Thép đã tôi trong lửa đỏ
'Chính từ trong gian khổ này, ta mới cùng hiểu cái giá trị của những người con cách mạng. Ai đứng vững trong lửa đỏ và nước sôi, người đó sẽ là người chiến thắng. Như N. Ostrovsky đã nói: 'Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh sẽ càng thêm rắn chắc, sẽ đủ sức mạnh vượt qua mọi thử thách'' - bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đã căn dặn lòng mình như vậy trong trang viết nửa thế kỷ trước.
Trong trang viết đề ngày 29-3-1970, khi mô tả địch uy hiếp khu vực bệnh xá một cách nghiêm trọng, chị lo lắng về tính mạng của hai người đồng đội - anh Cảnh và anh Xuất “đi cảnh giới không thấy về, súng nhỏ nổ hướng đó, tàu bay hạ hướng đó, có ai sao không?”. Trong tâm trạng lo âu đè nặng, chị nhớ đến lời người anh trong một buổi tâm tình đã hỏi Thùy Trâm: “Ai bảo vào Nam chi cho khổ, ở ngoài đó thì không ở”.
Lúc này, giữa tiếng súng quần sát, giữa hiểm nguy bom đạn, Thùy Trâm quả quyết: “Anh trách em sao? Mình biết anh không trách mà chỉ thương mình nên hỏi vậy thôi. Anh là người thứ ba đã hỏi mình câu hỏi đó. Không đâu, chính từ trong gian khổ này ta mới cùng hiểu cái giá trị của những người con cách mạng. Ai đứng vững trong lửa đỏ và nước sôi, người đó sẽ là người chiến thắng.
Như N. Ostrovsky đã nói: “Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh sẽ càng thêm rắn chắc, sẽ đủ sức mạnh vượt qua mọi thử thách”. Đêm nay rừng cây im lặng, cái im lặng mà sôi sục lạ thường. Ở đây, mình lắng nghe từng động tĩnh và theo dõi bước đi của địch, còn ở đó chắc anh cũng đang dõi theo từng bước đi của mình”.
Trang viết đề ngày 27-4-1970, Thùy Trâm bày tỏ thương xót và những cảm xúc sâu thiết khi người đồng đội là em Thường bị địch bắt. Chị viết: “Ôi, đứa con trai duy nhất của một bà mẹ già đã suốt một cuộc đời cặm cụi nuôi con, ước mơ cũng chỉ là đứa con ấy... bây giờ!!! Ôi đứa em ngoan ngoãn dịu hiền, đứa em sâu sắc và sớm trưởng thành trong cách mạng, đứa em của mình giờ đây đã nằm trong bàn tay đẫm máu của kẻ thù. Bất giác mình nhớ lại một đêm cuối cùng gặp Thường. Hôm ấy ánh trăng mờ đã soi tỏ nét mặt buồn buồn của em, em cầm tay mình nói khẽ: “Chắc lần này không gặp chị nữa đâu”. Mình la em, sao lại nói bậy như vậy.
Nhưng giọng em trầm trầm: “Không bậy đâu chị à. Làm cách mạng hy sinh là chuyện thường tình. Em đã sống mười năm nay, may mắn nhiều rồi, không lẽ may mắn hoài vậy sao”. Chao ôi, sao em lại tiên đoán như vậy để hôm nay lòng chị rớm máu khi hay tin em sa vào tay giặc. Vậy là hết đó sao em? Không còn được gặp lại đứa em giản dị, hiền lành của quê hương Phổ Hiệp nữa hay sao. Đau buồn bây giờ không thể biểu hiện bằng nước mắt mà hãy bằng ý chí trả thù, bằng sự nghiến răng lại ngẩng cao đầu mà bước tiếp chặng đường gian khổ”.
Những dòng nhật ký trên toát lên sự chân thực về tình cảm của những người chiến sĩ, đồng đội trong hiểm nguy khói lửa chiến tranh; sự dũng cảm hy sinh và “ý chí trả thù, bằng sự nghiến răng lại ngẩng cao đầu mà bước tiếp chặng đường gian khổ”.
Khi người em tên Thường sa vào tay giặc, lo sợ tính mạng em sẽ bị địch sát hại nhưng lời gan dạ của người thanh niên “làm cách mạng hy sinh là chuyện thường tình” đã thôi thúc Thùy Trâm vượt lên sự ủ rũ, tiếc thương bằng ý chí trả thù, như chị viết trong nhật ký. Và chị tiếp tục đứng lên, đối mặt bom đạn kẻ thù ở nơi chiến trường ác liệt nhất.
Ở đây, hiện thực cuộc sống vừa anh dũng, vừa bi hùng. Thùy Trâm bày tỏ sự đau buồn, thương cảm khi hay tin người em sa vào tay giặc, viết ngày 27-4-1970 thì chưa đầy 2 tháng sau, ngày 22-6-1970, chị đã ngã xuống tại chiến trường Đức Phổ. Chị ngã xuống khi cuốn nhật ký còn dở dang, bỏ lại bao dự định, hoài bão tuổi thanh xuân của nữ bác sĩ dũng cảm, gan dạ, sống nặng nghĩa tình đồng đội...
Với anh Thường (anh Trần Văn Thường), thời điểm đó bị địch áp giải, giam cầm nên không có thông tin về sự hy sinh của người chị Đặng Thùy Trâm. Sau này, anh bị địch đưa ra giam cầm ở nhà tù Phú Quốc, mãi đến khi giải phóng mới thoát khỏi nhà tù của địch. Được biết, sau giải phóng, anh về công tác tại tỉnh nhà và là Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Ngãi.
Những chi tiết trên toát lên sự bi hùng của cuộc chiến, đó không phải là những lời lẽ kiểu hàn lâm, lý thuyết hay khẩu hiệu hô hào mà trực diện bằng hiện thực, bằng những suy nghĩ, trái tim, hành động của con người ngay giờ phút hiểm nguy nơi chiến trường khói lửa, nơi ranh giới sự sống, cái chết cận kề.
Chính Thùy Trâm từ tâm trạng lo lắng, đau xót khi hay tin người đồng đội bị bắt, lo lắng, dự cảm tính mạng của người em trong tay giặc và chị đứng vững, bước lên bằng sự quyết tâm “làm cách mạng hy sinh là chuyện thường tình!”. Kết cục của hai con người sau đó là khác nhau nhưng chính trong chiến trường khốc liệt, ở thời điểm bi tráng nhất đã toát lên tình đồng chí, đồng đội, dũng khí hun đúc nên sức mạnh bước tới. Không có giáo điều, hàn lâm, chính con người thực, hành động thực đã nói lên tất cả.
Và đây là đoạn nhật ký anh Nguyễn Văn Thạc viết đêm 24-5-1972, khi hành quân qua đất Hà Tĩnh để vào chiến trường: “Có thể ngày mai, cuộc đời sẽ trả lời mình bằng luồng gió lạnh ngắt nhưng có hề chi, khi mình đã cống hiến cho cuộc đời một tâm hồn chính trực và cao cả, biết yêu và biết ghét, biết lăn lộn trong cái bình dị của cuộc sống mà cảm hiểu hạnh phúc không có gì so sánh nổi. Biết sống cao thượng, vươn lên trên tất thảy những gì tính toán cá nhân mòn mỏi và cằn cỗi. Phải, mình phải sống như vậy, phải cống hiến cho cuộc đời một tâm hồn như thế, đây là mơ ước, là nguyện vọng, quyết tâm và cũng là trách nhiệm mình phải làm. Phải làm”.
Với những người bạn, anh không lấy sự vinh hạnh của người khác để so nghĩ về sự dấn thân, hy sinh của mình: “Thạc có buồn không? Có buồn bã vì những năm tháng phải xa trường đại học, vì không được ra nước ngoài học tập. Vì các bạn Thạc, người đi đây, người đi đó, sống êm ả, sung túc với tập giáo trình. Ngày mai, các bạn về, các bạn có kiến thức, các bạn là kỹ sư, là các nhà bác học, còn Thạc, sẽ chỉ là một con người bình thường nhất, nếu chiến tranh không cướp đi của Thạc một bàn chân, một bàn tay...”.
Ở Bảo tàng thành cổ Quảng Trị còn lưu giữ “Bức thư tiên tri” của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, người đã viết lá thư cuối cùng gửi những người thân trong gia đình và điều đặc biệt là trong lá thư đó, anh không chỉ dự cảm ngày hy sinh mà còn chỉ dẫn người thân tìm đúng nơi sẽ chôn cất mình: “Thôi nhé, em đừng buồn, khi được sống hòa bình hãy nhớ tới công anh. Nếu thương anh thực sự thì khi hòa bình, có điều kiện vào Nam lấy hài cốt anh về. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã qua cầu, ngược trở lại, hỏi thăm về “Nham Biều 1”. Nếu tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng. Về đấy tìm sẽ thấy bia ghi dòng chữ tên anh đục trên mảnh tôn”.
Tác giả bức thư, liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, sinh năm 1949, trong một gia đình nông dân nghèo ở vùng lúa Thái Bình, có ông nội và cha đều bị thực dân Pháp sát hại. Đang là sinh viên năm thứ tư Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, tháng 5-1972, anh đi bộ đội và xung phong vào chiến trường, đúng thời điểm ở Quảng Trị đang diễn ra những trận đánh khốc liệt nhất.
Khi đó, trung bình mỗi đêm lại có thêm một đại đội (khoảng trên 100 người) vượt sông Thạch Hãn để vào thành cổ và nhiều người ngã xuống. Đầu tháng 9-1972, Lê Văn Huỳnh được lệnh đưa hàng qua sông Thạch Hãn và anh dự cảm rằng, chuyến vượt sông đó là ngày cuối của cuộc đời mình. Điều đặc biệt là dẫu biết trước cái chết tất yếu sẽ đến nhưng người lính trước lúc vượt sông Thạch Hãn và chìm vào dòng nước vẫn bình thản đến lạ thường khi ngôn ngữ lá thư rất tự nhiên, thậm chí còn pha chút dí dỏm. Anh đã bình thản tự làm một tấm tôn thay bia mộ cho mình; trên đó có khắc đủ cả họ tên, quê quán, năm sinh rồi xé 10 trang giấy từ cuốn sổ tay, viết sẵn bức thư cho gia đình, dặn dò kỹ lưỡng từng người: với mẹ già, với người vợ trẻ, với anh chị và cả với đứa cháu trai bé bỏng...
Ý chí, suy nghĩ, hành động của tuổi trẻ trong chiến tranh, tại chiến trường, thật khó để bộ phim, cuốn sách nào nói hết, lột tả hết. Trong cuốn sách “Nhìn lại quá khứ - tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam”, McNamara rút ra 11 nguyên nhân chính khiến Mỹ thất bại tại Việt Nam, trong đó ông đúc kết: “Chúng ta đã đánh giá nhân dân và các nhà lãnh đạo Việt Nam theo kinh nghiệm của chính chúng ta. Chúng ta đã nhìn thấy ở họ niềm khao khát và quyết tâm chiến đấu giành tự do và dân chủ. Chúng ta đã đánh giá hoàn toàn sai các lực lượng chính trị trong nước. Chúng ta đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy một dân tộc đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng và các giá trị của nó...”.
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/thep-da-toi-trong-lua-do-638823/