Thi công cầu vượt đường sắt trên Quốc lộ 45 gây mất an toàn giao thông
Bất chấp nguy hiểm, những ngày qua nhà thầu thi công dự án cầu vượt đường sắt trên tuyến Quốc lộ 45 (Địa bàn xã Yên Thái, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) đã sử dụng lòng đường Quốc lộ 45 làm mặt bằng thi công. Việc thi công không được đơn vị đảm bảo an toàn giao thông, gây nguy hiểm và bức xúc cho người tham gia giao thông trên truyến đường này.
Dự án cầu vượt đường sắt (tại ga Yên Thái, tỉnh Thanh Hóa) thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp đoạn Hà Nội - Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội - TP. HCM, do Ban quản lý Dự án Đường sắt làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty Cổ phần Xây lắp 38.
Theo quan sát của phóng viên, hơn 1 tuần qua đơn vị thi công bắt đầu triển khai thực hiện thi công phần khoan cọc nhồi, thay vì làm đường tránh để phân luồng giao thông trước khi thi công (theo thiết kế) thì đơn vị này đã đào đắp mở rộng tuyến Quốc lộ 45 để phân luồng. Việc thi công với hệ thống máy móc đồ sộ ngay trên mặt đường Quốc lộ 45 và không được ngăn cách bằng tấm chắn hoặc ranh giới đảm bảo an toàn; 2 bên đầu và cuối tuyến không được bố trí người phân luồng, hướng dẫn giao thông. Với lượng người và phương tiện lưu thông nhiều đã gây ách tắc và mất an toàn đối với người dân tham gia giao thông qua đoạn đường này. Tìm hiểu về việc tại sao thi công dự án không có đường tránh mà sử dụng Quốc lộ thi công và không có biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, đại diện Công ty Cổ phần Xây lắp 38 - đơn vị thi công giải thích: "Lệnh khởi công từ tháng 5 nhưng đến giờ chưa có mặt bằng. Đường sẽ phải đi xuyên qua bên kia, tại vì trụ sẽ đào đứt quốc lộ 45, phải phân luồng rất, thông suốt giao thông, nhưng mong ủng hộ dự án vì thực tế".
Trước ý kiến cho rằng chính quyền địa phương chưa bàn giao mặt bằng để thi công đường tránh phục vụ thi công dự án, trong khi tiến độ dự án đã bị chậm nên nhà thầu phải sử dụng Quốc lộ làm mặt bằng thi công. Đại diện UBND huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa cho biết, dự án có tổng kinh phí giải phóng mặt bằng là hơn 110 tỷ, nhưng đến nay chủ đầu tư mới giải ngân được 39 tỷ đồng, không đảm bảo nguồn vốn thực hiện, mặc dù UBND huyện đã có văn bản yêu cầu chuyển tiền để địa phương giải phóng mặt bằng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Chung, cán bộ Ban quản lý dự án đường sắt (đơn vị chủ đầu tư) lại phân bua, việc mượn lòng đường Quốc lộ 45 thi công đã xin ý kiến đơn vị quản lý đường và đây chỉ là phương án trước mắt, về lâu dài phải có đường tránh: "Sợ nhất là ách tắc vì đoạn thi công là đường sắt, tắc là nguy hiểm. Vẫn phải có phương án đảm bảo giao thông, có hồ sơ, rào chắn. Giờ gần tết rồi Ban cũng liên tục ra công văn đôn đốc nhà thầu phải đảm bảo giao thông, nhất là giao thông đường sắt tránh ách tắc. Nhắc nhở đơn vị dọn dẹp dần để chuẩn bị đón tết".
Mặc dù thiết kế và phương án thi công phải có đường tránh và có phương án đảm bảo an toàn giao thông, tuy nhiên đơn vị thi công đã lơ là trong việc này, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông trên tuyến qua đoạn đường này. Đáng nói hơn là vị trí thi công ngay sát đường sắt, ga tàu, nhiều người đặt câu hỏi về trách nhiệm của chủ đầu tư, chính quyền địa phương, đơn vị quản lý tuyến Quốc lộ 45 trong việc để nhà thầu thi công khi chưa đảm bảo phương án an toàn giao thông.
Tại phiên họp UBND tỉnh vừa diễn ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm yêu cầu các địa phương, sở ngành đặc biệt quan tâm theo dõi và có phương án đảm bảo an toàn tại các dự án thi công trên địa bàn tỉnh trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.