Thí điểm cấm xe trên 9 tuyến phố quanh hồ Hoàn Kiếm

Sở GTVT Hà Nội đang lên phương án thí điểm cấm phương tiện quanh hồ Hoàn Kiếm để tìm giải pháp quản lý phương tiện đi vào nội đô...

Nhu cầu đi lại của các phương tiện qua các tuyến phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm khá lớn

Nhu cầu đi lại của các phương tiện qua các tuyến phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm khá lớn

Xem xét cấm 24/24h hoặc chỉ cấm giờ cao điểm

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện Sở GTVT đang xây dựng phương án thí điểm cấm các phương tiện giao thông hoạt động trong thời gian 1 tháng đối với toàn bộ không gian đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm. “Chúng tôi sẽ đưa ra các phương án cấm phương tiện cá nhân 24/24h hay chỉ khung giờ cao điểm nhất định trong ngày”, ông Tuấn nói và cho rằng, phương án sẽ được đưa ra để các chuyên gia, nhà khoa học, người dân đánh giá, nếu khả thi Sở GTVT mới áp dụng.

Theo ông Tuấn, trước mắt Sở GTVT đang xây dựng phương án tổ chức giao thông đối với xe buýt và các điểm trông giữ xe để đủ điều kiện thực hiện thí điểm. Dự kiến, 9 tuyến phố sẽ cấm phương tiện gồm: Đinh Tiên Hoàng, Quảng Trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Lê Thái Tổ, Hàng Khay, một phần phố Tràng Tiền, Đinh Lễ, Lê Thạch, Lê Lai, một đoạn phố Hàng Dầu và phố Lò Sũ.

Theo Sở GTVT Hà Nội, về nguyên tắc sẽ điều chỉnh toàn bộ các tuyến buýt ra khỏi các tuyến phố sẽ tổ chức thành phố đi bộ; Xe buýt tiếp cận gần nhất khu vực các phố đi bộ để tạo thuận lợi cho nhân dân đi và đến khu vực hồ Hoàn Kiếm tham quan, vui chơi.

Cụ thể, Sở GTVT dự kiến điều chỉnh lộ trình xe buýt, điều chỉnh điểm đầu cuối 2 tuyến buýt 09, 14 từ điểm đỗ xe Bờ Hồ sang đường Lý Thái Tổ - vườn hoa con cóc, trước Ngân hàng Nhà nước. Điều chỉnh lộ trình các tuyến buýt không đi qua các tuyến đường tổ chức phố đi bộ như sau: Tuyến 09: Bờ Hồ - Cầu Giấy - Bờ Hồ (chiều từ Hai Bà Trưng vào vườn hoa con cóc theo lộ trình: Hai Bà Trưng - Phan Chu Trinh - Lý Thái Tổ đỗ tại vườn hoa con cóc, chiều từ vườn hoa con cóc ra theo lộ trình: Vườn hoa con cóc - Ngô Quyền - Hai Bà Trưng.

Các tuyến buýt 08, 14, 31, 36, 86 đi về phía Long Biên sẽ điều chỉnh theo lộ trình: Hai Bà Trưng - Phan Chu Trinh - Lý Thái Tổ - Ngô Quyền - Hàng Vôi - Hàng Tre - Hàng Muối - Trần Nhật Duật.

Tuyến 31 từ Long Biên về đi theo lộ trình: Nguyễn Hữu Duân - Lý Thái Tổ - Ngô Quyền - Hai Bà Trưng - Bà Triệu; Tuyến 36 từ Long Biên về theo lộ trình: Nguyễn Hữu Huân - Lý Thái Tổ - Lê Thánh Tông; Tuyến 02 đi theo lộ trình: Lê Thánh Tông - Hai Bà Trưng - Quang Trung - Tràng Thi - Điện Biên Phủ.

“Phương án điều chỉnh như hiện nay, hành khách đi xe buýt muốn tiếp cận hồ Hoàn Kiếm sẽ sử dụng các điểm dừng tại 51 Lý Thái Tổ, cách đường Đinh Tiên Hoàng khoảng 300m, cự ly đi bộ phát sinh không quá lớn so với hiện nay”, ông Tuấn nói.

Cần giải pháp không ảnh hưởng tới nhu cầu đi lại của người dân

Tràng Tiền cũng là một trong tuyến phố Sở GTVT nghiên cứu cấm phương tiện lưu thông

Tràng Tiền cũng là một trong tuyến phố Sở GTVT nghiên cứu cấm phương tiện lưu thông

Sở GTVT Hà Nội cũng sẽ nghiên cứu các điểm giao thông tĩnh, tiếp tục kiểm tra, rà soát để chuyển các điểm trông giữ xe tự phát thành điểm trông giữ có quản lý; Nghiên cứu tận dụng các vị trí, điều chỉnh các điểm trông giữ xe đạp, xe máy phân bố đến quanh khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm như: Nhà Thờ, Hàng Trống, Phủ Doãn, Nhà Chung, Lý Quốc Sư… và các tuyến phố kết nối trực tiếp với vành đai cấm đường.

Trao đổi với Báo Giao thông, TS Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, phương án tổ chức giao thông của TP Hà Nội cần làm sao đảm bảo được phân tách không gian cho người đi bộ, đồng thời kiểm soát tốc độ dòng giao thông cơ giới. “Chỉ cần ưu tiên không gian đi bộ khoảng 50% công suất của các tuyến phố đó, còn lại dành cho đỗ xe. Những tuyến phố từ 2 chiều sẽ thành một chiều, giao thông vẫn tiếp cận được trong khi người đi bộ dễ dàng kiểm soát tốc độ dòng giao thông. Đây là phương án khả thi và tốt nhất nhưng vẫn hấp dẫn khách du lịch,” ông Minh phân tích.

Cũng theo ông Minh, Sở GTVT khi xây dựng phương án cần sắp xếp lại phần đường và phải dành ít nhất 3m để có chỗ cho người đi bộ, đỗ xe thay bằng việc cấm một cách miễn cưỡng như hiện nay vào các ngày cuối tuần để các tuyến phố khu vực xung quanh có thể liên kết với nhau.

Chuyên gia giao thông Hoàng Minh Sơn cũng cho rằng, các tuyến phố thuộc quận Hoàn Kiếm chủ yếu xây dựng theo đường bàn cờ, là phố ngắn, diện tích mặt đường hẹp nhưng phương tiện, nhu cầu đi lại rất cao. “Sở GTVT xây dựng phương án cấm phương tiện đi lại qua các tuyến phố đó hiện tại cuối tuần ra sao? Có hiệu quả không? Có nhiều vi phạm và xử lý được không? Tôi cho rằng, phải làm tốt được những điều đó mới thực hiện thí điểm trong 1 tháng”, ông Sơn nói và cho rằng, hiện các bãi trông giữ xe trái phép tồn tại trên các tuyến phố đi bộ có giá gửi “trên trời”, dao động từ 50 - 100 nghìn đồng với ô tô; 20 - 50 nghìn đồng đối với xe máy. Nếu Hà Nội cấm phương tiện mà không tính đến các phương án giảm chi phí, thuận lợi cho người dân sẽ rất khó khả thi.

Lê Tươi

Nguồn ATGT: https://www.atgt.vn/thi-diem-cam-xe-tren-9-tuyen-pho-quanh-ho-hoan-kiem-d439173.html