Thép tấm Việt không còn 'rào cản' xuất khẩu sang Thái?
Cơ quan chức năng Thái Lan cho rằng, sau 6 năm áp dụng biện pháp tự vệ, ngành sản xuất nội địa nước này đã được cải thiện, không có bằng chứng về thiệt hại hay đe dọa nghiêm trọng gây ra cho ngành sản xuất nội địa do nhập khẩu tăng, nên không cần thiết phải mở rộng việc thực thi các biện pháp bảo vệ chống lại hàng nhập khẩu.
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Cục Ngoại thương - Bộ Thương mại Thái Lan (DFT) thông báo, Thái Lan đã chấm dứt áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số mã sản phẩm thép tấm không hợp kim cán nóng dạng cuộn và không cuộn nhập khẩu. Biện pháp tự vệ đối với các sản phẩm nói trên đã kết thúc kể từ ngày 7/6/2020.
Trước đó, ngày 7/5/2020, DFT đã công bố bản dữ kiện trọng yếu là cơ sở để đưa ra kết luận cuối cùng của vụ việc. Theo đó DFT cho rằng, sau 6 năm áp dụng biện pháp tự vệ, ngành sản xuất nội địa Thái Lan đã được cải thiện, không có bằng chứng về thiệt hại hay đe dọa nghiêm trọng gây ra cho ngành sản xuất nội địa do nhập khẩu tăng, do đó không cần thiết phải mở rộng việc thực thi các biện pháp bảo vệ chống lại hàng nhập khẩu.
Đây là vụ việc Thái Lan đã khởi xướng điều tra và áp dụng biện pháp tự vệ từ năm 2014, đã trải qua 3 lần rà soát, mức thuế tự vệ trước khi biện pháp được dỡ bỏ lần lượt là 21,00% - 20,87% - 20,74% của giá C.I.F trong 3 năm từ 7/6/2017 - 6/6/2020.
Việc Thái Lan chấm dứt áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số mã sản phẩm thép tấm không hợp kim cán nóng dạng cuộn và không cuộn nhập khẩu tạo cơ hội để các doanh nghiệp thép Việt có thể đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm này vào một trong những thị trường lớn nhất ASEAN. Trong khi đó, sản phẩm ống, ống dẫn bằng sắt hoặc thép có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan vẫn gặp khó với mức thuế chống bán phá giá từ 6,97% - 51,61% (giá CIF).