Thi đại học - kỳ thi khốc liệt ở Trung Quốc

Đỗ đại học vẫn là kỳ vọng của đa phần các gia đình Trung Quốc đối với con mình, đặc biệt là ở vùng nông thôn.

Kỳ thi đại học hàng năm ở Trung Quốc vừa kết thúc cách đây không lâu. Dù giờ đây cơ hội du học ngày càng nhiều và quan niệm thi cử đã bớt phần căng thẳng, song đỗ đại học vẫn là kỳ vọng của đa phần các gia đình Trung Quốc đối với con mình, đặc biệt là ở vùng nông thôn.

Học sinh Trung Quốc ôn thi đại học. Ảnh: Chinanews

Học sinh Trung Quốc ôn thi đại học. Ảnh: Chinanews

Ở Trung Quốc, nói đến những ngôi trường có tỷ lệ học sinh đỗ đại học cao không thể không kể đến trường Trung học Hoành Thủy, tỉnh Hà Bắc, cách thủ đô Bắc Kinh hơn 200km. "Hiện tượng Hoành Thủy" đã đưa ngôi trường này trở thành "trường trung học siêu đẳng" ở Trung Quốc. Tuy nhiên, để trụ lại được ở đây, học sinh sẽ phải chịu sự quản lý như trong quân đội với kỷ luật nghiêm ngặt và giờ giấc tính bằng phút. Tất cả học sinh phải ở lại trường.

Một ngày của các em bắt đầu từ 5h30 sáng và kết thúc vào 10h10 tối. Mỗi ngày, ngoài tập thể dục, luyện mắt, xem thời sự, một chút thời gian ăn cơm, tắm rửa và 1 tiếng nghỉ trưa, tất cả thời gian còn lại chỉ dùng vào việc học và kiểm tra. Kết quả không tốt sẽ phải viết kiểm điểm, lực học sa sút có thể phải chịu sự quản chế hà khắc.

Phụ huynh cầm hoa hướng dương với ngụ ý mong con đỗ đầu (do cách đọc đồng âm trong Hoa hướng dương và chữ "Khôi" trong "khôi nguyên). Ảnh: Thepaper

Phụ huynh cầm hoa hướng dương với ngụ ý mong con đỗ đầu (do cách đọc đồng âm trong Hoa hướng dương và chữ "Khôi" trong "khôi nguyên). Ảnh: Thepaper

Câu chuyện về thi đại học đã trở thành chủ đề của nhiều bộ phim tài liệu ở Trung Quốc và được phát trên sóng Đài Truyền hình Trung ương nước này. Các bộ phim đã tái hiện những hình ảnh quá đỗi quen thuộc tại nhiều ngôi trường cấp 3 ở đây, như: những cô bé, cậu bé đi lại trong sân trường và cầm sách đọc to, những chiếc bàn học chất đống sách vở. Họ học bất cứ ở đâu và khi nào có thể.

Trong bộ phim được quay tại ngôi trường ở thành phố Hội Ninh, tỉnh Cam Túc, một tỉnh nghèo của Trung Quốc, một học sinh nói về ý nghĩa của việc thi đại học: “Ra ngoài đời nếu bạn có kiến thức, có năng lực, các công ty lớn sẽ chọn bạn, để bạn đóng góp cho họ. Như vậy, bạn sẽ có cơ hội đứng vững trong xã hội có nền văn minh vật chất rất phát triển này. Nếu không có kiến thức, khi ra ngoài, bạn chỉ có thể lao động làm thuê, hết năm về ăn Tết, rồi lại đi làm thuê, hết năm này qua tháng khác, chỉ có vậy”.

Một em khác cho biết “Một gia đình nếu có sinh viên đại học, sẽ giúp nâng cao thành phần xã hội của gia đình đó. Do vậy, lý do chính trong việc học của em là em muốn thay đổi số phận, từ đó có thể nâng cao thành phần xã hội của gia đình”.

Vậy với các thầy cô thì sao? Thầy Lý Triệu Dương chia sẻ: "Tất cả các thầy cô đều phải dậy từ 5h30 sáng, sau 9h30 tối mới được về nhà. Tất cả các trường đều vậy, chứ không chỉ trường mình. Vì sao? Bởi vì áp lực thi đại học quá lớn. Áp lực của hiệu trưởng lớn, giáo viên chủ nhiệm lớn. Áp lực của học sinh lớn, của phụ huynh cũng lớn”.

"Bước ngoặt cuộc đời", thậm trí là "cuộc chiến số phận", là cách mà bấy lâu nay nhiều người Trung Quốc gọi kỳ thi đại học hàng năm có tên "Cao khảo" ở nước này. Mặc dù chính phủ Trung Quốc đang có nhiều nỗ lực để giảm áp lực của kỳ thi này, cũng như việc học hành nói chung, song hiện nay đây vẫn là kỳ thi vô cùng"khốc liệt" và mang ý nghĩa quan trọng đối với nhiều gia đình Trung Quốc.

Những người mẹ mặc áo dài trong ngày thi đầu mong con “kỳ khai đắc thắng”, thắng ngay đợt đầu. Ảnh: XIAOXIANG MORNING HERALD

Những người mẹ mặc áo dài trong ngày thi đầu mong con “kỳ khai đắc thắng”, thắng ngay đợt đầu. Ảnh: XIAOXIANG MORNING HERALD

Năm nay là lần đầu tiên kể từ năm 2009 đến nay, Trung Quốc có hơn 10 triệu thí sinh đăng ký thi. Theo tuyên bố hồi đầu năm, Trung Quốc sẽ chiêu sinh thêm 1 triệu sinh viên , trên cơ sở hơn 7,9 triệu của năm 2018. Về lý thuyết sẽ có gần 90% thí sinh đỗ đại học, nhưng trên thực tế, để đỗ được vào các trường tốp đầu với mức học phí vừa phải và cơ hội việc làm cao, tỷ lệ này chỉ khoảng 1%.

Không chỉ học sinh cấp 3, ngay cả các bé chuẩn bị vào lớp 1 và đang ở độ tuổi tiểu học ở Trung Quốc, áp lực cũng không hề nhỏ. Cuối tuần chính là lúc để cha mẹ đưa các con đi học các lớp kỹ năng và năng khiếu. Ở Trung Quốc có một câu nói khá nổi tiếng mà nhiều bậc phụ huynh nằm lòng "Không thể để con thua ngay từ vạch xuất phát". Tâm lý này đã trở thành áp lực vô hình trong nuôi dạy con cái và cũng là một trong những lý do mà dù đã được sinh con thứ hai, song tỷ lệ sinh ở Trung Quốc vẫn chưa được cải thiện như mong muốn./.

Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/thi-dai-hoc-ky-thi-khoc-liet-o-trung-quoc-919874.vov