Thí điểm dịch vụ internet vệ tinh tầm thấp phủ sóng đến vùng sâu, vùng lõm

Với quyết định cho phép Tập đoàn SpaceX triển khai thí điểm dịch vụ Internet không dây Starlink tại Việt Nam, việc phủ sóng internet tới các vùng lõm sóng sớm được triển khai, thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.

Hướng đi phủ sóng rộng khắp

Theo Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Khoa học và Công nghệ), hệ thống vệ tinh viễn thông quỹ đạo tầm thấp (Low Earth Orbit - LEO) hoạt động ở độ cao 160-2.000 km so với mực nước biển. Nhờ quỹ đạo thấp, LEO có độ trễ tín hiệu thấp, tốc độ truyền dữ liệu cao (50-500 Mbps) và khả năng phủ sóng rộng mà không cần nhiều hạ tầng mặt đất. Các hệ thống LEO cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tốc độ cao ổn định với mục tiêu phủ sóng toàn cầu, cả các khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo. Hiện trên thế giới có các hệ thống LEO tiêu biểu của Mỹ và Trung Quốc. Trong đó Starlink của SpaceX (Mỹ) đang có lợi thế về lượng vệ tinh đưa vào khai thác.

Ảnh minh họa: mil.in

Ảnh minh họa: mil.in

Tại Việt Nam, hạ tầng viễn thông mặt đất chủ yếu dựa trên mạng lưới cáp quang và các trạm thu phát sóng (BTS) 4G, 5G do các nhà mạng Viettel, VNPT/VinaPhone, MobiFone triển khai và vận hành. Các hạ tầng phủ sóng rộng khắp, có tốc độ ổn định, nhất là khu vực đô thị. Tuy nhiên, tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, hải đảo việc phủ sóng vẫn gặp thách thức lớn, do chi phí xây dựng và vận hành cao trên địa hình phức tạp.

Theo đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam, hệ thống vệ tinh viễn thông quỹ đạo tầm thấp được xem là giải pháp bổ sung để cung cấp dịch vụ viễn thông, internet với nhiều lợi thế, chi phí rẻ hơn. Đây chính là lời giải thiết thực cho bài toán thu hẹp khoảng cách số giữa các khu vực, đặc biệt trong một quốc gia có địa lý đa dạng như Việt Nam.

Đầu tháng 4, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã chính thức trao quyết định thí điểm cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh Starlink tại Việt Nam cho đại diện Tập đoàn SpaceX.

Quyết định này được ban hành theo Quyết định số 659/QĐ-TTg ngày 23/3, cho phép SpaceX cung cấp dịch vụ thí điểm trong thời hạn 5 năm, kết thúc trước ngày 1/1/2031, với giới hạn tối đa 600.000 thuê bao. Các yêu cầu nghiêm ngặt về an ninh và quốc phòng đã được đặt ra trong khuôn khổ cho phép hoạt động.

Việc cấp phép thí điểm không chỉ đơn thuần là tiếp nhận một công nghệ mới, mà còn thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc chủ động tiếp cận công nghệ tiên tiến, mở rộng không gian phát triển cho kinh tế số, giáo dục từ xa và dịch vụ công tại các địa bàn chưa được kết nối đầy đủ. Với Starlink, người dân ở mọi miền đất nước có thể được tiếp cận bình đẳng với hạ tầng số, điều kiện cốt lõi để chuyển đổi số trở thành hiện thực toàn dân.

Tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 193/2025/QH15 ngày 19/2/2025 về thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, Nghị quyết cho phép thí điểm có kiểm soát dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp không quá 5 năm, kết thúc trước ngày 1/1/2031.

Trải nghiệm mới

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, trong giai đoạn COVID-19, bằng cơ chế đặc biệt do Quốc hội cho phép, Việt Nam đã phủ sóng được 2500 thôn bản lõm sóng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2024, cả nước vẫn còn 751 vùng lõm sóng. Điểm khó nhất để triển khai phủ sóng đến những vùng lõm sóng này cần có đường điện, đường cáp quang, duy trì vận hành trạm phát sóng… với chi phí lớn. Do đó, tại các buổi giao ban của Bộ Thông tin và Truyền thông trước đây đã từng có đề xuất dùng dịch vụ vệ tinh tầm thấp. Sau đó, nếu là cụm dân cư có thể phát sóng wifi để tăng lượng người được dùng.

Theo các chuyên gia Hiệp hội Internet, chi phí ban đầu (mua thiết bị đầu cuối) của dịch vụ Starlink có giá khoảng 500-600 USD, cộng thêm phí thuê bao hằng tháng ước tính 50-100 USD. Đây là con số không hề nhỏ, vượt quá khả năng chi trả của nhiều hộ gia đình. Tuy nhiên, so với đầu tư một trạm phát sóng BTS, chi phí đầu tư điểm trạm cuối dùng thiết bị vệ tinh tầm thấp được coi rẻ hơn rất nhiều.

Dù vậy, về mặt công nghệ, dịch vụ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp phụ thuộc thời tiết, tín hiệu vệ tinh dễ bị gián đoạn trong điều kiện mưa lớn hoặc bão, vốn là hiện tượng thời tiết khá phổ biến ở Việt Nam. Bên cạnh đó là yếu tố liên quan đến vấn đề bảo mật thông tin. Với những thông số cho thí điểm dịch vụ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp được coi sẽ phủ sóng toàn bộ vùng lõm sóng viễn thông, internet tại Việt Nam.

Về mặt thị trường, với lợi thế về công nghệ, dịch vụ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp được triển khai thí điểm trước mắt sẽ có ảnh hưởng nhất định đến nhà mạng trong nước, cạnh tranh cung cấp dịch vụ viễn thông, internet trong tương lai.

XM/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/thi-diem-dich-vu-internet-ve-tinh-tam-thap-phu-song-den-vung-sau-vung-lom-20250507162647858.htm