Thí điểm cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng: Cần giám sát đặc biệt vì 'chưa có tiền lệ'

Đại biểu Quốc hội cho rằng cơ chế riêng cho Đà Nẵng chưa có tiền lệ ở nước ta, nên trong quá trình triển khai thực hiện cần giám sát đặc biệt để vừa làm vừa kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm.

Hôm nay, Quốc hội tiếp tục có ý kiến cho dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: TTXVN)

Hôm nay, Quốc hội tiếp tục có ý kiến cho dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: TTXVN)

Sáng nay, 7/6, tại nghị trường, các đại biểu tiếp tục đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng; trong đó chủ trương thí điểm thành lập Khu thương mại tự do là một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm, bày tỏ ý kiến đồng thuận bên lề nghị trường.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng đây là mô hình chưa có tiền lệ ở nước ta nên trong quá trình triển khai thực hiện cần có cơ chế giám sát đặc biệt để vừa làm vừa kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm.

Đà Nẵng có thể trở thành khu thương mại - tài chính tự do?

Đánh giá Đà Nẵng có rất nhiều tiềm năng để có thể áp dụng được những cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu dự thảo Nghị quyết, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Dương muốn góp ý bên cạnh việc cho phép Đà Nẵng thành lập khu thương mại tự do, cũng nên xem xét bổ sung cả khu tài chính tự do.

“Bởi nếu thành lập khu thương mại - tài chính tự do sẽ thu hút được rất nhiều các nguồn lực tài chính cũng như có điều kiện thí điểm được nhiều cơ chế tài chính với Đà Nẵng, bởi trên thực tế có rất nhiều các quốc gia đã thành công khi thành lập được khu tài chính tự do. Tôi lấy ví dụ như Singapore chẳng hạn,” đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ.

 Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Dương. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Dương. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Theo đại biểu, hiện nay có một số các doanh nghiệp đầu tư-kinh doanh tại Việt Nam nhưng lại đăng ký thành lập ở nước ngoài, bởi vì những nước này có những cơ chế thu hút tài chính đặc biệt. Vì vậy, đại biểu cho rằng Việt Nam cũng nên bổ sung cơ chế này đối với thành phố Đà Nẵng để thu hút được nguồn tài chính. Trong tương lai không xa, đại biểu hy vọng nếu được bổ sung cơ chế này, Đà Nẵng cũng sẽ sớm trở thành một trung tâm tài chính của Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung, bởi Đà Nẵng có đầy đủ các lợi thế để làm điều này.

Về việc thí điểm khu thương mại tự do tại Đà Nẵng, đại biểu Nguyễn Công Long, Đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai đánh giá sẽ có tính khả thi vì phạm vi cũng như nội dung có thể thực hiện. Tuy nhiên, đại biểu cho biết quan tâm nhất là khi thực hiện các cơ chế đó, bao gồm từ sản xuất, logistic, hậu cần… trong một không gian bó kín như vậy thì quản lý của nhà nước và thanh tra, kiểm tra thường xuyên của cơ quản lý sẽ thế nào để đảm bảo rằng ở nơi đó không phát sinh những vấn đề tội phạm.

“Chúng ta phải lường trước những nguy cơ sản xuất chế tạo hàng cấm, hàng giả, thậm chí cách vận chuyển, trung chuyển thông thoáng có thể tạo ra một địa điểm trung chuyển ma túy hoặc các hàng hóa phạm pháp khác. Tôi cho rằng cần hết sức lưu ý những điều này khi thí điểm thực hiện khu thương mại tự do tại Đà Nẵng”, đại biểu nhấn mạnh.

 Đại biểu Nguyễn Công Long, Đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Đại biểu Nguyễn Công Long, Đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Cần có cơ chế giám sát đặc biệt

Theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Đoàn đại biểu Quốc hội Thừa Thiên-Huế, trong gói 30 chính sách dành cho Đà Nẵng lần này có một chính sách rất cơ bản, chuyên sâu và toàn diện đó là phát triển khu công nghệ cao kết hợp với phát triển trung tâm thương mại tự do.

“Ở góc độ gắn việc phát triển trung tâm thương mại tự do, trong đó có khu công nghệ cao như nghiên cứu sản xuất các sản phẩm công nghệ, chíp bán dẫn hay các linh kiện điện tử nhằm thích ứng với xu hướng chuyển đổi số…, tôi hoàn toàn tán thành. Tôi rất mong trung tâm công nghệ cao ở Đà Nẵng sớm được hình thành với những cơ chế chính sách đã được Đảng, Nhà nước và đặc biệt chính sách pháp luật đã thông qua để cơ chế đặc thù của Đà Nẵng sớm được áp dụng vào thực tiễn,” đại biểu Nguyễn Thị Sửu bày tỏ.

Theo đại biểu, để hiện thực hóa sớm và nhanh chóng những cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng sau khi được Quốc hội thông qua, Chính phủ và thành phố Đà Nẵng cần nghiên cứu sớm ban hành các văn bản thực hiện Nghị quyết.

Đánh giá qua thời gian thực hiện Nghị quyết 119, Đà Nẵng đã vươn mình mạnh mẽ với những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực du lịch, công nghệ thông tin, công nghệ cao, song đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng với 30 cơ chế, chính sách đặc thù được nêu trong dự thảo Nghị quyết, nếu làm đồng bộ thì “sợ không đủ lực.”

 Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

“Đà Nẵng nên chọn thứ tự ưu tiên để có bước đi vững chắc. Trước mắt, cần tập trung xây dựng cơ chế huy động nguồn lực xây dựng thí điểm Khu thương mại tự do, Trung tâm Tài chính quốc tế, phát triển Đà Nẵng thành trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, trung tâm công nghệ cao của cả nước… Đây là cơ chế rất thành công trên thế giới, đặc biệt ở những nước có ưu thế về cảng biển như Singapore, Trung Quốc… Qua hơn 30 năm, Khu thương mại tự do đã phát triển rất hiệu quả, đóng góp cho sự phát triển của các nước này,” đại biểu gợi ý.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị có thêm một số cơ chế để Đà Nẵng triển khai thí điểm Khu thương mại tự do, tạo tiền đề nhân rộng ra các địa phương khác. Khi Đà Nẵng triển khai thành công, có thể nhân rộng ra các địa phương có lợi thế tương tự, có nhiều cảng kết nối được với Khu thương mại tự do như cảng Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ, Trà Vinh, Khánh Hòa, Quảng Ngãi…

Trong khi đó, trước “câu chuyện” của Đà Nẵng, đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Đoàn đại biểu Quốc hội Bình Thuận cho rằng pháp luật Việt Nam chưa có quy định về việc thành lập, hoạt động đối với khu thương mại tự do. Mặc dù đây là mô hình kinh tế đã khá phổ biến, được nhiều quốc gia áp dụng thí điểm

Đồng tình với chính sách dành cơ chế đặc thù phát triển Đà Nẵng nhưng theo đại biểu: “Đây là mô hình đầu tiên, chưa có tiền lệ ở nước ta nên trong quá trình triển khai thực hiện cần có cơ chế giám sát đặc biệt để vừa làm vừa kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm,” đại biểu nhấn mạnh./.

 Bay dù lượn ven biển Đà Nẵng là một trải nghiệm thú vị và choáng ngợp. (Ảnh: Thu Trang)

Bay dù lượn ven biển Đà Nẵng là một trải nghiệm thú vị và choáng ngợp. (Ảnh: Thu Trang)

Nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định 2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 cơ chế, chính sách cụ thể về tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng. Các chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng đề xuất thực hiện thí điểm.

Thực tiễn sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội, thành phố Đà Nẵng đã đạt được một số kết quả nổi bật về hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và đẩy mạnh cơ chế phân cấp, ủy quyền từ chính quyền thành phố cho chính quyền quận, phường.

Song, thành phố còn gặp một số khó khăn, vướng mắc về cơ cấu tổ chức, cơ chế tài chính của Ủy ban nhân dân quận, phường; về liên thông cán bộ và biên chế công chức phường; về thẩm quyền của HĐND quận, phường. Nghị quyết số 119/2020/QH14 chủ yếu tập trung vào thí điểm mô hình chính quyền đô thị, còn thiếu các cơ chế, chính sách đặc thù mang tính vượt trội, đột phá, có tính động lực, lan tỏa.

Do đó, mục đích xây dựng dự thảo Nghị quyết là xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm phát huy tính ưu việt, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập của mô hình chính quyền đô thị tại Nghị quyết số 119/2020/QH14; tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, góp phần xây dựng và phát triển Đà Nẵng như mục tiêu đã đặt ra tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị và của Quốc hội nêu trên.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/thi-diem-co-che-dac-thu-cho-da-nang-can-giam-sat-dac-biet-vi-chua-co-tien-le-post957845.vnp