'There's No One At All' của Sơn Tùng: Sai ở đâu sửa cho đúng và bài học từ nghệ sĩ quốc tế
Ngay sau khi ra mắt, MV 'There's No One At All' của Sơn Tùng M-TP đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận vì kết cục tăm tối của nhân vật chính. Cùng khai thác chủ đề sức khỏe tinh thần, các sản phẩm giải trí của sao quốc tế đã giải quyết vấn đề này như thế nào?
Trưa ngày 29/4, liên quan đến những quan ngại về việc MV There's No One At All của Sơn Tùng M-TP có "màu sắc u ám kèm thông điệp sống tiêu cực", Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết đang phối hợp xử lý vụ việc theo hướng tạm dừng phát hành MV. Trên thực tế, không khó để tìm thấy những sản phẩm văn hóa nghệ thuật có nhiều hình ảnh tương đồng, đặc tả nỗi thất vọng, bất lực và cô đơn của người trẻ trong thời đại mới.
Năm 2021, ca sĩ Demi Lovato "gây sốc" khi ra mắt MV Dancing With The Devil với hình ảnh bản thân thâm tím nằm trong phòng cấp cứu, tái hiện lại khoảnh khắc Demi nhập viện vì sốc thuốc cách đây 3 năm. Trước đó, trên sân khấu lễ trao giải Grammys lần thứ 62, nữ nghệ sĩ cũng có màn trình diễn ca khúc Anyone kể lại giai đoạn tăm tối, bế tắc trong sự nghiệp và đời sống cá nhân.
Loạt phim 13 Reasons Why của Netflix cũng từng gây tranh cãi vì khai thác chủ đề tự tử ở lứa tuổi mới lớn. Đặc biệt, trường đoạn đặc tả nữ chính Hannah Baker trong bồn tắm khiến nhiều bậc phụ huynh lo ngại, gửi kiến nghị yêu cầu Netflix loại bỏ cảnh quay này ra khỏi bộ phim.
Trong cả hai trường hợp trên, ngay hoặc thậm chí trước cả khi khán giả có những quan ngại, phía ê-kíp đều chủ động cảnh báo về những yếu tố có thể gây kích động (trigger) ngay từ đầu video. Trong trường hợp của 13 Reasons Why, kể từ mùa 2, các diễn viên và ê-kíp còn chủ động thông tin cho khán giả về tổng đài hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho những ai cần giúp đỡ. Thậm chí, tại Anh, kể từ năm 2014, các MV ca nhạc cũng được dán nhãn phân loại độ tuổi theo các mức độ 12, 15 và 18 tuổi.
Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam, nhiều ê-kíp đang dùng những nhãn dán 16+ hay 18+ như một chiêu trò câu khách, khiến khán giả tò mò bấm chuột hơn là một công cụ cảnh báo. Hiếm hoi có trường hợp của Soobin Hoàng Sơn chủ động đặt độ tuổi giới hạn người xem và vẫn giữ nguyên nội dung MV Nếu ngày ấy cùng những cảnh "đẫm máu" trên YouTube.
Trong trường hợp Sơn Tùng M-TP và MV There's No One At All, xuyên suốt chiến dịch truyền thông, phía ê-kíp chỉ tập trung vào yếu tố thời trang và tạo hình nhân vật thay vì cảnh báo các yếu tố gây kích động trong MV. Khán giả có thể xem MV dễ dàng trên YouTube mà không cần phải đăng nhập tài khoản hay xác minh độ tuổi. Đây chính là "điểm yếu chí mạng" trong lần trở lại mới nhất của Sơn Tùng M-TP.
Trước There's No One At All, MV Không Phải Dạng Vừa Đâu (2015) của nam ca sĩ gốc Thái Bình cũng từng được ê-kíp chủ động thu hồi vì vướng nghi án đả kích hai nhạc sĩ Phó Đức Phương và Dương Khắc Linh. Thiết nghĩ, với vị thế của một ngôi sao có sức ảnh hưởng hàng đầu V-Biz, Sơn Tùng và ê-kíp nên có những sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn mỗi khi ra mắt sản phẩm mới.