Thép SMC dự kiến lãi 80 tỷ trong năm 2024, lên kế hoạch mua lại 200 tỷ đồng trái phiếu trước hạn
Thép SMC lên kế hoạch sản lượng tiêu thụ trong năm 2024 là 900.000 tấn thép các loại và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 80 tỷ đồng. Kế hoạch trên được đưa ra trong bối cảnh công ty thương mại thép này vừa trải qua một năm kinh doanh tồi tệ...
Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (mã chứng khoán: SMC) vừa thông báo nghị quyết của Hội đồng quản trị về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024.
Cụ thể, Hội đồng quản trị công ty nhất trí thông qua kế hoạch sản lượng tiêu thụ trong năm 2024 là 900.000 tấn thép các loại và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 80 tỷ đồng. Kế hoạch trên được đưa ra trong bối cảnh công ty thương mại thép này vừa trải qua một năm kinh doanh tồi tệ.
Theo báo cáo tài chính quý 3/2023, Thép SMC đạt 3.141 tỷ doanh thu thuần hợp nhất, giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Kinh doanh dưới giá vốn cộng với các chi phí khiến Thép SMC lỗ sau thuế 178 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ 219 tỷ đồng. Trong đó, công ty mẹ lỗ sau thuế 164 tỷ đồng.
Công ty cho biết, mặc dù quý 3/2023 là mùa thấp điểm của ngành thép, nhưng đặc biệt năm nay sản lượng và giá bán đều giảm mạnh so với các năm trước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Thép SMC ghi nhận doanh thu đạt 10.574 tỷ đồng, giảm 44,2% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế lỗ 586 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 93,6 tỷ đồng.
Năm 2023, Thép SMC đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 20.350 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến là 150 tỷ đồng. Với việc lỗ trong 9 tháng đầu năm 2023, công ty còn cách rất xa kế hoạch có lãi.
Tính tới ngày 30/9/2023, tổng tài sản của công ty giảm 19% so với đầu năm, lùi về 6.765 tỷ đồng; bao gồm tổng tài sản ngắn hạn ghi nhận đạt 4.579 tỷ đồng, còn lại 2.186 tỷ đồng là tài sản dài hạn.
Trong đó, chiếm tới 30% tổng tài sản là các khoản phải thu ngắn hạn, ghi nhận ở 2.046 tỷ đồng. Hàng tồn kho ghi nhận ở 1.256 tỷ đồng, chiếm tới 18% tổng tài sản.
Không những kinh doanh gặp khó, tình trạng thu hồi công nợ của SMC cũng bế tắc khi những doanh nghiệp bất động sản chưa có nhiều nguồn thu. Cuối tháng 9/2023, Thép SMC có hơn 1.300 tỷ đồng nợ xấu, trong đó 98% là nợ ngắn hạn. Phần lớn đến từ các công ty bất động sản có liên quan tới Novaland.
Trong bối cảnh khó khăn, Thép SMC đã phải thu hẹp sản xuất kinh doanh và nhân sự trong toàn hệ thống đồng thời tiết giảm tất cả chi phí phát sinh.
Ngoài ra, công ty còn chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê, vật dụng, kiến trúc trên đất tại SMC Bình Dương ở đường số 5, Khu công nghiệp Đồng An, huyện Thuận An, Bình Dương. Khu đất có diện tích 6.197 m2, giá chuyển nhượng dự kiến là 49 tỷ đồng.
Một thông tin đáng chú ý khác, Hội đồng quản trị của Thép SMC cũng thông qua việc mua lại trái phiếu trước hạn. Cụ thể, doanh nghiệp dự kiến mua lại toàn bộ 200 trái phiếu, tương ứng giá trị 200 tỷ đồng.
Lô trái phiếu này là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo, được phát hành ngày 2/8/2021 và dự kiến đáo hạn ngày 2/8/2024. Ngày dự kiến mua lại là ngày 2/2/2024.
Ngoài ra, Hội đồng quản trị cũng thông qua việc miễn nhiệm chức Phó Tổng Giám đốc - Khối Hành chính nhân sự với ông Nguyễn Văn Tiến (sinh năm 1953) kể từ ngày 2/1/2024.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc năm tài chính 2023, cổ phiếu SMC “chốt sổ” ở mức 10.250 đồng/cổ phiếu. Theo đó, vốn hóa của doanh nghiệp thép này trên thị trường hiện đạt 755 tỷ đồng.