Thi công dự án nâng cấp cầu đường sắt yếu trong gói 7.000 tỷ đồng

Ngày 18/5, tại cầu đường sắt Rồng Lớn (Lý trình Km 641 + 700, tuyến đường sắt Hà Nội – TP Hồ Chí Minh HCM) thuộc xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng (Quảng Trị), Ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ GTVT) đã ra quân thi công Gói thầu XL-CY-06 dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Bắc Nam thuộc gói dự án 7.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 556/NQ-UBTVQH14 ngày 31/7/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đây là là gói thầu xây lắp thứ hai nằm trong các dự án đường sắt quan trọng, cấp bách sử dụng nguồn vốn dự phòng trung hạn theo Nghị quyết số 556/NQ-UBTVQH14 sau gói thầu XL-CY-01 thi công tại huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam ngày 8/5.

Thực hiện Nghị quyết số 556/NQ-UBTVQH14 ngày 31/07/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phương án sử dụng nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho các dự án đường sắt và các dự án đường bộ quan trọng, cấp bách (sau đây gọi là dự án 7.000 tỷ), Bộ GTVT đã giao Ban Quản lý dự án đường sắt làm chủ đầu tư 3 trong 4 dự án thuộc lĩnh vực đường sắt, bao gồm: Dự án Cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh (dự án Cầu yếu); dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội – Vinh; dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn, tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông bấm nút thi công gói thầu. Ảnh: Bộ GTVT.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông bấm nút thi công gói thầu. Ảnh: Bộ GTVT.

Riêng Dự án gia cố các hầm yếu kết hợp với mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh – Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, Bộ GTVT giao PMU Ban Quản lý dự án 85 thực hiện.

Việc khởi công thực hiện các dự án đường sắt quan trọng cấp bách trong giai đoạn này ngoài mục tiêu nâng cao năng lực khai thác, đảm bảo an toàn chạy tàu trên tuyến đường sắt Bắc – Nam, còn là sự thể hiện quyết tâm của Bộ GTVT trong viêc thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là vừa đảm bảo phòng chống dịch COVID-19, vừa đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội.

Mục tiêu của 4 dự án đường sắt quan trọng cấp bách từng bước thay thế các cầu yếu; đồng nhất tải trọng khai thác 4,2T/m trên toàn tuyến để đảm bảo an toàn giao thông, nâng cao sản lượng và năng lực vận tải đường sắt; cải tạo hệ thống hạ tầng đường sắt, nâng cao tốc độ chạy tàu trên tuyến đường sắt Bắc Nam và bảo đảm an toàn chạy tầu nói chung. Đồng thời, các dự án tập trung xây dựng các trụ chống va xô, nhằm hạn chế thấp nhất những tổn thất về người và tài sản do va chạm của các phương tiện vận tải đường thủy nội địa đối với các công trình cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội – TP Hồ Chí Minh.

Gói thầu XL- CY-06 dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Bắc Nam xây dựng 129 cầu, trong đó, xây dựng mới và cải tạo kiến trúc tầng trên một số đoạn đường hai đầu cầu của 111 cầu; xây dựng trụ chống va xô 4 cầu; sửa chữa, nâng cấp 14 cầu, với tổng mức đầu tư 1.949 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2019-2021.

Đây là dự án cấp bách được Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm. Việc triển khai thi công tiếp gói thầu XL-CY-06 đầu tiên này sẽ tạo bước chạy đà thuận lợi cho các gói thầu tiếp theo của các dự án đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng với mục tiêu hoàn thành toàn bộ các dự án trong năm 2021.

Theo ông Vũ Hồng Phương, quyền Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt, Ban đang khẩn trương khởi công đồng loạt các gói thầu xây lắp còn lại, yêu cầu các nhà nhà thầu tư vấn giám sát, nhà thầu xây lắp dồn lực huy động máy móc, thiết bị và nhân lực để thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng và giải ngân vốn đầu tư sát kế hoạch theo Nghị quyết số 556.

Ông Phan Quang Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cũng cho biết, mặc dù cả 4 dự án cấp bách đường sắt không quá phức tạp về công nghệ, nhưng điều kiện thi công khó khăn, yêu cầu cao về an toàn, chất lượng và nhất là thời gian thi công. Vì vậy, các đơn vị thi công giám sát chặt chẽ thiết kế, biện pháp tổ chức thi công và nhất là kiểm soát chất lượng vật liệu đầu vào để cán đích vượt kế hoạch.

Vân Sơn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/thi-cong-du-an-nang-cap-cau-duong-sat-yeu-trong-goi-7000-ty-dong-20200518111939957.htm