đội tình nguyện mang trên mình chiếc đồng phục của trường Y Dược, Sư phạm, Ngoại ngữ... Các bạn sinh viên đang hỗ trợ vận chuyển nước, thực phẩm, một nhóm khác phát cơm, nước miễn phí cho người dân.

Sinh viên Thái Nguyên ở khắp các ‘mặt trận’, hàng trăm sinh viên tham gia nấu ăn tại các bếp ‘0 đồng’, tham gia cứu hộ, vượt mưa gió tiếp tế nhu yếu phẩm đến các điểm ‘nóng’, tham gia đắp đê sông, dọn dẹp phố phường và ngay khi chưa hết khó khăn, sinh viên Thái Nguyên xung kích đến những vùng sâu, vùng xa hơn.

Sinh viên Thái Nguyên có mặt ở tất cả 'mặt trận'.

Sinh viên Thái Nguyên có mặt ở tất cả 'mặt trận'.

Sinh viên Thái Nguyên đâu phải có mỗi người Thái Nguyên, để có một lực lượng tình nguyện sẵn sàng tiên phong, xung kích vì cộng đồng, đem tuổi trẻ cống hiến cho quê hương, đất nước là cả một quá trình lịch sử lâu dài xây dựng công tác Đoàn - Hội, từ những người làm Đoàn - Hội nhiệt huyết, gương mẫu, luôn “sống cùng sinh viên.

Những nụ cười dưới mưa, những bông hoa cài trên tóc, chúng tôi sẽ nhớ mãi hình ảnh sinh viên Thái Nguyên trong đợt lũ lịch sử này.

Ảnh: Lê Vượng - Mỹ Thực

Lê Vượng - Mỹ Thực

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/theo-xe-cho-sinh-vien-thai-nguyen-cuu-tro-vung-sat-lo-ngap-lut-post1672299.tpo